Omnichain Fungible Token (OFT) là gì? Chuẩn token mới được phát triển bởi LayerZero

ByElly Nguyen26/08/2023
Omnichain Fungible Token (OFT) là giải pháp được giới thiệu bởi LayerZero giúp cho các dApps ứng dụng OFT có thể hoạt động trên nhiều blockchain khác nhau. Liệu trong tương lai, OFT có thể trở thành xu hướng đưa dự án tiếp cận dễ dàng hơn tới con đường multichain?

1. Omnichain Fungible Token (OFT) là gì?

Omnichain Fungible Tokens (OFTs) là một tiêu chuẩn token mới được giới thiệu bởi LayerZero, cho phép token có khả năng hoạt động đa chuỗi (multichain) trên các blockchain.

Tiêu chuẩn token OFT của LayerZero
Tiêu chuẩn token OFT của LayerZero
  • Tiêu chuẩn token (Token Standard): Chuẩn token là bộ quy tắc và tiêu chuẩn chung mà những token được phát hành trên một nền tảng blockchain nào đó phải tuân thủ. Ví dụ phổ biến về tiêu chuẩn fungible-token như ERC-20 của Ethereum hoặc BEP-20 của BNB Chain và các tiêu chuẩn non-fungible token như ERC-721.
  • Omnichain là công nghệ mới được LayerZero phát triển, được hiểu là hệ thống cơ sở hạ tầng giúp cho việc trao đổi tài sản giữa các blockchain trở nên dễ dàng hơn. Nhờ có omnichain mà người dùng có thể chuyển native token trực tiếp từ chain A sang chain B mà không cần đến “wrapped token” (token đại diện cho native token).

2. Đặc điểm của Omnichain Fungible Token (OFT)

  • Có thể tương tác đa chuỗi: OFT được thiết kế là một tiêu chuẩn token có thể tương thích với một số chuẩn token khác như ERC-20, BEP-20,… Nếu một dự án triển khai token theo chuẩn OFT thì có nghĩa là token của dự án có thể hoạt động giống như một token đa chuỗi (miễn là mạng lưới đó được LayerZero hỗ trợ).
  • Cơ chế mint/burn theo tỷ lệ 1:1: OFT không yêu cầu tài sản bị khóa trên một chuỗi trước khi được mint trên chuỗi khác. Thay vào đó, tài sản sẽ được burn trên chuỗi nguồn và sau đó được mint trên chuỗi đích tương ứng theo tỷ lệ 1:1 giúp loại bỏ việc tạo ra một “wrapped token”.
  • Không có phiên bản chính thức của token: phiên bản OFT triển khai trên Chain A được coi là có giá trị tương đương với phiên bản triển khai trên Chain B vì cả hai đều được phát hành thông qua cơ chế mint/burn theo tỷ lệ 1:1.

3. Tại sao Omnichain Fungible Token (OFT) ra đời?

OFT ứng dụng công nghệ omnichain ra đời để giải quyết 2 vấn đề lớn nhất mà các nền tảng cầu nối đương thời gặp phải đó là vấn đề phân mảnh thanh khoản và bảo mật. Cụ thể như sau:

Phân mảnh thanh khoản

Thị trường crypto bước vào xu hướng multichain vào năm 2021, với sự ra đời của hàng loạt giải pháp cầu nối đã tạo ra hàng loạt các “wrapped token” như một phiên bản đại diện cho token gốc trên các mạng lưới blockchain khác nhau.

Mô hình cross-chain bridge
Mô hình cross-chain bridge

Ví dụ, như token Uniswap (UNI) trên mạng Ethereum, nếu muốn chuyển tới các blockchain khác như Avalanche thông qua cầu nối như Synapse và Wormhole thì sẽ có 2 phiên bản “wrapped token” của UNI được tạo ra là nUNI và wUNI đại diện cho UNI trên mạng Avalanche.

Trong ngắn hạn, điều này sẽ giúp cho token UNI có thể dễ dàng tương tác giữa 2 mạng lưới. Tuy nhiên, có thể thấy việc xuất hiện nhiều phiên bản của UNI khiến cho thanh khoản của token này bị phân mảnh rất nhiều.

Thông thường, hầu hết các dự án muốn phát hành token qua blockchain khác họ sẽ cần phải tích hợp các giải pháp của bên thứ ba (thường là wrapped liquidity) đồng thời phải đảm bảo thanh khoản cho “wrapped token” đó. Vấn đề phân mảnh thanh khoản sẽ thấy rõ rệt khi dự án sử dụng từ hai giải pháp wrapped token trở lên (như ví dụ của Uniswap trên Ethereum).

OFT là giải pháp giúp cho dự án có thể phát hành token sang blockchain khác mà không cần sử dụng đến “wrapped token” hay phải cung cấp thanh khoản cho các wrapped token này. Các dự án phát hành OFT sẽ chỉ cần cung cấp thanh khoản cho duy nhất pool OFT của họ.

Bảo mật

Trong năm 2021 cũng là năm mà rất nhiều vụ hack các cầu cross-chain bridge diễn ra và chủ yếu tập trung ở các mô hình cầu nối “lock-mint-burn” và sử dung “wrapped token” thay thế.

Tỷ lệ bị hack diễn ra trên giải pháp cầu nối

Tỷ lệ bị hack diễn ra trên giải pháp cầu nối

Cơ chế “lock-mint-burn” hoạt động theo mô hình là muốn gửi token từ chain A qua chain B thì người dùng cần lock token ở chain A tại cầu nối, sau đó cầu nối sẽ mint ra “wrapped token” của A tại chain B. Nếu muốn chuyển ngược lại thì số wrapped token ở chain B sẽ bị đốt (burn) đi và token ở chain A sẽ được mở khóa.

Đối với mô hình này, hacker đã tận dụng lỗ hổng trong smart contract để mint khống ra một lượng “wrapped token” tại chain B trong khi không hề có token được lock tại chain A. Ví dụ cho các vụ hack này chính là Poly Network, Wormhole,…

OFT sử dụng giải pháp của LayerZero cho phép dự án có thể mint và burn một mã token đúng chuẩn (OFT) trên các chuỗi khác nhau. Khi người dùng yêu cầu chuyển tiền OFT từ Chain A sang Chain B, Endpoint trên Chain A sẽ tiêu hủy OFT, ghi nhận sự thay đổi về tổng cung tiền OFT và tạo ra một yêu cầu tin nhắn cho Endpoint trên Chain B để tạo ra số lượng tương ứng cho người dùng trên Chain B. Việc triển khai token native trên các chain sẽ giúp hạn chế rủi ro về bảo mật và tấn công.

Đọc thêm: Cơ chế hoạt động của LayerZero

Một số lợi ích khác

Bên cạnh 2 yếu tố liên quan đến thanh khoản và bảo mật dẫn đến sự ra đời của OFT thì còn một số lợi ích khác mà OFT đem lại.

  • Dễ dàng triển khai token đa chuỗi: Việc một dự án triển khai multichain tiêu tốn rất nhiều nguồn lực về tài chính và nhân lực vì thế không phải dự án nào cũng có thể làm. Đó cũng là lý do vì sao nhiều ứng dụng phải sử dụng giải pháp bên thứ ba như cross-chain bridge để tương tác giữa các blockchain. Tuy nhiên, điều này gặp một số hạn chế như phân tích bên trên. OFT sẽ cho phép dự án dễ dàng triển khai trên các blockchain khác nhau hơn nếu có nhu cầu.
  • Dễ dàng quản trị: Token trên nhiều hệ sinh thái cũng có thể dễ dàng tham gia quản trị và bản thân dự án cũng nắm rõ và làm chủ hơn về lượng cung và cầu của token.
  • Khai thác lợi nhuận: Người dùng có thể triển khai liquidity mining dễ dàng hơn trên nhiều hệ sinh thái.

4. Ứng dụng OFT vào các giao thức DeFi

Từ khi LayerZero ra mắt omnichain thì rất nhiều nền tảng DeFi đã bắt đầu nâng cấp hoặc công bố kế hoạch để nâng cấp các token quản trị của họ lên chuẩn OFT.

Các giao thức DeFi như Trader Joe (JOE), PancakeSwap (CAKE), Radiant Capital V2 (RDNT) và GMD Protocol (GMD) đã chuyển đổi sang chuẩn OFT. Cụ thể như sau:

  • BTC.b: Avalanche và LayerZero đã ra mắt BTC.b, một OFT đại diện cho Bitcoin trên Avalanche có thể sử dụng trên các dApps trong hệ sinh thái.
  • CAKE: Pancake và LayerZero hợp tác để ra mắt Aptos PancakeBridge từ đó token CAKE được hỗ trợ trên cả BNB Chain và Aptos. Có thể thấy, CAKE đã trở thành 1 OFT hoàn chỉnh.
  • JOE: Trader Joe hợp tác với LayerZero, ra mắt JOE dưới dạng OFT. JOE hoạt đồng trên tất cả các chuỗi được hỗ trợ bởi Trader Joe (Avalanche, Arbitrum, BNB Chain) và có thể được cầu nối qua các chuỗi khác nhau với tỷ lệ 1:1.
  • RDNT: Radiant Capital đã phát hành native token của mình theo chuẩn OFT-20 và có thể chuyển đổi giữa các mạng lưới được LayerZero hỗ trợ.
  • EXTRA: Extra Finance đã tích hợp với LayerZero để phát hành token EXTRA theo chuẩn OFT. Hiện tại, EXTRA token có thể chuyển đổi giữa mạng Optimism và Base mà không mất phí.
  • Stargate: Stargate là cross-chain bridge được phát triển trên LayerZero được thiết kế ban đầu hỗ trợ chuyển đổi các tài sản ổn định và phổ biến trên mạng lưới mà LayerZero hỗ trợ. Tháng 12 năm 2022, nền tảng đã hỗ trợ thêm token OFT và tính phí 0,02% cho tất cả các giao dịch.

5. Kết luận

Có thể thấy OFTs mang theo giải pháp omnichain của LayerZero đã có thể giải quyết vấn đề multi-chain trong crypto. Bất kỳ ứng dụng nào muốn hỗ trợ đa chuỗi cho native token của mình đều có thể áp dụng tiêu chuẩn OFT và phát hành token trên bất kỳ chuỗi nào được kết nối. Tuy nhiên, OFT và LayerZero sẽ gặp phải cạnh tranh lớn trong mảng cross-chain từ Circle (CCTP) hay Chainlink (CCIP). Đây là những tổ chức lớn và đều phát hành giải pháp cross-chain của riêng họ, vì thế OFT cũng chỉ có thể tận dụng thế mạnh trong một phân khúc phục vụ nhu cầu cross-chain cho các Dapps. Liệu OFT có thể trở thành xu hướng trong tương lai? Điều này cần quan sát thêm tốc độ mở rộng và mạng lưới blockchain được hỗ trợ.

Đọc thêm

Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính. Tham gia nhóm chat Bigcoinchat để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường.

Thảo luận thêm tại

Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

Twitter: https://twitter.com/BigcoinVN 

Elly Nguyen

Elly Nguyen

Builder at Bigcoin - Learning to share, sharing to learn

5 / 5 (3Bình chọn)

Bài viết liên quan