CBDC là gì? Vai trò của CBDC trong hệ thống tiền tệ

ByLeahhere25/09/2023
CBDC viết tắt của Central Bank Digital Currency là tiền điện tử của ngân hàng trung ương hay nói cách khác là tiền pháp định được phát hành dưới dạng kỹ thuật số. Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây về CBDC là gì và được sinh ra để giải quyết những vấn đề gì?

1. CBDC là gì?

CBDC (Central Bank Digital Currency) là đồng tiền kỹ thuật số được phát hành bởi ngân hàng trung ương của các quốc gia, với giá trị được neo với đồng tiền chính thức của quốc gia đó.

CBDC có thể được so sánh với stablecoin. Tuy nhiên stablecoin là tiền điện tử được phát hành bởi các tổ chức tư nhân, được gắn với một loại tiền tệ fiat như đô la Mỹ, euro,… CBDC là loại tiền tệ tập trung, được phát hành và vận hành bởi chính phủ.

Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có hai dạng, bán buôn và bán lẻ.

Một số ví dụ về CBDC: Digital Yuan (Trung Quốc), E-Naira (Nigeria), Sand Dollar (Bahamas),…

CBDC

CBDC (Central Bank Digital Currency) là gì?

2. CBDC khác biệt với cryptocurrency (tiền điện tử) như thế nào?

CBDC

Sự khác biệt giữa CBDC và cryptocurrency

Có 2 điểm khác biệt chính giữa tiền điện tử và CBDC

  • Tiền điện tử được thoải mái phát hành bởi bất kỳ công ty hay tổ chức cá nhân nào, ví dụ như Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), Axie Infinity (AXS),… Còn CBDC được phát hành và quản lý trực tiếp bởi chính phủ và ngân hàng trung ương, nên vẫn được coi là đồng tiền điện tử tập trung. Khi có bất kỳ vấn đề gì với cryptocurrency, chính phủ sẽ không thể can thiệp như với CBDC.
  • Tiền điện tử là loại tài sản với mức độ biến động cao, nên không thể sử dụng như một phương tiện thanh toán được. CBDC sẽ được neo giá với giá trị của tiền tệ quốc gia, chính vì vậy tính ổn định sẽ là yếu tố hàng đầu để cho phép CBDC trở nên lý tưởng làm công cụ thanh toán.

3. Phân biệt 2 loại CBDC

CBDC

Sự khác nhau giữa CBDC bán buôn và bán lẻ

3.1. CBDC bán buôn

CBDC bán buôn được phục vụ cho các tổ chức tài chính lớn. Ví dụ như ngân hàng và các doanh nghiệp có thể sử dụng CBDC bán buôn để thanh toán, giao dịch xuyên biên giới, tránh rào cản về khoảng cách và thời gian.

CBDC bán buôn sẽ hoạt động tương tự như quỹ dự trữ của ngân hàng trung ương, để đảm bảo tính ổn định. Khi các ngân hàng thương mại và tập đoàn muốn thực hiện giao dịch CBDC, tổ chức đó phải nắm giữ số lượng tiền pháp định tương ứng trong tài khoản tại ngân hàng trung ương.

CBDC sẽ tận dụng lợi thế của blockchain để giúp giao dịch được xử lý nhanh hơn, dễ dàng hơn và đáng tin cậy hơn.

3.2. CBDC bán lẻ

CBDC bán lẻ được sử dụng phổ biến cho tất cả mọi người, người dùng có thể coi CBDC như một dạng tiền kỹ thuật số để làm phương tiện thanh toán, giao dịch. Nó có giá trị tương đương như tiền pháp định của quốc gia đó, chỉ khác là ở dạng kỹ thuật số và vẫn được đảm bảo bởi cơ quan quản lý tiền tệ của quốc gia.

4. Có bao nhiêu CBDC được phát hành hiện nay?

CBDC

Tổng quan về hiện trạng áp dụng CBDC của các quốc gia trên thế giới 2022

Theo dữ liệu từ Forbes, có hơn 100 quốc gia đang nghiên cứu về việc phát hành CBDC, và những quốc gia này chiếm hơn 95% GDP toàn cầu, cho thấy tầm quan trọng của CBDC trong hệ thống thanh toán, trao đổi hiện tại.

  • Bahamas là quốc gia đầu tiên giới thiệu CBDC khi tung ra Sand Dollar vào tháng 10 năm 2020.
  • Nigeria trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên triển khai CBDC, eNaira, khoảng một năm sau đó.
  • DCash là một CBDC bán lẻ được triển khai ở Đông Caribe vào cuối năm 2020.
  • Trung Quốc cũng đã thử nghiệm CBDC điện tử của mình kể từ năm 2020.
  • Vào tháng 9 năm 2022, Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ đã xuất bản một báo cáo phác thảo hình dạng của hệ thống CBDC tiềm năng của Hoa Kỳ.

5. CBDC mang lại những lợi ích và rủi ro thế nào với nền kinh tế hiện tại

5.1. Lợi ích

Tận dụng được ưu điểm của công nghệ blockchain

Vì CBDC thường được phát hành và áp dụng công nghệ blockchain nên sẽ được thừa hưởng toàn bộ ưu điểm của blockchain ví dụ như không phụ thuộc vào các bên thứ ba (như ngân hàng, tổ chức trao đổi tiền tệ) mà có thể thực hiện giao dịch nhanh chóng, không bị giới hạn về mặt địa lý hay thời gian, ngoài ra cũng tiết kiệm được chi phí hơn khi giao dịch xuyên quốc gia so với các dịch vụ chuyển tiền bình thường.

Dễ dàng truy cập

Người dùng thậm chí không cần phải có tài khoản ngân hàng mà có thể truy cập và sử dụng CBDC thông qua thiết bị di động có kết nối Internet.

Nâng cao hiệu quả cho hệ thống thanh toán quốc gia

Một trong những lý do khiến tiền điện tử hầu như chưa được cấp phép làm phương tiện thanh toán ở các quốc gia là vì tính biến động khá cao của chúng. CBDC được ra đời với giá trị được đảm bảo bởi tiền pháp định và hệ thống quản lý cấp chính phủ và quốc gia, giúp cho CBDC lý tưởng để trở thành công cụ thanh toán với những ưu điểm như tiện lợi, nhanh chóng, và tiết kiệm chi phí như đã được đề cập bên trên.

Dễ dàng truy xuất và tránh rửa tiền

Tiền điện tử vốn dĩ vẫn chưa được công nhận rộng rãi và được bảo vệ bởi chính phủ là vì tính phi tập trung và bảo mật của nó, có thể trở thành lỗ hổng cho các tội phạm rửa tiền và có những chiêu trò gian lận như trốn thuế. Tuy nhiên, CBDC vẫn là đồng tiền điện tử tập trung, mọi giao dịch đều được kiểm soát và truy xuất dễ dàng bởi chính phủ.

5.2. Rủi ro

Thiếu sự ổn định về mặt công nghệ

Do CBDC vẫn đang trong giai đoạn bắt đầu được nghiên cứu và thử nghiệm ở một số quốc gia, nên công nghệ được áp dụng cho hệ thống này cũng vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và chưa được chính thức đưa vào quy chuẩn, có thể dẫn đến một số trục trặc công nghệ. Ví dụ, vào tháng 1 năm 2022, phiên bản kỹ thuật số của Eastern Caribbean DCash đã ngoại tuyến trong hai tháng vì vấn đề công nghệ.

Làm suy giảm sự cần thiết của hệ thống ngân hàng thương mại

Do CBDC là đồng tiền kỹ thuật số và đã phần nào loại bỏ đi được sự phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại, điều này cũng sẽ dẫn đến việc cân nhắc cắt giảm bớt số lượng ngân hàng thương mại của các quốc gia đó, khiến cho vị thế của các ngân hàng thương mại sẽ bị suy giảm tương đối.

Tính tập trung hoá

CBDC vẫn được coi là đồng tiền tập trung do chịu sự kiểm soát hoàn toàn bởi chính phủ và các tổ chức phát hành tiền tệ, nên các tổ chức này vẫn có toàn quyền quyết định việc đóng băng hay tạm khoá tài sản của bất kỳ ai. Không những vậy, do việc nắm rõ được thông tin từng giao dịch, dễ dàng đánh thuế trên các giao dịch khiến sẽ khiến trở thành rào cản cho việc áp dụng tự nguyện.

Ảnh hưởng bởi giá trị đồng tiền pháp định

Vì giá trị của CBDC sẽ được neo với đồng tiền nội địa, nên nếu việc kiểm soát và quản lý không tốt của quốc gia, dẫn đến sự sụt giảm giá trị của tiền pháp định, cũng sẽ làm ảnh hưởng tới giá trị của CBDC. Ngoài ra, đồng tiền này sẽ phải chịu hoàn toàn sự kiểm soát và dễ dàng bị thao túng, phục vụ cho những mục đích riêng của chính phủ như việc ấn định thời hạn, có thể chi tiêu ở những hạng mục gì,…

6. Kết luận

Hiện nay, CBDC vẫn đang còn trong giai đoạn khá sớm để được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, chủ yếu vẫn dừng lại ở việc nghiên cứu và thử nghiệm, do việc quản lý và tạo ra hệ thống kiểm soát chặt chẽ cho CBDC vẫn còn cần rất nhiều thời gian và công sức.

Mặc dù CBDC được xem như một giải pháp mới cho hệ thống tiền tệ đang dần lỗi thời hiện tại, nhưng bản chất sẽ không có một chính phủ nào muốn từ bỏ việc kiểm soát quyền lực tập trung, và hệ thống tiền tệ chính là một trong những công cụ đắc lực để quản lý và kiểm soát người dân ở thời điểm hiện tại. Nên nếu nói về tương lai của CBDC, có thể nói đây sẽ là một giải pháp mới cho những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống tiền tệ hiện nay.

Hy vọng những thông tin trên đây cung cấp những kiến thức hữu ích cho người dùng. Theo dõi đội ngũ Bigcoin để cập nhật thêm nhiều thông tin khác về thị trường và các dự án crypto nổi bật!

Đọc thêm

Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính.

Thảo luận thêm tại

Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

Twitter: https://twitter.com/Theblock101_ 

Leahhere

Leahhere

- You have to be enough for you

5 / 5 (1Bình chọn)

Bài viết liên quan