1. Blockchain là gì? Giới thiệu về blockchain
1.1. Blockchain là gì?
Blockchain là cuốn sổ cái phân tán cho phép ghi lại giao dịch và dữ liệu một cách minh bạch và không thể sửa đổi dưới bất kì hình thức nào.
- Tính minh bạch: người dùng hoàn toàn có thể kiểm tra được thông tin các giao dịch (địa chỉ ví, số tiền, đích đến của giao dịch,…) ngay trên mạng lưới blockchain đó. Mỗi blockchain sẽ có một hệ thống scan/explorer để người dùng có thể kiểm tra các thông tin này ví dụ như Bitcoin Explorer, Etherscan, BscScan,…
- Tính không thể sửa đổi: các block trong blockchain được liên kết với nhau bởi mã hash (mã hàm băm) hoạt động theo cơ chế liên kết chặt chẽ để dữ liệu giữa các block không thể bị thay đổi. Cụ thể về cơ chế hoạt động của blockchain và vai trò của mã hàm băm sẽ được giải thích chi tiết trong phần Cơ chế hoạt động bên dưới.
- Tính phân tán: Mỗi node (siêu máy tính) sẽ lưu trữ 1 bản sao sổ cái blockchain, thay vì tập trung ở 1 số máy chủ nhất định. Do đó, nếu như có bất kỳ siêu máy tính nào sập thì mạng lưới cũng không bị ảnh hưởng. Điều này giúp cho blockchain trở thành mạng lưới phân tán, an toàn và không bị kiểm soát bởi bất kỳ tổ chức tập trung nào.
1.2. Lịch sử hình thành của Blockchain là gì
Để tìm hiểu về blockchain thì chắc chắn phải biết về lịch sử của công nghệ này. Vậy, cái cách hình thành của blockchain là gì?
Công nghệ blockchain được mô tả vào năm 1991 bởi các nhà khoa học Stuart Haber và Scott Stornetta. Ý tưởng ban đầu của họ là tạo ra một phương pháp lưu trữ dữ liệu có liên quan đến thời gian, từ đó ngăn chặn việc thay đổi hoặc gian lận tài liệu.
Tuy nhiên, công nghệ này không được áp dụng rộng rãi và bằng sáng chế của họ đã hết hiệu lực vào năm 2004.
Sau đó, vào năm 2008, một cá nhân hoặc một nhóm người giấu danh dưới tên gọi Nakamoto Satoshi sử dụng công nghệ blockchain đã được mô tả trước đó để phát triển Bitcoin. Bitcoin là đồng tiền điện tử đầu tiên sử dụng công nghệ blockchain và đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường tiền điện tử.
Bitcoin nhanh chóng thu hút sự quan tâm và tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực tài chính. Với blockchain, giao dịch Bitcoin có thể được ghi lại, xác thực và không thể sửa đổi. Điều này tạo ra tính minh bạch, an toàn và tin cậy cho các giao dịch trực tuyến.
Kể từ khi Bitcoin xuất hiện, công nghệ blockchain đã tiếp tục phát triển và được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài việc sử dụng trong tiền điện tử, blockchain còn được ứng dụng trong quản lý chuỗi cung ứng, hợp đồng thông minh, bầu cử trực tuyến và nhiều ứng dụng khác.
1.3. Quá trình phát triển của Blockchain là gì?
- Blockchain 1.0
Bạn đã biết phiên bản đầu tiên của blockchain là gì chưa? Đó là Blockchain 1.0, tập trung chủ yếu vào việc xử lý các giao dịch tài chính (tiền tệ).
Blockchain 1.0 đã được thực hiện thành công thông qua Bitcoin, đồng tiền điện tử đầu tiên sử dụng công nghệ blockchain. Đây là giai đoạn mà blockchain đã tạo ra một hệ thống tiền điện tử phi trung gian, cho phép người dùng trực tiếp giao dịch với nhau mà không cần đến ngân hàng trung gian.
Blockchain 1.0 tập trung vào tính an toàn, minh bạch và xác thực của các giao dịch tài chính.
- Blockchain 2.0
Vậy, giai đoạn tiếp theo của blockchain là gì?
Đó là Blockchain 2.0, phiên bản này mở rộng khái niệm của blockchain, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tiền điện tử mà còn cho phép xử lý các hợp đồng thông minh (smart contracts).
Ethereum là một ví dụ điển hình cho Blockchain 2.0, nơi các hợp đồng thông minh có thể được lập trình và triển khai trên blockchain. Điều này mở ra nhiều khả năng ứng dụng mới, từ việc xây dựng hệ thống bỏ phiếu trực tuyến đến quản lý chuỗi cung ứng thông minh.
Blockchain 2.0 tập trung vào tính linh hoạt và khả năng thực hiện các dịch vụ thông minh hơn.
- Blockchain 3.0
Blockchain 3.0 là một sự tiến bộ tiếp theo của công nghệ blockchain, nhắm đến việc tối ưu hóa và mở rộng khả năng của nó. Ví dụ điển hình chính là sự ra đời của các Ứng dụng phi tập trung (DApp - Decentralized Application).
Blockchain 3.0 cung cấp cho người dùng các tính năng thân thiện và khả năng xây dựng blockchain tùy chỉnh của riêng họ.
Nếu Blockchain 2.0 thế hệ trước phân tán các blockchain trên các máy tính nhằm lưu giữ những giao dịch thì Blockchain 3.0 phân tán cả các ứng dụng và các ứng dụng này sẽ được kích hoạt để thực hiện 1 nhiệm vụ cụ thể do chính người dùng định nghĩa ra.
Tóm lại, điểm mới Blockchain 3.0 so với Blockchain 1.0 và 2.0 đó là khả năng mở rộng và tiếp cận nhiều hơn tới người dùng thay vì chỉ tiếp cận được các lập trình viên và nhà phát triển như công nghệ cũ.
Ethereum đã chuyển từ cơ chế đồng thuận Proof of Work (PoW) sang Proof of Stake (PoS) để có thể xử lý những hạn chế về vấn đề mở rộng, chi phí giao dịch và bảo mật.
- Blockchain 4.0
Blockchain 4.0 là một thuật ngữ chưa được nhiều tổ chức công nhận. Tuy nhiên khi nhắc đến Blockchain 4.0 có thể nhắc tới Web3 hay Metaverse liên kết với các công nghệ tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT), trí tuệ cảnh quan (AR/VR), cảm biến, và các công nghệ khác. Ý tưởng chính của Blockchain 4.0 là kết hợp blockchain với các công nghệ này để tạo ra các ứng dụng mới có khả năng tự động, thông minh và tương tác đa chiều.
Ví dụ, trong Blockchain 4.0, blockchain có thể được sử dụng để quản lý và chia sẻ dữ liệu của các thiết bị IoT thông qua một mạng lưới phi tập trung và an toàn. Trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu blockchain và tạo ra những dự đoán và quyết định thông minh. Cảm biến và AR/VR có thể được sử dụng để giao tiếp và tương tác với blockchain một cách trực quan và thú vị hơn.
1.4. Ví dụ về Blockchain
Blockchain có nhiều ứng dụng thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Ví dụ, Bitcoin sử dụng blockchain để ghi lại và xác minh các giao dịch một cách công khai và bảo mật. Mỗi giao dịch được lưu trữ trên một sổ cái phân tán, đảm bảo tính minh bạch và không thể thay đổi.
Trong chuỗi cung ứng, Walmart áp dụng blockchain để theo dõi sản phẩm từ nông trại đến cửa hàng, giúp cải thiện an toàn thực phẩm và cung cấp thông tin minh bạch cho người tiêu dùng.
Ngành y tế cũng hưởng lợi từ blockchain bằng cách lưu trữ hồ sơ y tế an toàn, cho phép bệnh nhân kiểm soát và chia sẻ dữ liệu với các bác sĩ một cách dễ dàng và bảo mật.
Những ví dụ này minh họa tiềm năng của blockchain trong việc nâng cao hiệu quả và độ tin cậy của nhiều quy trình kinh doanh và dịch vụ.
2. Cơ chế hoạt động của Blockchain
2.1. Cấu trúc cơ bản của và công nghệ blockchain là gì
Blockchain hoạt động dựa trên hai khái niệm quan trọng là "khối" (block) và "chuỗi" (chain) để kết hợp thành “blockchain”.
Khối (Block) là gì?
Khối là một phần của blockchain, tương tự như một trang trong cuốn sổ ghi chép. Mỗi khối chứa thông tin về một số giao dịch hoặc sự kiện đã xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định.
Ví dụ, trong blockchain Bitcoin, một khối có thể chứa thông tin về các giao dịch Bitcoin được thực hiện trong khoảng 10 phút.
Cấu trúc của mỗi block bao gồm 3 thành phần:
- Số thứ tự (Block Height): Số thứ tự đánh dấu block trên blockchain, ví dụ sự kiện Bitcoin Halving lần đầu tiên diễn ra vào năm 2012 là ở block số 210000.
- Dữ liệu giao dịch (Transaction Data): Dữ liệu giao dịch bao gồm thông tin về các giao dịch được thêm vào khối đó. Ví dụ, trong blockchain Bitcoin, dữ liệu giao dịch sẽ chứa thông tin về địa chỉ nguồn, địa chỉ đích, số lượng Bitcoin được chuyển đi và các thông tin liên quan khác.
- Mã hàm băm (Hash) và Nonce: Mã hash này là một dãy số và chữ cái duy nhất đại diện cho khối đó. Mã hash được tạo ra để liên kết các khối và giúp nhận biết khối nào là khối trước và khối nào là khối sau. Nonce là một số ngẫu nhiên được thay đổi liên tục trong quá trình tính toán mã hash, nhằm tìm ra một giá trị mã hash thỏa mãn một số yêu cầu nhất định (ví dụ: có một số lượng chữ số 0 đầu tiên).
Khối đầu tiên do không có khối nào trước nó nên mã Hash của nó là chuỗi số 0. Và nó được gọi là khối nguyên thuỷ hay Genesis Block.
Khi có một giao dịch mới xảy ra, nó sẽ được gói thành một khối và thêm vào cuối chuỗi khối. Mã hash của khối mới sẽ được tính toán dựa trên nội dung của khối đó và liên kết với mã hash của khối trước đó. Việc này tạo ra một chuỗi liên kết không thể thay đổi một cách dễ dàng.
Vì mã hash của mỗi khối được liên kết với mã hash của khối trước đó, nếu có ai đó muốn thay đổi thông tin trong một khối cũ, mã hash của khối đó sẽ thay đổi và ảnh hưởng đến mã hash của các khối tiếp theo.
Điều này làm cho việc gian lận hoặc thay đổi dữ liệu trong blockchain trở nên rất khó khăn. Cơ chế này sẽ được giải thích cụ thể bên dưới.
Chuỗi (Chain) là gì?
Chuỗi là tập hợp các khối được kết nối với nhau theo thứ tự thời gian, khối sau liên kết với khối trước và tạo thành chuỗi. Giống như các trang được nối với nhau trong cuốn sổ ghi chép.
- Liên kết giữa các khối: Mỗi khối trong chuỗi khối được liên kết với khối trước đó thông qua mã hash. Mã hash của khối trước đó được lưu trong header của khối hiện tại, tạo thành một chuỗi liên kết không thể thay đổi dễ dàng. Điều này đảm bảo tính toàn vẹn và tính xác thực của dữ liệu trong blockchain.
- Cơ chế xác thực giao dịch: Blockchain sử dụng mạng lưới các thợ đào (miners) để xác thực tính hợp lệ của các giao dịch. Các thợ đào kiểm tra thông tin trong giao dịch và sử dụng cơ chế Bằng chứng công việc (Proof-of-Work). Giao dịch được xác thực sau đó được ghi chú vào một khối mới trong chuỗi khối.
Tóm lại, blockchain hoạt động bằng cách gói các giao dịch vào các khối và liên kết các khối lại với nhau thành một chuỗi khối.
Mỗi khối chứa thông tin và mã hash để bảo đảm tính toàn vẹn và tính xác thực của dữ liệu trong blockchain. Cơ chế này tạo ra sự minh bạch, an toàn và tin cậy cho các giao dịch và sự kiện trong mạng blockchain.
2.2. Quy trình diễn ra của một giao dịch
Các giao dịch thường tuân theo một quy trình cụ thể và tùy thuộc vào các blockchain khác nhau. Ở đây mình sẽ phân tích quy trình một giao dịch sẽ diễn ra trên blockchain của Bitcoin.
Bước 1: Khi một giao dịch mới xảy ra, thông tin về giao dịch đó được gửi tới mạng lưới blockchain đến nơi gọi là memory pool (hay còn gọi là mem pool), nơi nó được lưu trữ và xếp hàng đợi cho đến khi một người khai thác hoặc người xác nhận chọn nó để xử lý.
Bước 2: Sau khi dữ liệu giao dịch được ghi vào một khối và khối đó chứa đầy các giao dịch, nó sẽ được đóng lại và mã hóa bằng thuật toán mã hóa.
Bước 3: Sau đó, giao dịch (transaction) sẽ được gửi tới tất cả các node trong mạng lưới để chờ đợi được xác thực. Từ đó việc khai thác bắt đầu.
Bước 4: Quy trình xác thực và ghi chú của giao dịch trong blockchain được gọi là quá trình đào (mining). Các node trong mạng lưới, gọi là các "thợ đào" (miners), sẽ làm việc cùng nhau để xác minh tính hợp lệ của giao dịch này.
- Đầu tiên, các thợ đào kiểm tra các thông tin trong giao dịch như số dư tài khoản, chữ ký điện tử và các quy tắc giao dịch đã được thiết lập trước đó.
- Sau đó, các thợ đào thực hiện một quy trình tính toán phức tạp, gọi là "Bằng chứng công việc" (Proof-of-Work), để chứng minh rằng họ đã thực hiện việc xác thực giao dịch. Điều này đòi hỏi một lượng lớn công năng tính toán và sự tiêu tốn năng lượng. Thợ đào cũng sẽ nhận được phần thưởng cho công việc của họ.
Bước 5: Khi thợ đào thành công trong việc chứng minh công việc, giao dịch được xác nhận và ghi chú vào một khối mới trong blockchain.
- Ghi chú giao dịch: Sau khi một giao dịch được xác thực, thông tin của nó sẽ được ghi chú vào một khối mới trong blockchain. Khối mới này chứa thông tin về giao dịch và mã hash độc nhất để xác định tính toàn vẹn của khối. Mã hash của khối mới sẽ được liên kết với mã hash của khối trước đó trong chuỗi khối.
- Việc liên kết các khối thông qua mã hash tạo ra tính toàn vẹn của dữ liệu trong blockchain. Nếu ai đó muốn thay đổi thông tin trong một khối cũ, mã hash của khối đó sẽ thay đổi và ảnh hưởng đến mã hash của các khối tiếp theo. Điều này làm cho việc gian lận hoặc thay đổi dữ liệu trong blockchain trở nên rất khó khăn.
Bước 6: Sau khi giao dịch được validated thì đồng nghĩa với việc giao dịch hoàn thành.
2.3. Blockchain có thật sự an toàn?
Để một khối mới được tạo ra và thêm vào trong mạng lưới blockchain cần trải qua sự đồng thuận và xác nhận của toàn bộ hệ thống máy tính trong mạng lưới. Các khối mới luôn được thêm vào “phần cuối” của chuỗi khối. Sau khi một khối đã được thêm vào cuối chuỗi khối, các khối trước đó không thể thay đổi được.
Một thay đổi trong bất kỳ dữ liệu nào sẽ thay đổi hàm băm (mã hash) của khối chứa nó. Bởi vì mỗi khối chứa hàm băm của khối trước đó, nên một thay đổi trong một khối sẽ thay đổi các khối tiếp theo. Mạng sẽ từ chối một khối đã thay đổi vì giá trị hash không khớp.
Ví dụ, hãy tưởng tượng một hacker chạy một node trên mạng blockchain và muốn thay đổi blockchain này để đánh cắp tiền điện tử từ những người khác. Để làm được điều này thì hacker phải thay đổi mã hash của tất cả các khối phía sau để phù hợp với mã hash của khối mà hacker muốn thay đổi trong 1 khoảng thời gian nhất định. Đồng thời, hacker sẽ phải thuyết phục các node khác rằng mã hash mới tạo là bản hợp lệ và các node đều phải đồng loạt xác nhận sự hợp lệ đó. Điều này gần như là không khả thi.
Tuy nhiên, hacker có thể làm được nếu như họ có khả năng kiểm soát phần lớn mạng để thực hiện việc này và chèn nó vào đúng thời điểm. Đây được gọi là tấn công 51% (51% Attack) vì hacker cần kiểm soát hơn 50% mạng lưới.
3. Hạn chế của Blockchain
- Giới hạn giao dịch: Nhìn chung tốc độ xử lý giao dịch của các blockchain hiện tại khá chậm, ví dụ tốc độ xử lý giao dịch của Ethereum là 12-15 giao dịch mỗi giây (TPS) hay Bitcoin là 4-5 giao dịch mỗi giây (TPS). Blockchain của Bitcoin mất khoảng 10 phút để tạo một khối mới. Điều này nếu như ứng dụng ra đời sống thì rất bất cập, ví dụ như bạn muốn mua một cốc cafe nhưng cần phải đợi khoảng 10 phút mới thực hiện xong được giao dịch mới người bán hàng.
- Chi phí cao: Vì quá trình đào và xác thực giao dịch trong blockchain đòi hỏi sự tiêu tốn năng lượng và công nghệ tính toán phức tạp, việc thực hiện các giao dịch trong mạng blockchain có thể mất phí cao. Ví dụ đối với mạng lưới Bitcoin, thợ đào phải chịu gánh nặng về độ khó khai thác và chi phí đào Bitcoin cũng tăng mạnh từ 5.000 USD lên 17.000 USD chỉ trong một năm.
- Rủi ro xảy ra các hoạt động bất hợp pháp: Mặc dù blockchain mang lại tính minh bạch và không thể sửa đổi dữ liệu đã ghi, nhưng vẫn tồn tại rủi ro về hoạt động bất hợp pháp. Do tính không tập trung của blockchain, các hoạt động phạm pháp như rửa tiền hoặc giao dịch với mục đích phi pháp có thể xảy ra trên mạng blockchain. Điều này đòi hỏi cần có các biện pháp pháp lý và quy định để kiểm soát và ngăn chặn các hoạt động này.
4. Các loại Blockchain
- Blockchain công khai (Public Blockchain): Đây là loại blockchain mở và công khai, cho phép mọi người tham gia vào mạng lưới và xem thông tin. Ví dụ nổi tiếng nhất là Bitcoin, nơi mọi người có thể tham gia đào Bitcoin và thực hiện giao dịch. Bất kỳ ai đều có thể xem thông tin và tham gia vào việc xác thực giao dịch trên blockchain này.
- Blockchain riêng tư (Private Blockchain): Loại blockchain này giới hạn quyền truy cập chỉ cho một số lượng nhất định các thực thể hoặc tổ chức. Ví dụ, một ngân hàng có thể triển khai một blockchain tư nhân để quản lý và xác thực các giao dịch nội bộ. Chỉ những người được cho phép mới có thể tham gia vào mạng lưới và xem thông tin, xác thực giao dịch và thêm các khối mới.
- Blockchain Consortium (Consortium Blockchain): Đây là dạng hỗn hợp giữa blockchain công khai và riêng tư. Nó được điều hành và kiểm soát bởi một nhóm các tổ chức hoặc bên tham gia cụ thể thay vì một cá nhân hay một tổ chức duy nhất. Ví dụ, một tập đoàn công nghệ có thể thiết lập một blockchain consortium để chia sẻ thông tin và quản lý giao dịch với các đối tác và khách hàng của mình. Các thành viên trong consortium được phép tham gia vào quá trình xác thực giao dịch và quản lý chuỗi khối.
- Blockchain ứng dụng (Application Blockchain): Loại blockchain này được phát triển cho một ứng dụng cụ thể hoặc một lĩnh vực đặc biệt. Ví dụ, Ethereum là một blockchain ứng dụng cho phép việc triển khai các hợp đồng thông minh và phát triển ứng dụng phi tập trung. Blockchain ứng dụng tập trung vào việc xử lý các giao dịch và thông tin liên quan đến một ứng dụng cụ thể.
5. Cơ chế đồng thuận trong Blockchain
Thuật toán đồng thuận đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong công nghệ blockchain. Nó là cốt lõi của hệ thống, đảm bảo tính toàn vẹn và an toàn của các giao dịch trong mạng lưới.
Trong một mạng blockchain, các tham số cần được đồng thuận bởi tất cả các thành viên để xác nhận và ghi vào blockchain. Vai trò chính của thuật toán đồng thuận là tạo ra một quy trình mà tất cả mọi người trong mạng đều đồng ý và tuân thủ. Điều này đảm bảo rằng không có một cá nhân hay nhóm nhỏ nào có thể kiểm soát hoặc thay đổi dữ liệu trong blockchain mà không được sự chấp thuận của cộng đồng.
Thuật toán đồng thuận ngăn chặn các cuộc tấn công như gian lận, tấn công 51% và thay đổi dữ liệu lịch sử trong blockchain. Ngoài ra, nó cũng giúp xác định thứ tự chính xác của các giao dịch và khối trong hệ thống.
Dưới đây là thông tin một số thuật toán đồng thuận phổ biến trong blockchain:
5.1. Proof of Work (Bằng chứng Công việc)
Cơ chế Proof of Work yêu cầu người tham gia trong mạng blockchain hoàn thành một nhiệm vụ tính toán phức tạp để chứng minh rằng họ đã thực hiện một công việc của mạng lưới. Ví dụ nổi tiếng nhất là Bitcoin, nơi các thợ đào (miners) phải giải quyết các bài toán tính toán phức tạp để tạo ra một giá trị mã hash thỏa mãn yêu cầu. Thợ đào đầu tiên giải quyết thành công bài toán sẽ nhận được phần thưởng khối và quyền ghi chú giao dịch vào khối mới.
5.2. Proof of Stake (Bằng chứng Cổ phần)
Cơ chế Proof of Stake yêu cầu người tham gia trong mạng blockchain sở hữu một số lượng cổ phần (coin) của blockchain để có quyền tham gia quá trình đồng thuận và ghi chú giao dịch vào khối mới. Thay vì giải quyết các bài toán tính toán, các đối tượng với số lượng cổ phần lớn hơn sẽ có cơ hội lớn hơn để được chọn làm người xác thực giao dịch. Ví dụ cho cơ chế này là Ethereum 2.0, nơi các validators cần nắm giữ một số lượng cổ phần Ethereum để tham gia vào quá trình đồng thuận. Ngoài ra còn có các dự án là Cosmos (ATOM) hay Binance Coin (BNB),…
5.3. Delegated Proof-of-Stake (Uỷ quyền Cổ phần)
Cơ chế Delegated Proof-of-Stake kết hợp các yếu tố Proof of Stake với việc uỷ quyền các đại diện để đại diện cho các đầu cơ phân quyền trong mạng blockchain. Thay vì tất cả người dùng đều có quyền tham gia đồng thuận, một số người được bầu chọn làm các nhà đại diện và có quyền ghi chú giao dịch. Ví dụ điển hình là EOS, nơi các cổ đông có thể bầu chọn các nhà đại diện và những người này sẽ thực hiện việc ghi chú giao dịch.
5.4. Proof of Authority (Bằng chứng Uỷ nhiệm)
Cơ chế Proof of Authority yêu cầu người tham gia trong mạng blockchain được xác nhận và ủy quyền bởi một nhóm hoặc một tổ chức. Các thực thể được cho là đáng tin cậy và có quyền ghi chú giao dịch. Một ví dụ cho cơ chế này là Quorum, một phiên bản được phát triển từ Ethereum và sử dụng trong các trường hợp ứng dụng kinh doanh nội bộ. Ngoài ra còn có các dự án cũng ứng dụng cơ chế này bao gồm MakerDAO (xDAI), ZINC (ZINC),…
5.5. Proof of Weight (Bằng chứng Khối lượng)
Cơ chế Proof of Weight yêu cầu người tham gia trong mạng blockchain cần phải có một số lượng cụ thể của một tài sản hoặc token nhất định để có quyền tham gia quá trình đồng thuận và ghi chú giao dịch. Ví dụ cho cơ chế này là các dự án như Algorand (ALGO), Filecoin (FIL),…
5.6. Byzantine Fault Tolerance (BFT)
Byzantine Fault Tolerance là một cơ chế đồng thuận được thiết kế để xử lý các tình huống gian lận hoặc thông tin không đúng đắn trong mạng blockchain. Nó cho phép các node trong mạng hoạt động đúng và thống nhất mặc cho sự gian lận của một số node. Một số dự án sử dụng cơ chế BFT bao gồm NEO (NEO), Ripple (XPR), Stellar (XLM),…
6. Ứng dụng của Blockchain là gì?
6.1. Ứng dụng trong tiền điện tử
Blockchain đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực tiền điện tử, nơi người dùng có thể gửi và nhận tiền một cách an toàn và phi tập trung. Ví dụ nổi tiếng nhất là Bitcoin, một loại tiền điện tử dựa trên công nghệ blockchain. Bất kỳ ai cũng có thể tạo một ví Bitcoin và giao dịch trực tiếp với nhau mà không cần sự can thiệp của ngân hàng hoặc bên thứ ba.
6.2. Ứng dụng trong sản xuất - logistics
Blockchain có thể được sử dụng để theo dõi và quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm, từ quá trình sản xuất đến vận chuyển và lưu trữ. Ví dụ, một công ty sản xuất thực phẩm có thể sử dụng blockchain để ghi lại thông tin về nguồn gốc của các thành phần, điều kiện vận chuyển và thông tin về chất lượng. Khi một sản phẩm đến tay người tiêu dùng, họ có thể quét mã QR trên sản phẩm để xem thông tin chi tiết về quá trình sản xuất và vận chuyển.
6.3. Ứng dụng trong giáo dục
Blockchain có thể được sử dụng trong giáo dục để xác thực và lưu trữ thông tin về thành tích học tập và chứng chỉ. Ví dụ, một trường đại học có thể sử dụng blockchain để tạo ra các bằng cấp điện tử an toàn và dễ dàng xác minh. Điều này giúp người học có thể chia sẻ bằng cấp của mình một cách dễ dàng và đáng tin cậy khi xin việc.
6.4. Ứng dụng trong y tế
Blockchain có thể cung cấp một nền tảng an toàn và bảo mật để lưu trữ và chia sẻ thông tin y tế. Ví dụ, một hệ thống y tế có thể sử dụng blockchain để lưu trữ lịch sử bệnh án của bệnh nhân. Thông tin y tế được mã hóa và lưu trữ trên blockchain, chỉ có các bác sĩ và bệnh nhân được cấp quyền mới có thể truy cập vào thông tin. Điều này giúp cải thiện tính bảo mật và khả năng chia sẻ thông tin y tế quan trọng.
6.5. Ứng dụng trong thương mại điện tử
Blockchain có thể tăng cường tính minh bạch và đáng tin cậy trong giao dịch thương mại điện tử. Ví dụ, một nền tảng thương mại điện tử có thể sử dụng blockchain để xác minh danh tính của người bán và người mua, đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin sản phẩm và giao dịch, và cung cấp một phương thức thanh toán an toàn và không cần trung gian.
Tóm lại, blockchain đã được áp dụng vào nhiều lĩnh vực thực tế, từ tiền điện tử, sản xuất - logistics, giáo dục, y tế đến thương mại điện tử. Công nghệ này đem lại tính bảo mật, minh bạch và phi tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải thiện quy trình và tăng cường sự tin cậy trong các lĩnh vực khác nhau trong đời sống hàng ngày.
7. Kết luận
Công nghệ blockchain đã mang lại cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực. Với tính phân quyền, phi tập trung và bảo mật cao, blockchain tạo ra một nền tảng an toàn và minh bạch cho giao dịch và quản lý dữ liệu.
Từ tiền điện tử đến sản xuất - logistics, giáo dục, y tế và thương mại điện tử, blockchain đang thúc đẩy sự thay đổi và cải thiện quy trình trong các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn cần đánh giá kỹ về ưu điểm và nhược điểm của blockchain để áp dụng một cách hợp lý và hiệu quả.
Trên đây là toàn bộ thông tin về Blockchain, hy vọng bạn đã hiểu được blockchain là gì. Cảm ơn bạn vì đã đọc bài của TheBlock101!
Đọc thêm:
- Blockchain Nonce là gì? Đây có phải chìa khóa của PoW?
- Cryptography là gì? Một số thuật ngữ sử dụng trong Cryptography
- Bitcoin NFT sẽ mở ra một kỉ nguyên mới của Bitcoin?
- Crypto là gì? Cái nôi sinh ra tỷ phú hay nhận về trái đắng?
- Tokenomics là gì? Tầm quan trọng của Tokenomics trong phân tích đầu tư