theblock101

    CPI là gì? Sự ảnh hưởng của chỉ số CPI đến nền kinh tế và thị trường tài chính

    ByVinz Nguyen19/10/2023
    Trong khoảng 2 năm gần đây, có lẽ CPI là một chỉ số quen thuộc được những người tham gia trong thị trường tài chính nói đến nhiều hơn. Vậy chỉ số CPI là gì? Và tầm quan trọng của CPI đối với nền kinh tế ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây
    CPI là gì?
    CPI là gì?

    1. CPI là gì?

    CPI (Consumer Price Index) là chỉ số giá tiêu dùng, một chỉ số để đo lường sự thay đổi giá của một giỏ hàng tiêu dùng “thiết yếu” cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Tưởng tượng bạn có một giỏ hàng, trong đó bao gồm nhiều thứ như: bánh mì, sữa, áo sơ mi, điện, nước,... CPI giúp bạn biết liệu năm nay bạn phải trả nhiều hơn bao nhiêu tiền để mua cùng một giỏ hàng so với năm trước.

    Nói cách khác, CPI cho ta biết giá trị của đồng tiền đã “mất” bao nhiêu giá trị so với trước, cũng vì lí do này CPI thường là chỉ số được đưa ra để đo lường mức độ lạm phát.

    Vậy, thế nào là lạm phát và lạm phát liệu có xấu?

    2. Lạm phát trong nền kinh tế

    2.1 Lạm phát là gì?

    Lạm phát là hiện tượng giá cả của hàng hóa và dịch vụ tăng lên trong khoảng thời gian nhất định, dẫn đến giảm giá trị thực của tiền tệ. Nói cách khác, khi lạm phát xảy ra đồng tiền mua được ít sản phẩm hơn so với trước đó

    Lạm phát là gì?
    Lạm phát là gì?

     

    2.2 Lạm phát đến từ đâu?

    Lạm phát có những nguyên nhân chính như sau:

    • Cầu vượt cung: Khi nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh hơn so với khả năng cung cấp.
    • Giảm giá trị tiền tệ: Khi lượng tiền mặt trong lưu thông tăng mạnh, nhưng không đi kèm với sự tăng trưởng của nền kinh tế.
    • Chi phi đẩy: Chi phí đầu vào của các doanh nghiệp bao gồm tiền lương, giá cả nguyên liệu đầu vào, máy móc, thuế… Khi giá cả của một hoặc vài yếu tố đầu vào tăng lên thì tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp cũng tăng lên, vì thế mà giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng lên từ đó tạo ra lạm phát. Chỉ số PPI (Producer Price Index) - chỉ số giá sản xuất thường dùng để đo lường điều này.

    2.3 Lạm phát có thực sự xấu?

    Câu trả lời là không, lạm phát thực ra có thể mang lại cả lợi ích và hại cho nền kinh tế.

    Tuy nhiên, chúng tùy thuộc vào mức độ lạm phát. Lạm phát chỉ nên ở khoảng 3-5% tại các nước phát triển và dưới 10% tại các nước đang phát triển.

    • Lợi ích: Kích thích tiêu dùng,cho vay, đầu tư vốn và giảm tình trạng thất nghiệp trong xã hội. Chính phủ có thêm khả năng lựa chọn công cụ kích thích đầu tư ở những lĩnh vực chưa phổ biến thông qua việc mở rộng tín dụng, phân phối lại nguồn thu nhập và đầu tư có chọn lọc về nguồn nhân lực theo định hướng mục tiêu của quốc gia
    • Nhược điểm: Làm mất giá trị tiền tệ, dẫn đến giảm sức mua của người dân. Khó khăn cho doanh nghiệp và hộ gia đình lập kế hoạch tài chính, đầu tư và tiết kiệm dài hạn. Những người nhận lương, lương hưu cố định có thể phải đối mặt với sự giảm sức mua nếu lạm phát cao.

    Tại Argentina, lạm phát vào tháng 8 vừa qua đạt đến mức 12.4% - cao nhất từ năm 1991. Điều này đã đẩy đất nước vào khủng hoảng cũng như đẩy số lượng dân nghèo tại đây lên đến hơn 40%

    3. Kiểm soát và điều chỉnh CPI trong nền kinh tế

    Như đã đề cập ở trên, việc kiểm soát “tỉ lệ” lạm phát trong nền kinh tế là cực kì quan trọng.

    3.1 Ngân hàng trung ương

    Ở mọi quốc gia đều có Ngân hàng trung ương (Central Bank). Ngân hàng trung ương thường sử dụng các công cụ và chính sách tiền tệ để ảnh hưởng đến mức độ lạm phát hay chỉ số CPI

    Tại Mỹ, chúng ta có FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) đây cũng là tổ chức tài chính quyền lực nhất trên thế giới.

    Hiểu một cách đơn giản, FED là đơn vị duy nhất có quyền nâng - hạ lãi suất của đồng USD, và cũng là đơn vị duy nhất có quyền “in” thêm USD trên thị trường. Hơn nữa, FED không chịu bất kì sự giám sát của ai, kể cả Tổng Thống Mỹ

    Chủ tịch Fed - Jerome Powell
    Chủ tịch FED - Jerome Powell

    3.2 Các chính sách tiền tệ chính của Ngân hàng trung ương

    • Tỷ lệ lãi suất cơ bản: Tăng lãi suất có thể giảm khả năng vay mượn, giảm tiêu thụ và đầu tư, từ đó làm giảm áp lực lạm phát. Giảm lãi suất có thể khuyến khích vay mượn và tiêu thụ, tăng cường hoạt động kinh tế.
    • Hoạt động mua bán trái phiếu: Mua trái phiếu giúp tăng lượng tiền mặt trong lưu thông, giảm lãi suất và khuyến khích vay mượn. Bán trái phiếu giúp giảm lượng tiền mặt, tăng lãi suất và giảm khả năng vay mượn.

    Chính sách tiền tệ
    Các chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát cung tiền
    • Tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Điều chỉnh tỷ lệ này ảnh hưởng đến lượng tiền mà các ngân hàng có thể cho vay. Hiểu một cách đơn giản, mọi ngân hàng trong quốc gia đều phải chịu sự giám sát của Ngân hàng trung ương. Nếu như Ngân hàng trung ương tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng từ 20% lên 30% Điều này bắt buộc các ngân hàng chỉ được cho vay 30% trên tổng số tiền gửi của khách hàng. Ví dụ: Một khách hàng đến gửi 1.000.000 VND vào Ngân hàng A, khi đó tỉ lệ dự trữ bắt buộc đang là 30% Điều này có nghĩa là Ngân hàng A chỉ có thể sử dụng tối đa 700,000VND để cho vay hoặc đầu tư vào các cơ hội khác. Và chính việc điều chỉnh tỉ lệ dự trữ này nhằm giảm lượng tiền lưu thông ngoài thị trường, nhằm giảm lạm phát.
    • Chính sách thuế: Ví dụ: Tăng thuế có thể giảm tiêu thụ và giảm áp lực lạm phát.

    4. Sự ảnh hưởng của chỉ số CPI đến nền kinh tế

    Sau khủng hoảng COVID-19. Các Ngân hàng trung ương hàng loạt giảm lãi suất về mức thấp và bơm tiền mạnh mẽ ra thị trường. Và chính điều này đã đẩy phần lớn quốc gia rơi vào lạm phát sau đó khiến chỉ số CPI tăng mạnh mẽ.

    Tại nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ, chỉ số CPI đã đạt đến 9.1% vào tháng 6 2022.

    FED nhận thấy “báo động đỏ” từ việc này, họ đã bắt đầu tăng lãi suất ngay từ tháng 3/2022. Đến thời điểm hiện tại, FED đã tăng lãi suất đến 11 lần và đang giữ ở mức 5,25-5,5% - mức lãi suất cao nhất kể từ năm 2001 đến nay.

    Với việc này, FED đã trực tiếp khiến nền kinh tế nói chung và các kênh đầu tư nói riêng gặp những khó khăn nhất định.

    4.1 Những ảnh hưởng đến thị trường tài chính chung

    • Tăng chi phí vay mượn: Khi FED tăng lãi suất, chi phí vay mượn của các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tăng, dẫn đến giảm hoạt động đầu tư và tiêu thụ.
    • Giảm giá cổ phiếu: Tăng lãi suất có thể làm giảm dòng tiền dự kiến từ các khoản đầu tư, giảm giá trị hiện tại của chúng, dẫn đến giảm giá cổ phiếu.
    • Ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu: Khi lãi suất tăng, giá trái phiếu thường giảm. Điều này bởi vì trái phiếu phát hành trước đó với lãi suất thấp trở nên kém hấp dẫn hơn so với trái phiếu mới với lãi suất cao hơn.
    • Tăng giá USD: Lãi suất cao hơn có thể thu hút đầu tư nước ngoài, làm tăng nhu cầu đối với USD và làm mạnh giá trị của đồng tiền này.

    4.2 Những ảnh hưởng đến thị trường Crypto

    • Rủi ro chảy vốn: Khi FED tăng lãi suất, các khoản đầu tư truyền thống có lãi suất cố định trở nên hấp dẫn hơn, dẫn đến rủi ro chảy vốn khỏi thị trường crypto, khiến giá của nhiều crypto giảm.
    • Giảm hoạt động trong DeFi: Việc tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến các giao dịch trong ngành tài chính phi tập trung (DeFi). Với lãi suất cao hơn từ thị trường truyền thống, một số nhà đầu tư có thể chọn giảm hoạt động trên DeFi hoặc rút vốn.
    Ảnh hưởng của chính sách tiền tệ đến thị trường Crypto
    Ảnh hưởng của các chính sách tiền tệ đến thị trường Crypto

    Tuy nhiên, “anh cả” của thị trường Crypto là Bitcoin lại luôn được so sánh với vàng - một tài sản trú ẩn.

    Trong bối cảnh kinh tế không chắc chắn, những loại tài sản được coi là “tài sản trú ẩn” như Bitcoin có thể sẽ được chú ý nhiều hơn nếu như khủng hoảng thật sự xảy ra.

    5. Tổng kết

    Có thể thấy, CPI là một chỉ số quan trọng để đánh giá “mức độ lạm phát” của nền kinh tế. Tuy nhiên, Nhà Đầu Tư cần tránh trường hợp chỉ dựa vào một chỉ số duy nhất.

    Kinh tế là một lĩnh vực luôn được đánh giá và có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, chỉ số. Ngoài CPI, chúng ta còn rất nhiều dữ liệu đáng chú ý như “Dữ liệu việc làm Nonfarm”, Chỉ số PPI, Chỉ số GDP…

    Mặc dù vậy, chỉ số CPI vẫn luôn là chỉ quan trọng có thể ảnh hưởng đến các chính sách tiền tệ của những ngân hàng trung ương - đơn vị quyết định rất nhiều về “nguồn cung tiền” của thị trường. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến kinh tế nói chung và đặc biệt là những kênh đầu tư tài chính.

    Đọc thêm:

    Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính. Tham gia nhóm chat Bigcoinchat để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường.

    Thảo luận thêm tại

    Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

    Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

    Twitter: https://twitter.com/BigcoinVN 

    Vinz Nguyen

    Vinz Nguyen

    If crypto succeeds, it's not because it empowers better people. It's because it empowers better institutions.

    5 / 5 (4Bình chọn)

    Bài viết liên quan