theblock101

    Bank run là gì? Những bài học rút ra từ bank run

    ByLengkeng11/09/2023
    Khi tham gia vào thị trường tiền điện tử, nhà đầu tư cũng như những người tham gia thị trường đã trải qua không ít những biến động đầy kịch tính. Một trong những tình huống mà các nhà đầu tư tiền điện tử cần phải cảnh giác đó là hiện tượng "bank run". Vậy bank run cụ thể là gì và chúng ta có thể rút ra những bài học gì từ bank run? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp!

    1. Tìm hiểu về Bank run

    1.1. Bank run là gì?

    Bank run là một sự kiện gây đảo lộn tình hình tài chính khi phần lớn người gửi tiền tại một ngân hàng hay tổ chức tài chính nào đó rút toàn bộ hoặc một phần lớn số tiền gửi của họ cùng một lúc. 

    Trong giới crypto, bank run là một hiện tượng mà các nhà đầu tư và người dùng đồng loạt rút tiền điện tử khỏi một sàn giao dịch hoặc nền tảng tài chính số nào đó trong một thời gian ngắn.Bank run là gì

    Bank run là gì

    Hiện tượng này thường xảy ra do sự hoảng loạn hoặc tin đồn tiêu cực về sàn giao dịch hoặc dự án tiền điện tử cụ thể. Bank run trong crypto có thể dẫn đến việc giảm giá trị của tiền điện tử trên sàn, tăng lượng bán ra và tạo ra một vòng lặp tiêu cực trong thị trường. Trong các phần tiếp theo, chúng ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân, hậu quả, cách ngăn chặn và những bài học rút ra từ bank run.

    1.2. Nguyên nhân của Bank run

    1.2.1. Nguyên nhân của bank run trong truyền thống

    Sự kiện bank run xảy ra do ngân hàng thường chỉ giữ một phần tiền gửi của khách hàng và cho vay số tiền còn lại. Chính vì vậy, các ngân hàng thường sẽ không có đủ tiền mặt để đáp ứng tất cả các nhu cầu rút tiền từ khách hàng cùng một lúc.

    Nguyên nhân dẫn tới bank run
    Nguyên nhân dẫn tới bank run

    Số tiền của người dùng gửi vào ngân hàng đã được sử dụng cho các mục đích khác nhau. Tình huống này có thể dẫn đến sự mất khả năng chi trả của ngân hàng và thậm chí là mất khả năng thanh toán.

    Trong trường hợp bank run, ngân hàng thương mại phải tìm cách bổ sung tiền mặt vào kho dự trữ để tăng khả năng thanh khoản và đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng. Có một số phương pháp để thực hiện điều này, bao gồm việc bán tài sản, vay tiền từ các ngân hàng khác, hoặc sử dụng dịch vụ của ngân hàng trung ương.

    Ngoài nguyên nhân kể trên, bank run còn có thể bắt nguồn từ một loạt nguyên nhân như:

    • Tin đồn và thông tin tiêu cực: Tin đồn về khả năng phá sản của ngân hàng hoặc thông tin tiêu cực về quản lý tài chính của họ có thể khiến người gửi tiền hoảng loạn và muốn rút tiền ngay lập tức.
    • Sự sụp đổ của thị trường tài sản: Nếu thị trường tài sản như bất động sản hoặc chứng khoán gặp khủng hoảng, người gửi tiền có thể thấy lo lắng về giá trị tài sản của ngân hàng và muốn rút tiền trước khi mọi thứ tồi tệ hơn.
    • Hiệu ứng của bank run: Khi một số người bắt đầu rút tiền, điều này tạo ra hiệu ứng với những người gửi tiền khác. Khi mọi người rút tiền cùng một lúc, ngân hàng có thể không đủ tiền mặt để đáp ứng tất cả các yêu cầu này.

    Đó là với nguyên nhân dẫn tới bank run trong thị trường truyền thống. Vậy với thị trường crypto thì sao? Hiện tượng bank run trong thị trường crypto có thể xuất hiện do một số nguyên nhân như sau:

    • Thông tin tiêu cực: Thông tin tiêu cực hoặc tin đồn về một sàn giao dịch hoặc dự án DeFi có thể gây lo sợ cho người dùng. Ví dụ, nếu có thông tin rò rỉ về một cuộc tấn công bảo mật hoặc sự cố kỹ thuật, người dùng có thể đồng loạt muốn rút tiền khỏi sàn hoặc dự án đó.
    • Sự cố kỹ thuật: Một sự cố kỹ thuật nghiêm trọng có thể xảy ra trên một sàn giao dịch hoặc dự án DeFi, khiến người dùng không thể truy cập hoặc quản lý tài sản của họ. Trong trường hợp này, người dùng có thể muốn rút tiền ra ngoài để đảm bảo an toàn tài sản của họ.
    • Khả năng chi trả yếu: Một sàn giao dịch hoặc dự án DeFi có khả năng chi trả yếu, có nghĩa là họ không có đủ tiền mặt hoặc tài sản để đáp ứng nhu cầu rút tiền đột ngột của người dùng. Điều này có thể do việc quản lý tài chính không cẩn thận hoặc vấn đề về thanh khoản.
    • Tin tức thị trường tiêu cực: Sự thay đổi đột ngột trong thị trường tiền điện tử hoặc các yếu tố tiêu cực như giá đồng tiền điện tử giảm có thể khiến người dùng lo sợ và muốn chuyển tiền thành đồng tiền ổn định hoặc tiền mặt.
    • Sự sụp đổ của các dự án lớn: Đợt sụp đổ của Luna là một ví dụ. Dự án có vốn hoá lớn thứ 4 trên toàn thị trường sụp đổ khiến người dùng lo sợ, muốn rút tiền khỏi các dự án và sàn giao dịch liên quan để bảo vệ tài sản của họ.

    Những nguyên nhân này có thể tạo ra sự hoảng loạn trong thị trường crypto và dẫn đến bank run, khi người dùng đổ vào rút tiền khỏi một nền tảng cụ thể trong một thời gian ngắn.

    2. Tác động của Bank run đối với ngân hàng và nền kinh tế

    Bank Run không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngân hàng bị ảnh hưởng mà còn gây ra những tác động sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế.

    Tác động đối với ngân hàng

    • Mất thanh khoản: Khi một lượng lớn khách hàng đồng loạt rút tiền, ngân hàng có thể cạn kiệt nguồn dự trữ tiền mặt. Do phần lớn tiền gửi của ngân hàng đã được sử dụng cho các khoản cho vay dài hạn hoặc đầu tư, việc đáp ứng yêu cầu rút tiền nhanh chóng trở nên khó khăn. Điều này dẫn đến tình trạng mất thanh khoản, buộc ngân hàng phải tìm cách huy động vốn khẩn cấp hoặc bán tài sản với giá thấp để có đủ tiền mặt, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình hình tài chính của ngân hàng.

    • Mất niềm tin của khách hàng: Một khi Bank Run xảy ra, niềm tin của khách hàng vào ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù ngân hàng có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng tạm thời, việc khôi phục lại niềm tin của khách hàng là vô cùng khó khăn. Điều này có thể dẫn đến việc khách hàng rút hết tiền gửi, giảm lượng tiền gửi mới, và gây tổn thất lớn về uy tín của ngân hàng.

    • Phá sản và giải thể: Nếu ngân hàng không thể xử lý tình trạng mất thanh khoản, nó có thể dẫn đến phá sản. Ngân hàng có thể bị buộc phải đóng cửa, sáp nhập với một ngân hàng khác, hoặc bị chính phủ quốc hữu hóa để bảo vệ người gửi tiền. Quá trình này không chỉ gây thiệt hại cho các cổ đông mà còn tạo ra các chi phí pháp lý và quản lý lớn.

    Tác động của Bank run
    Tác động của Bank run

    Tác động đối với nền kinh tế

    • Suy giảm niềm tin vào hệ thống tài chính: Khi một ngân hàng đối mặt với Bank Run, nó có thể lan rộng thành một cuộc khủng hoảng niềm tin trong toàn bộ hệ thống tài chính. Các khách hàng của các ngân hàng khác có thể cũng sẽ lo lắng và bắt đầu rút tiền, dẫn đến một chuỗi Bank Run, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ thống ngân hàng.

    • Khủng hoảng tín dụng: Khi các ngân hàng bị Bank Run, họ thường phải giảm mạnh hoạt động cho vay để bảo vệ thanh khoản. Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm tín dụng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và cá nhân trong việc vay vốn. Sự giảm sút tín dụng có thể làm chậm lại tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và gây ra suy thoái kinh tế.

    • Can thiệp của chính phủ và các chi phí liên quan: Để ngăn chặn sự lan rộng của Bank Run và bảo vệ nền kinh tế, chính phủ thường phải can thiệp bằng cách cung cấp các gói cứu trợ, bảo lãnh tiền gửi, hoặc thậm chí quốc hữu hóa ngân hàng. Các biện pháp này đòi hỏi chi phí lớn từ ngân sách nhà nước, có thể làm gia tăng nợ công và áp lực tài chính lên nền kinh tế.

    • Suy giảm tiêu dùng và đầu tư: Sự mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng có thể khiến người dân và doanh nghiệp giữ lại tiền mặt thay vì gửi vào ngân hàng hoặc đầu tư. Điều này dẫn đến suy giảm tiêu dùng và đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến tổng cầu và tăng trưởng kinh tế.

    3. Hậu quả của bank run trong crypto

    Trong truyền thống, bank run có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với cả ngân hàng và nền kinh tế:

    • Phá sản ngân hàng: Nếu ngân hàng không đủ tiền mặt để đáp ứng các yêu cầu rút tiền, họ có thể phá sản. Điều này dẫn đến mất tiền của người gửi tiền và sự mất tự tin trong hệ thống tài chính.
    • Lan truyền hiện tượng: Bank run có thể lan truyền sang các ngân hàng khác nếu người dân sợ rằng hệ thống ngân hàng tỏ ra không ổn định. Điều này có thể dẫn đến một vòng lặp tiêu cực trong hệ thống tài chính.
    • Ảnh hưởng đến nền kinh tế: Bank run có thể tạo ra khủng hoảng tài chính và ảnh hưởng đến nền kinh tế tổng thể, bao gồm sụp đổ của thị trường chứng khoán, tăng tỷ lệ thất nghiệp và suy thoái kinh tế.
    Hậu quả của bank run
    Hậu quả của bank run

    Trong thị trường crypto, bank run dẫn tới một số hậu quả như:

    • Sự sụp đổ của sàn giao dịch: Bank run có thể dẫn đến việc một sàn giao dịch crypto không đủ tiền mặt hoặc tài sản để đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dùng. Khi điều này xảy ra, sàn có thể tạm ngừng hoạt động hoặc sụp đổ hoàn toàn. Điều này gây mất tiền và tài sản cho người dùng.
    • Mất niềm tin vào thị trường: Bank run thường đi kèm với sự lan truyền của tin đồn và hoảng loạn trong cộng đồng tiền điện tử. Những tin đồn này có thể dần làm mất niềm tin của người dùng vào thị trường.
    • Giảm thanh khoản: Khi một lượng lớn người dùng đồng loạt rút tiền khỏi một sàn giao dịch hoặc dự án DeFi, thanh khoản của họ giảm đi. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng mua bán và giao dịch của họ trong tương lai.
    • Tác động đến thị trường toàn cầu: Nếu bank run xảy ra trên một quy mô lớn, nó có thể tác động đến thị trường tiền điện tử toàn cầu. Giá trị của các đồng tiền có thể giảm và tạo ra sự không ổn định trong thị trường crypto.

    Tóm lại, bank run trong thị trường crypto có thể có hậu quả nghiêm trọng cho cả người dùng và thị trường nói chung và các biện pháp cần được thực hiện để ngăn chặn hoặc giảm thiểu rủi ro này.

    4. Các sự kiện bank run trong thị trường crypto

    Vào tháng 5, năm 2022, sự kiện dòng người tháo chạy khỏi Luna chắc hẳn là một câu chuyện khó quên với nhiều nhà giao dịch. TerraUSD, vốn được xem là một stablecoin - đồng tiền ổn định thuật toán với mục tiêu duy trì giá trị cố định ở mức 1 USD, đã giảm xuống dưới mức này và tiếp tục giảm thêm. Đồng Luna, từng có mức giá cao nhất mọi thời đại trên $100, đã bất ngờ lao dốc khiến TerraUSD thổi bay $60B.

    Cú sụp đổ này mang tầm ảnh hưởng to lớn tới không chỉ trong thị trường crypto mà còn lan ra cả những thị trường khác, cụ thể:

    • Bitcoin chịu một cú sụt giảm kỷ lục

    Sau những đòn giáng liên tục, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới, Bitcoin đã giảm 58% trong quý II/2022. Điều này đã dẫn đến việc mất đi khoảng $1200B từ toàn bộ thị trường tiền mã hóa.

    Sự giảm giá của thị trường đã đẩy các công ty hoạt động trong lĩnh vực crypto đến việc sa thải nhân viên hàng loạt.

    • Thị trường chứng khoán đảo chiều

    Thị trường chứng khoán đã trải qua biến động mạnh do tăng lãi suất. Trong quý II/2022, chỉ số Nasdaq Composite, tập trung vào các công ty công nghệ, đã giảm 22,4%, mức giảm cao nhất từ năm 2008.

    Trong những tháng gần đây, Bitcoin thường biến động theo các chỉ số chứng khoán chính. Đà bán tháo cổ phiếu đã lan sang Bitcoin và thị trường tiền mã hóa, do những loại tài sản rủi ro trở nên kém hấp dẫn hơn.

    • Sự sụp đổ của 3AC, Voyager
    • Tóm tắt thiệt hại sau vụ sụp đổ của Luna

    Theo thống kê của Forbes, CEO Binance Changpeng Zhao đã mất khoảng $37,6B.

    Nhà sáng lập sàn giao dịch FTX Sam chịu tổn thất đến $3B

    $4,4B là hậu quả để lại cho CEO Coinbase Brian Amstrong

    “Cá voi” Bitcoin MicroStrategy đã thất thoát $694M

    Các sự kiện bank run trong thị trường crypto
    Các sự kiện bank run trong thị trường crypto

    Sau sự kiện của Luna là sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX. Thông thường, ngân hàng được quyền dự trữ một phần nên khi khách hàng gửi tiền thì ngân hàng có quyền sử dụng số tiền đó để sử dụng mục đích khác như cho vay. Tuy nhiên, các sàn giao dịch crypto không có quyền hoạt động theo cách thức này.

    Sàn FTX đã có những bước đi sai trái khi dùng tiền của người dùng cho mục đích riêng. Toàn bộ tiền gửi của người dùng đã biến mất gây nên hậu quả vô cùng lớn cho cả người dùng lẫn toàn bộ thị trường crypto. Điều này đã khiến FTX phá sản và tác động tới nhiều tổ chức tài chính khác có liên quan đến FTX.

    • Northern Rock năm 2007

    Northern Rock, một ngân hàng tại Vương quốc Anh, đã trải qua một cuộc Bank Run nghiêm trọng vào năm 2007. Đây là lần đầu tiên trong hơn 150 năm, một ngân hàng Anh đối mặt với tình trạng này. Nguyên nhân chính đến từ cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu, khi Northern Rock gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ các thị trường tài chính để duy trì hoạt động. Khi tin tức lan rộng rằng ngân hàng đang gặp khó khăn, hàng ngàn khách hàng đã xếp hàng dài trước các chi nhánh để rút tiền. Tình trạng này chỉ được kiểm soát khi chính phủ Anh can thiệp và đảm bảo tiền gửi cho khách hàng. Tuy nhiên, Northern Rock sau đó đã bị quốc hữu hóa, đánh dấu một trong những sự kiện tài chính nổi bật trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

    • Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB Bank) năm 2023

    Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB Bank) đã trở thành nạn nhân của một cuộc Bank Run vào năm 2023, gây chấn động lớn trong lĩnh vực tài chính và công nghệ. SVB Bank, một ngân hàng quan trọng với các công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ, đã gặp khó khăn khi lãi suất tăng cao và đầu tư của họ vào trái phiếu dài hạn bị lỗ. Khi thông tin này bị rò rỉ, các khách hàng lớn của SVB, bao gồm nhiều công ty công nghệ, đã lo ngại về khả năng thanh khoản của ngân hàng và đổ xô rút tiền. Cuộc Bank Run này diễn ra nhanh chóng và khiến SVB Bank không còn khả năng thanh toán, buộc chính phủ phải can thiệp và đóng cửa ngân hàng. Đây được coi là một trong những sự kiện tài chính lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

    5. Bank run để lại những bài học gì?

    Bài học từ hiện tượng bank run
    Bài học từ hiện tượng bank run

    Hiện tượng bank run trong lĩnh vực crypto đã để lại những bài học quan trọng cho thị trường và các nhà đầu tư. Dưới đây là một số bài học quan trọng:

    • Mô hình dự án: Bank run cho thấy thị trường crypto vẫn đang phát triển và chưa ổn định hoàn toàn. Các dự án crypto cần xây dựng mô hình bền vững để đảm bảo tính ổn định và độ tin cậy cho người dùng.
    • Quản lý rủi ro: Để ngăn chặn bank run, các dự án crypto cần tập trung vào quản lý rủi ro tài chính và thanh khoản. Điều này bao gồm việc giám sát và kiểm soát tài sản cũng như sự cân đối giữa lợi ích của người gửi tiền và lợi ích của nền tảng.
    • Giám sát và tuân thủ: Các dự án crypto cần tăng cường các biện pháp giám sát và tuân thủ để đảm bảo tính minh bạch và đúng luật. Việc này giúp tạo sự tin tưởng từ phía người dùng và ngăn chặn sự kiện bank run.
    • Giáo dục và nhận thức: Sự kiện bank run nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và nhận thức cho người dùng về rủi ro trong việc sử dụng dịch vụ crypto. Người dùng cần hiểu rõ về tài chính của họ và tham gia một cách tỉnh táo trong thị trường crypto.

    6. Kết luận

    Tóm lại, bank run là một hiện tượng nguy hiểm, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả ngân hàng - nền kinh tế và cả trong thị trường crypto.

    Bank run trong crypto đã để lại những bài học quan trọng về tính bất ổn của thị trường và sự cần thiết của các biện pháp quản lý rủi ro và giáo dục để đảm bảo tính ổn định và tin cậy trong lĩnh vực.

    Đọc thêm:

    Farming là gì? Tìm hiểu chi tiết về thuật ngữ Yield Farming

    98 thuật ngữ NFT và tiền điện tử bạn nên biết

    KYC là gì? Quy trình xác minh KYC khi giao dịch crypto

    Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính. Tham gia nhóm chat Bigcoinchat để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường.

    Thảo luận thêm tại

    Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

    Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

    Twitter: https://twitter.com/BigcoinVN 

    Lengkeng

    Lengkeng

    "Money is made by sitting, not trading"

    5 / 5 (3Bình chọn)

    Bài viết liên quan