1. Tóm tắt cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ, Canada, Mexico và Trung Quốc
Ngày 2/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp áp đặt các mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc. Theo sắc lệnh mới, Mỹ áp thuế 25% đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, trong đó dầu mỏ và năng lượng từ Canada chịu mức thuế 10%. Đối với Trung Quốc, thuế bổ sung 10% được áp dụng lên toàn bộ hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ. Thông tin này ngay lập tức tác động tiêu cực đến Bitcoin (BTC), khiến giá giảm sâu xuống vùng 91.000 USD.
Chỉ hai ngày sau đó, vào sáng nay ngày 4/2, chính quyền Mỹ thông báo hoãn áp thuế đối với Canada và Mexico trong 30 ngày, sau các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Trump, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Thỏa thuận này đi kèm với các biện pháp an ninh, trong đó Mexico triển khai 10.000 binh sĩ để chống buôn lậu fentanyl (1 loại thuốc giảm đau và gây mê sản xuất trái phép, được trộn lẫn với một số chất khác để sử dụng như thuốc giải trí), còn Canada cũng huy động số quân tương tự để tăng cường kiểm soát biên giới.
Thông tin hoãn thuế ngay lập tức tạo động lực phục hồi mạnh cho thị trường crypto. Bitcoin bật tăng 12,6%, từ 91.000 USD lên 102.500 USD. Các altcoins cũng ghi nhận mức tăng từ 15-20%, trong đó nổi bật là OM (+29,3%), ENA (+22,1%), XCN (+20,9%), HEX (+19%) và XRP (+19,1%). Ethereum (ETH) cũng tăng vọt 38%, từ 2.100 USD lên 2.900 USD. Sự phục hồi này phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư khi căng thẳng thương mại tạm thời hạ nhiệt.
Tuy nhiên, đến chiều ngày 4/2, Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế trả đũa từ 10-15% đối với dầu mỏ, thiết bị nông nghiệp, một số loại ô tô, than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ. Ngay lập tức, thị trường crypto phản ứng tiêu cực, với BTC giảm từ 102.000 USD về 98.100 USD chỉ trong vài giờ.
=> Những diễn biến này cho thấy tính nhạy cảm của Bitcoin trước các biến động địa chính trị và kinh tế toàn cầu.
2. Mối liên hệ giữa thuế quan và thị trường crypto là gì?
Thuế quan là một yếu tố đã được nghiên cứu rộng rãi với tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Nhìn lại diễn biến này, có thể thấy rằng chính sách thuế quan tác động đến thị trường crypto theo 2 hướng chính:
-
Tác động đến dòng thanh khoản: Thuế quan có thể gây ra lạm phát trong ngắn hạn do giá cả hàng hóa tăng, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và dòng tiền vào các thị trường rủi ro như crypto. Nếu lạm phát gia tăng, ngân hàng trung ương có thể siết chặt chính sách tiền tệ, làm giảm thanh khoản trên thị trường tài chính. Thị trường crypto, vốn có tính đầu cơ cao, phản ứng rất nhạy cảm với các cú sốc thanh khoản. Khi dòng tiền bị hút ra khỏi hệ thống, các tài sản rủi ro như Bitcoin sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Trong kịch bản xấu nhất, căng thẳng thương mại kéo dài có thể khiến các ngân hàng trung ương tiếp tục chính sách thắt chặt, làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản kỹ thuật số.
-
Tâm lý nhà đầu tư: Khi căng thẳng thương mại leo thang, nhà đầu tư có xu hướng rút vốn khỏi các tài sản rủi ro như crypto để trú ẩn vào các kênh truyền thống như USD hoặc vàng. Điều này giải thích tại sao BTC giảm mạnh khi tin tức thuế quan mới xuất hiện, nhưng sau đó phục hồi khi chính sách bị hoãn.
3. Liệu Bitcoin có thực sự là "tài sản trú ẩn an toàn"? Kịch bản nào cho Bitcoin?
Một tài khoản X có tên là The Giver - Megafund investor & fmr IBD (DMs open) đã chia sẻ quan điểm về thuế quan qua bài viết trên X:
Brief note on tariffs <> risk assets
— The Giver (@lazyvillager1) February 2, 2025
I initiated shorts over the last 2 weeks, first from the SBR-Lite-Lite announcement where I felt the headline was more spurious than reality (and the realization of this in part accelerated from the DEEPSEEK news); TPed and then re-built a…
Cụ thể, ông không đồng ý với một số quan điểm cho rằng Bitcoin có thể trở thành tài sản trú ẩn thay thế vàng khi căng thẳng thương mại gia tăng. Theo ông, quan điểm này ngụ ý rằng chính phủ các nước sẽ mua BTC để phòng hộ trước sự mất giá tiền tệ, trong khi:
-
Thứ nhất, các biện pháp thuế quan lần này chỉ ảnh hưởng đến một nhóm nhỏ quốc gia, chưa đủ để gây ra sự suy yếu đáng kể của USD.
-
Thứ hai, việc rời bỏ đồng USD không giải quyết được vấn đề chuỗi cung ứng bị gián đoạn, vốn là nguyên nhân chính gây ra lạm phát và căng thẳng kinh tế.
-
Cuối cùng, vai trò của vàng vẫn chiếm ưu thế hơn trong bối cảnh bất ổn. Trên thực tế, giá vàng đã giảm vào ngày 2/2, cho thấy tâm lý thị trường vẫn chưa thực sự dịch chuyển về các tài sản trú ẩn an toàn.
Vì thế theo quan điểm của The Giver, BTC vẫn mang đặc tính của một tài sản rủi ro hơn là một kênh trú ẩn an toàn.
Dựa trên những dữ liệu hiện tại, The Giver cũng đã đưa ra hai kịch bản chính cho Bitcoin và thị trường crypto:
-
Kịch bản tiêu cực: Nếu căng thẳng thương mại leo thang và thanh khoản tiếp tục bị thắt chặt, Bitcoin có thể chịu áp lực bán mạnh hơn, quay lại vùng 90.000 USD hoặc thấp hơn.
-
Kịch bản tích cực: Nếu các biện pháp thuế quan gây ra căng thẳng tài chính nghiêm trọng hơn dự kiến, buộc các ngân hàng trung ương phải nới lỏng chính sách tiền tệ, Bitcoin có thể được hưởng lợi và tiếp tục đà tăng.
Hiện tại, phản ứng của thị trường vẫn còn nhiều biến số. Trong ngắn hạn, mức hỗ trợ quan trọng cho BTC là 98.000 USD, trong khi vùng kháng cự lớn nằm quanh 102.500 - 105.000 USD. Nhà đầu tư cần theo dõi sát các diễn biến chính sách để có quyết định phù hợp.
Đọc thêm: