theblock101

    Channel là gì? Tìm hiểu về công nghệ tăng tốc giao dịch Blockchain

    ByTrang Ha25/04/2024
    Cho đến nay, Blockchain đã không còn là một cái tên quá xa lạ với chúng ta. Bên cạnh những đặc tính ưu việt, công nghệ này vẫn còn nhiều vấn đề đang tồn đọng, một trong những vấn đề lớn nhất đó là khả năng mở rộng quy mô kém.  Đã có rất nhiều giải pháp được nghiên cứu cho vấn đề mở rộng quy mô, trong số đó là giải pháp Channel. Bài viết này sẽ làm rõ khái niệm trên, cũng như khám phá thêm hai phân loại phổ biến là State Channel và Payment Channel. Bằng cách làm rõ các khái niệm này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về cách chúng có thể cải thiện trải nghiệm người dùng và hiệu suất của các ứng dụng Blockchain.

    1. Channel là gì?

    Channel (kênh) là một giải pháp mở rộng Layer 2 của Blockchain. Giải pháp này sẽ tạo ra một kênh ngang hàng (P2P) cho phép các bên tham gia vào kênh được trao đổi một lượng giao dịch không giới hạn ngoài chuỗi (ở Layer 2), và chỉ gửi đi hai giao dịch là mở và đóng kết nối đến chuỗi Layer 1. Nhờ vậy mà tốc độ giao dịch được cải thiện đáng kể, phí giao dịch và độ trễ của giao dịch cũng được giảm đi.

    Điểm khác biệt đó là mỗi Channel được quản lý trực tiếp bởi một Multisig Smart Contract (hợp đồng thông minh đa chữ ký) trên Ethereum. Để có thể thực hiện, loại hợp đồng này yêu cầu chữ ký từ nhiều private key (một chuỗi ký tự bí mật được dùng để ký các giao dịch và xác thực quyền truy cập tài khoản), nhằm đảm bảo các giao dịch được ký bởi các bên tham gia.

    Để mở một Channel, người dùng sẽ triển khai một Multisig Smart Contract rồi gửi tiền vào. Để giao dịch off-chain nhanh chóng và tự do, các bên tham gia cùng ký vào bản cập nhật trạng thái để khởi tạo trạng thái của Channel.

    Để đóng một Channel, người dùng sẽ gửi trạng thái cuối cùng của kênh. Sau đó, Multisig Smart Contract trả lại tiền theo số dư cho các bên tham gia tại thời điểm đó.

    Channel là gì?
    Channel là gì?

    2. Phân loại các giải pháp Channel

    2.1. State Channel

    State Channel (kênh trạng thái) hoạt động như một kênh trung gian giữa người dùng và Blockchain, cụ thể là thực hiện việc cập nhật trạng thái lên mạng lưới Blockchain. 

    Cơ chế hoạt động của State Channel gồm các bước như sau:

    • (i) Mở Channel: Đầu tiên, mỗi người dùng sẽ khóa một số tiền nhất định vào trong một Multisig Smart Contract trên Ethereum và ký xác nhận trạng thái ban đầu của kênh. Khoản tiền gửi ban đầu được coi như một khoản thế chấp để tránh hành vi độc hại của các bên tham gia. Nếu bị phát hiện có hành vi độc hại sẽ bị phạt một phần hoặc toàn bộ tài sản đã gửi vào Channel.
    • (ii) Sử dụng Channel: Sau đó, Channel được khởi chạy, các bên tham gia sẽ thực hiện ký giao dịch và gửi giao dịch cho nhau để phê duyệt. Mỗi hành động của người chơi sẽ tạo ra một giao dịch ngoài chuỗi được lưu trữ trên Multisig Smart Contract.
    • (iii) Đóng Channel: Khi xuất hiện người chiến thắng, những người chơi sẽ đóng kênh bằng cách trả một lần phí giao dịch duy nhất và gửi trạng thái cuối cùng đã được thống nhất cho Multisig Smart Contract trên Ethereum. Hợp đồng thông minh đa chữ ký sẽ đảm bảo trạng thái cuối cùng đều được hai bên ký. Sau đó, nó sẽ được lưu trữ trên chuỗi chính Ethereum và tiền thưởng 1 ETH sẽ được chuyển tới người thắng cuộc.
    State Channel hoạt động như thế nào?
    State Channel hoạt động như thế nào?

    2.2. Payment Channel

    Payment Channel (kênh thanh toán) khá tương tự như State Channel, tuy nhiên giải pháp này chỉ giải quyết được các khoản thanh toán (ví dụ: Lightning Network). Payment Channel hoạt động như một sổ cái hai chiều được duy trì bởi hai người dùng. 

    Cơ chế hoạt động của Payment Channel gồm các bước như sau:

    • (i) Mở Channel: Để mở một kênh thanh toán, tương tự mỗi người dùng sẽ khóa một số tiền nhất định vào Multisig Wallet (ví đa chữ ký - một loại ví tiền điện tử yêu cầu nhiều hơn một private key để ký gửi một giao dịch). Đây là giao dịch đầu tiên để mở kênh và được ghi lại trên Layer 1.
    • (ii) Sử dụng Channel: Sau khi Channel được khởi chạy, cả hai bên có thể thực hiện các giao dịch không giới hạn mà không cần phải đăng các giao dịch đó lên Blockchain, miễn là có đủ số dư trong ví để giao dịch. Nếu một trong hai bên bị phát hiện gian lận, tất cả số tiền trong Channel sẽ được gửi cho bên còn lại.
    • (iii) Đóng Channel: Khi các giao dịch được thực hiện xong, hai bên ký vào trạng thái cuối cùng của giao dịch bằng private key của họ, sau đó Channel sẽ được đóng. Sau đó, trạng thái cuối cùng được ghi lại và số dư sẽ được chuyển cho những người tham gia trên chuỗi chính. 
    Payment Channel hoạt động như thế nào?
    Payment Channel hoạt động như thế nào?

    2.3. So sánh State Channel và Payment Channel

    Đặc điểm

    State Channel

    Payment Channel

    Mục đích

    Cho phép những người dùng tương tác với nhau và thay đổi trạng thái của một hợp đồng thông minh.

    Cho phép hai người dùng thực hiện giao dịch với chi phí rẻ, tốc độ nhanh.

    Cách thức hoạt động

    Sử dụng Multisig Smart Contract để ghi lại trạng thái các tương tác.

    Sử dụng Multisig Wallet để ghi lại các giao dịch.

    Ứng dụng

    Trò chơi, ứng dụng phức tạp.

    Trò chơi, thanh toán. 

    3. Ưu và nhược điểm của Channel

    3.1. Ưu điểm

    • Tăng tốc độ giao dịch: Nhờ việc thực hiện các giao dịch trên Layer 2 mà mạng lưới Layer 1 trở nên bớt tắc nghẽn và gia tăng tốc độ giao dịch. Ví dụ, Lightning Network có thể xử lý hàng nghìn đến hàng triệu giao dịch mỗi giây, trong khi Blockchain chỉ có thể xử lý khoảng 10 giao dịch mỗi giây.
    • Giảm chi phí giao dịch: Vì các giao dịch trong Channel không cần sự tham gia của validators nên chi phí giao dịch bằng 0, chỉ mất phí mở kênh và đóng kênh. 
    • Tăng khả năng mở rộng: Channel giúp giảm tải giao dịch cho Blockchain chính nên hệ thống sẽ được mở rộng một cách hiệu quả hơn. 

    3.2. Nhược điểm

    • Rủi ro bị hack nick: Khi tham gia vào Channel, mỗi người dùng sẽ phải luôn trực tuyến và sử dụng private key của mình để đăng nhập. Do đó, sẽ có khả năng người dùng bị trộm mất tài sản nếu private key của họ bị hacker bẻ khóa. 
    • Rủi ro bị mất tiền: Tương tự khi tham gia vào Channel, người dùng cũng phải khóa một số tiền nhất định của mình vào trong Multisig Smart Contract hoặc Multisig Wallet. Điều này mở ra khả năng khách hàng có thể bị đánh cắp tiền bởi tội phạm mạng (cybercriminal). 
    • Đòi hỏi sự đồng ý của các bên: Trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, Channel đều yêu cầu các bên tham gia phải đồng ý với nhau. Nếu không, Channel sẽ bị đóng lại.

    4. Kết luận

    State Channel và Payment Channel là hai giải pháp công nghệ quan trọng trong thế giới Blockchain, mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho người dùng và các ứng dụng bằng cách giảm bớt gánh nặng cho chuỗi khối chính, tăng tốc độ giao dịch và cung cấp tính bảo mật.

    Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về Channel. Hãy tiếp tục theo dõi các bài viết sắp tới của chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé.

    Đọc thêm:

    Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính. Tham gia nhóm chat Bigcoinchat để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường.

    Thảo luận thêm tại

    Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

    Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

    Twitter: https://twitter.com/BigcoinVN 

    Trang Ha

    Trang Ha

    Content Writter of Bigcoin Vietnam

    5 / 5 (1Bình chọn)

    Bài viết liên quan