Để định giá 1 loại tài sản kỹ thuật số, 1 đồng tiền điện tử thì bạn không thể chỉ nhìn vào giá của nó mà nhận định nó là giá rẻ hay giá cao được. Lưu ý là nếu bạn bắt đầu đánh giá và so sánh các đồng coin để đầu tư thì bạn cần so sánh các đồng coin trong cùng một phân khúc. Tức là các dự án phát triển đồng coin đó phải hoạt động trong cùng một lĩnh vực với nhau. Nếu như các dự án đó hoạt động không cùng một lĩnh vực ví dụ như Ethereum là một blockchain nền tảng và nó thuộc lĩnh vực khác hoàn toàn với Bitcoin nên nếu như chúng ta so sánh như vậy là rất khập khiễng. Với các sản phẩm và dự án khác nhau sẽ có những tiêu chuẩn đánh giá khác nhau. Trong thị trường crypto thì mình thấy hiện tại có một số ngách nhỏ với phân khúc khác nhau bao gồm:
- Các dự án hoạt động về farming thì cần xem xét các yếu tố về: TVL, người dùng, cơ chế quản trị,...
- Các dự án hoạt động về DEX: người dùng, TVL, khối lượng giao dịch
- Các dự án về nền tảng blockchain: cơ chế POS, POW,..
Ngoài ra còn một số ngách khác như Stablecoins, Payment, Currency, Derivatives, Insurance, Lending & Borrowing, NFT, DAO,..
Hiện tại nếu như muốn so sánh các đồng coin cùng loại với nhau thì để biết được đồng coin đó so với các đồng coin tương tự có rẻ hơn hay không thì chúng ta phải đánh giá thông qua các yếu tố sau:
1. Dữ liệu on-chain
On-chain đơn giản được hiểu là toàn bộ những dữ liệu được ghi lại trên Blockchain, khác với Off-chain là những giao dịch được thực hiện bên ngoài Blockchain. Và Blockchain là những chuỗi khối gắn kết với nhau có thể gồm các dữ liệu:
- Dữ liệu về các Block (Time, Gas Fee, Miner,…).
- Dữ liệu về các giao dịch (Địa chỉ ví, Số lượng chuyển, Token chuyển,…).
- Hành động tương tác với Smart Contract (Add liquidity, Tham gia quản trị,…).
Bất cứ khi nào bạn thực hiện một hành động trên Blockchain, hành động đó sẽ được xác minh bởi các nodes và sẽ được cập nhật vào mạng lưới Blockchain tổng thể.
Dữ liệu On-chain sẽ giúp bạn theo dõi được cụ thể những hành vi của các đối tượng trên thị trường. Điều này đặc biệt quan trọng khi theo dõi hoạt động của các Whale - những người sở hữu nhiều nguồn lực về tài chính và thông tin để thao túng thị trường. Do đó, theo dõi các cá voi thông qua dữ liệu on-chain sẽ giúp bạn nắm được hướng đi của dòng tiền và trở thành “số ít" chiến thắng trong thị trường.
Dựa vào dữ liệu On-chain, bạn có thể dự phóng được trước các tình huống và đưa ra được các quyết định đầu tư hợp lý bởi vì những dữ liệu này không thể bị tác động bởi truyền thông nên độ chính xác là tuyệt đối và bạn có thể dự phóng và đi trước số đông. Ví dụ như trong một số trường hợp giá giảm nhưng các Top holders không có động thái bán và tiếp tục thu mua thì có thể là lúc nên xem xét mua vào chứ không phải bán ra theo số đông.
Dựa vào dữ liệu On-chain về sản phẩm để đánh giá hiệu quả hoạt động của dự án và đưa ra các quyết định nếu sản phẩm thu hút được khối lượng giao dịch lớn cũng như có nhiều Users sử dụng thì rất có thể Token của dự án sẽ có tiềm năng tăng giá cao.
2. Dữ liệu của dự án
Đây là một nội dung nằm trong hoạt động phân tích cơ bản một dự án tức là để xác định giá trị của một đồng tiền điện tử bạn phải đánh giá về đội ngũ dự án đứng đằng sau của đồng tiền đó có mạnh hay không. Chúng ta cần đánh giá trên các yếu tố sau:
- Ý tưởng và sản phẩm: bạn có thể tham khảo trên Whitepaper của dự án để đánh giá về tính ứng dụng và thực tế của sản phẩm dự án theo đuổi. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá trị đồng coin bởi nếu như một dự án không có sản phẩm, không có người dùng và không có ứng dụng thực tiễn thì đồng coin đó sẽ trở nên vô giá trị.
- Thành viên đội ngũ phát triển: bạn cần đánh giá xem các nhà phát triển và đội ngũ xây dựng dự án có phải những người có kinh nghiệm và tài năng trong lĩnh vực để có thể duy trì và đưa dự án phát triển lâu dài hơn hay không.
- Nhà đầu tư và đối tác: đây là yếu tố quyết định đến tiềm năng của dự án có thể đi xa đến đâu. Nếu dự án có những nhà đầu tư và đối tác chất lượng, ví dụ những tên tuổi lớn như Binance, Alameda, Google,... thì không chỉ thương hiệu mà đến giá trị của dự án cũng được nâng cao.
- Tokenomics và phân bổ token: đây là yếu tố nền tảng quyết định đến chính sách và trở thành chiến lược trong việc tăng giá trị của đồng tiền điện tử của dự án. Điều quan trọng là phải xác định xem token của dự án có thực sự mang lại tiện ích hay không và liệu tiện ích đó có phải là thứ mà thị trường lớn sẽ cần hay không. Cuối cùng sẽ có thể đưa ra kết luật là mức giá của các tiện ích mà token đó mang lại ở mức nào.
3. Chỉ số tài chính của dự án
Đây là thông tin then chốt để quyết định xem giá trị của một đồng tiền điện tử đang ở mức nào.
- Vốn hóa thị trường
Vốn hóa thị trường (Market Capitalization) là tổng giá trị thị trường của cổ phiếu đang được lưu hành của một công ty niêm yết. Giá trị vốn hóa thị trường chính là thước đo quy mô của một doanh nghiệp, được xác định bằng tổng số tiền mua lại toàn bộ doanh nghiệp đó với điều kiện hiện tại. Trong lĩnh vực crypto, vốn hóa thị trường là cách để xếp hạng kích cỡ tương đối của một loại tiền điện tử.
Vốn Hóa Thị Trường = Giá (1 token/coin) x Số lượng tiền đang lưu thông
Nhờ có vốn hóa thị trường mà bạn sẽ đánh giá được xem đồng tiền đó có đang được định giá cao hay thấp hơn giá trị hiện tại nó mang lại và đưa ra quyết định đầu tư cho mình chứ không phải nhìn vào mức giá của 1 đồng tiền đó.
- Thanh khoản và khối lượng
Tính thanh khoản là thước đo mức độ dễ dàng mua hoặc bán một tài sản. Tài sản thanh khoản cao là tài sản mà chúng ta không gặp vấn đề gì khi bán với giá giao dịch của nó. Khối lượng giao dịch là một chỉ báo có thể giúp chúng ta xác định tính thanh khoản. Nó có thể được đo lường theo một số cách và phục vụ để hiển thị bao nhiêu giá trị đã được giao dịch trong một khoảng thời gian nhất định. Bạn sẽ xác định được khối lượng mà đồng coin đó giao dịch trong ngày, được quy ra các đơn vị cụ thể như BTC, USD hay EUR, ETH. Vốn hóa thị trường chỉ mang tính chất ước lượng, thông qua khối lượng giao dịch bạn sẽ có cái nhìn toàn cảnh về thị trường, về bản thân đồng coin đó tốt hơn. Vốn hóa lớn, phải đi kèm Vol lớn mới thực sự có giá trị. Nếu bạn thấy một đồng giá rẻ, tăng 500%, nhưng Vol chỉ 1 – 2 BTC thì đó chưa chắc đã tiềm năng bởi với Vol nhỏ như vậy tăng đến 1000% vẫn được, nhưng bán có ai mua không lại là chuyện khác nhất là khi nó chỉ được giao dịch trên 1 sàn nhỏ nào đó.
- Cung token
Đối với một số người, cơ chế cung ứng của một đồng tiền theo quan điểm đầu tư là đặc tính thú vị và không thể bỏ qua. Thật vậy, các mô hình như tỷ lệ Stock-to-Flow (S2F) đang ngày càng phổ biến đối với những người ủng hộ Bitcoin. Dành cho bạn nào chưa biết thì Stock-to-Flow là mô hình dự đoán giá Bitcoin trong dài hạn một cách khá chính xác, tuân thủ theo những gì đã từng diễn ra trong thị trường truyền thống như vàng hay bạc. Nó hoạt động có căn cứ dựa trên tổng nguồn cung của Bitcoin là 21 triệu đồng, cùng cơ chế giảm thiểu lạm phát của nó. Có rất nhiều dự đoán về giá của Bitcoin trong tương lai tuy nhiên thực tế thì không ai biết được giá của Bitcoin ngày mai sẽ lên hay xuống, kể cả là những chuyên gia lâu năm trên thị trường vì thế đây là một mô hình hiện được nhiều người theo dõi.
Tổng cung tối đa, lượng cung lưu thông và tỷ lệ lạm phát có thể ảnh hưởng tới các quyết định. Một số đồng tiền làm giảm số lượng cung mà chúng sản xuất theo thời gian, khiến chúng trở nên khan hiếm và tăng nhu cầu muốn sở hữu.
4. Tổng kết
Nếu như các yếu tố trên được thực hiện một cách chính xác thì bạn có thể đánh giá chính xác giá trị của một đồng tiền điện tử mà bạn muốn nắm giữ. Có thể nhìn nhận được giá trị "thực" của mạng lưới so với giá thị trường là một kỹ năng tuyệt vời cần có khi giao dịch. Cũng như nhiều chiến lược khác, chỉ phân tích các yếu tố trên vẫn chưa đủ để bạn đưa ra quyết định đầu tư mà bạn nên có sự kết hợp cả 2 phương pháp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu một số yếu tố cần xem xét để đưa ra nhận định về giá trị của 1 đồng tiền thay vì chỉ nhìn vào mức giá của nó nhé.
Đọc thêm: