1. Real World Assets (RWA) là gì?
Real World Assets là đại diện cho các loại tài sản trong thế giới thực, tồn tại dưới rất nhiều dạng khác nhau, bao gồm bất động sản, vàng bạc, xe cộ, cổ phiếu, tác phẩm nghệ thuật có giá trị,… Những loại tài sản này sẽ được token hoá để đưa lên chuỗi và sử dụng để tối ưu hoá nguồn vốn trong không gian DeFi.
RWA đang chứng kiến một giai đoạn tăng trưởng vượt bậc từ đầu năm 2023 cho tới thời điểm hiện tại khi đạt mức TVL lên tới 2.5 tỷ USD vào tháng 9/2023.
Dựa theo dữ liệu từ DefiLlama
2. Các dự án nổi bật trong ngách RWA
RWA được dự phóng sẽ là một trong những làn sóng nổi bật trong mùa bull run sắp tới, khi DeFi đang ngày càng thể hiện tham vọng kết nối và khai thác giá trị khổng lồ (hàng ngàn tỷ USD) trong thị trường tài chính truyền thống. Tuy nhiên, để đưa được những loại tài sản này lên chuỗi, quá trình mã hoá tài sản sẽ cần sự kết hợp của rất nhiều các mảnh ghép khác nhau để có thể hiện thực hoá. Dưới dây sẽ là bức tranh tổng quan về các dự án quan trọng trong RWA:
Chainlink
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc chuyển đổi tài sản thế giới thực RWA lên chuỗi và tiếp cận với việc tối ưu hoá dòng vốn của thị trường DeFi chính là các công ty trung gian như oracles. Oracles đóng vai trò cung cấp nguồn thông tin tin cậy của tài sản, là bên thứ ba đảm bảo, định giá và chứng thực cho loại tài sản đó khi được chuyển đổi lên chuỗi.
Chainlink là cơ sở hạ tầng cấp doanh nghiệp, trao quyền cho các tổ chức tài chính thực hiện các kết nối cần thiết giữa các chuỗi khối (trên chuỗi) và cơ sở hạ tầng hiện có của họ (ngoài chuỗi).
Là một trong những người tiên phong và cũng là anh cả trong ngách Oracles với mức vốn hoá hơn 4 tỷ USD, Chainlink vẫn luôn giữ vị trí top đầu. Hiện tại, Chainlink cũng đang hợp tác với một số tổ chức tài chính lớn trong truyền thống như Swift, Citi Bank, BNY Mellon và BNP Paribas để tiến hành một số thử nghiệm trên các giải pháp token hoá RWA.
Đây đều là những tổ chức chóp bu trong giới tài chính với lượng tài sản quản lý lên tới hàng trăm tỷ USD, trong đó Swift đang hợp tác với hệ thống gồm hơn 11 nghìn ngân hàng và các tổ chức tài chính trên hơn 200 quốc gia. Với tiềm năng có sẵn đó, CCIP của Chainlink và Swift chắc chắn sẽ là một mảnh ghép vô cùng quan trọng khi RWA thực sự được ứng dụng trong thời gian sắp tới.
Chainlink hợp tác với top các tổ chức tài chính để thử nghiệm RWA
Centrifuge
Centrifuge cũng là một trong những dự án hoạt động mạnh mẽ trong RWA, khi vừa hỗ trợ việc mã hoá các loại tài sản thực và đưa lên chuỗi dưới dạng NFT và token, vừa phát triển ứng dụng cho tài sản đã mã hoá.
Cả Chainlink và Centrifuge đều đóng vai trò nền tảng trong quá trình chuyển đổi tài sản thực lên thị trường On-chain.
Với tổng số tài sản hỗ trợ lên tới hơn 470 triệu USD và cũng nằm trong liên minh Tokenized Asset Coalition bao gồm: AAVE, Circle, Coinbase, Goldfinch và Base,… Centrifuge cũng là một trong những dự án đứng đầu trong việc ngách RWA.
Ngoài ra, dự án cũng triển khai 1 sản phẩm khác là Tinlake, để hoạt động dưới vai trò tạo ra ứng dụng và tối ưu hoá việc sử dụng các tài sản đó trong không gian DeFi. Tinlake hoạt động tương tự các giao thức cho vay, với tài sản thế chấp là các RWA thay vì cryptocurrency. Trong mô hình này, khách hàng muốn vay sẽ là các công ty truyền thống, còn người dùng DeFi sẽ gửi stablecoin vào để nhận lãi suất.
Centrifuge - dự án hàng đầu trong RWA
MakerDAO
MakerDAO là một trong những nền tảng lending top đầu thị trường với tổng giá trị tài khoá trong giao thức hiện tại lên tới hơn 4.2 tỷ USD (theo dữ liệu DeFiLlama).
Giao thức cho phép người dùng thế chấp tài sản là các token trên Ethereum để vay lấy khoản vay bằng $DAI - stablecoin của nền tảng. Không chỉ là nền tảng tiên phong trong ngách lending mà MakerDAO còn là nền tảng đầu tiên đặt nền móng việc áp dụng RWA là tài sản thế chấp.
Cho tới hiện tại, giá trị khoản vay sử dụng RWA trong MakerDAO đã đạt tới trị giá 3 tỷ đô la Mỹ, chiếm tới 72% thị phần cho vay hiện tại của nền tảng.
Dựa theo dữ liệu trên Duna Analytics tính tới tháng 10/2023
Ngoài New Silver, 6s Capital, Harbor Trade Credit, Coinbase Custody, ConsolFreight,… thì năm 2022, MakerDAO cũng chính thức thông qua chấp nhận Huntingdon Valley Bank (HVB) là ngân hàng Mỹ đầu tiên chính thức kết nối với thị trường DeFi khi đạt được 87% số phiếu đồng ý trong quản trị.
MakerDAO hợp tác với HVB, cho phép ngân hàng tiếp cận với $DAI
stUSDT
stUSDT là nền tảng RWA đầu tiên trên TRON network và mở rộng sang Ethereum sau này, hiện đây đang là nền tảng chiếm phần lớn nhất lượng TVL trong toàn ngách RWA, với gần 1.9 tỷ USD.
Cách thức hoạt động của stUSDT
Người dùng có thể stake USDT vào nền tảng và nhận được mức lãi suất tương ứng với 4.7% (tại thời điểm viết bài), sau đó người dùng sẽ nhận lại được stUSDT, token đại diện cho khoản đầu tư của họ vào RWA.
Khi nắm giữ stUSDT, người dùng sẽ có thể nhận được thu nhập thụ động từ lợi nhuận của các khoản đầu tư vào tài sản thế giới thực. RWA DAO của stUSDT sẽ phụ trách việc quản lý đầu tư vào tài sản của người dùng và lợi suất stUSDT được báo cáo là đến từ trái phiếu chính phủ là chủ yếu.
Ondo Finance
Dựa trên dữ liệu của DefiLlama trong mảng RWA, Ondo Finance đang đứng thứ hai về TVL với hơn 206 triệu USD.
Ondo Finance hoạt động dựa trên Ondo USD Yield (USDY) - một trái phiếu được mã hoá bởi thế chấp vượt mức bằng Kho bạc Hoa Kỳ ngắn hạn và tiền gửi không kỳ hạn của các ngân hàng lớn. Người dùng có thể gửi stablecoin của họ vào, nền tảng sẽ sử dụng stablecoin đó để đổi lấy USD và sử dụng USD để mua vào các loại tài sản và token quỹ, đại diện cho các khoản đầu tư và gửi vào ví của người dùng. Khi những loại tài sản này tạo ra lợi nhuận, lợi nhuận đó sẽ được sử dụng để tái đầu tư và khi người dùng redempt, những token quỹ (fund token) sẽ bị đốt và người dùng sẽ nhận lại được USDC. APY của Ondo sẽ dao động trong khoảng 4.5% đến 7.76%.
Với USDY, người dùng và các nhà đầu tư nhỏ lẻ có cơ hội tiếp cận trực tiếp lợi nhuận và truy cập vào lợi tức Kho bạc Hoa Kỳ, chỉ bằng các stablecoin của mình như USDT, USDC. Điều này không chỉ mang lại sự an toàn hơn cho người dùng khi đầu tư vào các cấu trúc cấp tổ chức và còn kết nối được tài sản có sẵn từ TradFi sang không gian DeFi.
Dữ liệu từ DeFiLlama
Maple Finance
Được thành lập từ năm 2020, Maple Finance là một thị trường vốn, cấp tổ chức được phát triển trên Ethereum và Solana, cung cấp các dịch vụ cho vay không cần thế chấp với các tổ chức lớn với tổng khoản vay đã hỗ trợ lên tới hơn 2,5 tỷ USD.
Trước đây, tệp người dùng chính của Maple Finance chủ yếu là các công ty trong crypto, chính vì vậy khi thị trường crypto rơi vào giai đoạn khủng hoảng, công ty đã gánh chịu nợ xấu lên tới 52 triệu USD.
Dựa trên dữ liệu DefiLlama, tháng 3 năm 2023 là giai đoạn TVL của Maple giảm xuống mức thấp nhất lịch sử, khi chỉ còn 24 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó TVL của giao thức đã nhanh chóng phục hồi trở lại sau khi quyết định bắt đầu bước chân vào RWA khi cho ra mắt pool quản lý tiền cho Kho bạc Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 2023. Ngay sau đó là những cập nhật mới về các nhóm vay có thời hạn, để tăng tính linh hoạt của giao thức và đến tháng 6 năm 2023, TVL của Maple đã phục hồi tương đối khi đạt 62.82 triệu USD, trong đó TVL đến từ RWA chiếm hơn 30% ở mức 22.83 triệu USD.
Maple Finance chuyển hướng sang RWA
RealT
Đứng ở vị trí số 3 về TVL của RWA với tổng giá trị khoá trong nền tảng lên tới gần 90 triệu USD, RealT là nền tảng hỗ trợ token hoá và chia nhỏ (Fractionalization) các loại bất động sản ở thị trường US và đưa chúng lên chuỗi, cho phép các nhà đầu tư nhỏ lẻ có cơ hội tiếp cận với các loại tài sản này ngay cả khi không có vốn quá lớn. Ngoài ra, các chủ sở hữu bất động sản cũng có thể tối ưu hoá dòng vốn từ những loại tài sản này, thay vì để chúng chỉ là một căn nhà hay mảnh đất mà không tạo ra giá trị sử dụng ngay tức khắc.
Quyền sở hữu các tài sản bất động sản này được xác định bằng mã token trên Ethereum hoặc Gnosis.
Những nhà đầu tư trong không gian DeFi cũng có thể gửi stablecoin vào nền tảng để nhận lãi suất hoặc đầu tư vào các bất động sản được hỗ trợ bởi RealT và được chia sẻ lại lợi nhuận khi bất động sản đó tạo ra giá trị.
Ngoài ra, RealT cũng đang hợp tác với một số nền tảng lớn để gia tăng tính ứng dụng cho token và các loại tài sản của mình như AAVE, MakerDAO.
RealT - nền tảng mã hoá bất động sản trên chuỗi
3. Một số dự án khác đáng chú ý trong ngách RWA
- Oracle: Chainlink, Tellor,…
- Lending/ Borrowing: MakerDAO, Maple, TrueFi, ClearPool,…
- Real Estate: Propy, LABs Group, Elysia, Tangible, Blocksquare,….
- Infrastructure: Realio Network,
- Tokenization platform: Centrifuge, Tokenized Collateral Network, Jiritsu Network,…
- RWA-based stablecoin: Frax Finance, MakerDAO,….
4. Kết luận
Trên đây là bức tranh tổng quan về một số dự án nổi bật trong ngách RWA. Mặc dù vốn hoá của ngách này vẫn chưa được coi là quá lớn so với toàn bộ thị phần trong crypto nhưng có thể thấy được các tổ chức lớn trong truyền thống cũng đang bắt đầu rục rịch thể hiện sự quan tâm đến ngách này. Sắp tới RWA có thể sẽ là cửa ngõ đón dòng tiền mới từ TradFi sang DeFi.
Tuy nhiên, RWA vẫn còn gặp khá nhiều rào cản về tính pháp lý và cơ sở hạ tầng để quy chuẩn hoá quy trình đưa các loại tài sản này lên chuỗi. Có thể RWA sẽ mất kha khá thời gian để có thể được định hình thành 1 narrative mới trong thời gian tới.