Chainlink - giải pháp Oracle số một thị trường blockchain, cái nôi của hàng loạt cải tiến công nghệ mang tính đột phá đã cho ra mắt giao thức CCIP - giao thức thúc đẩy liên kết xuyên chuỗi. Giao thức CCIP là gì và giao thức này sẽ mang lại những cải tiến công nghệ nào? Hãy cùng theo dõi với theblock101 với nội dung bên dưới.
1. CCIP là gì?
CCIP là viết tắt của Cross-chain Interoperability Protocol, hay giao thức liên kết chuỗi chéo, cho phép nhà phát triển (developers) xây dựng các ứng dụng (DApps) liên chuỗi dựa trên 3 tiêu chí: an toàn, tin cậy và dễ dàng sử dụng.
CCIP được xây dựng trên nền tảng mạng lưới Oracle của Chainlink vì vậy, giao thức này thừa hưởng gần như toàn bộ các tính năng hiện có của mạng lưới này, tiêu biểu là sự bảo mật và an toàn.
Kể từ khi được ra mắt, Chainlink đã giúp đảo đảm an toàn hàng chục tỉ đô la với lưu lượng giao dịch lên đến hơn 8 000 tỉ đô. Nếu một DApp đã sử dụng ứng dụng Price Feeds (bảng giá thực) của Chainlink, ứng dụng này hoàn toàn có thể tích hợp CCIP cho việc tương tác liên chuỗi của mình.
Hiện tại, CCIP đang hỗ trợ 4 blockchain bao gồm Avalanche, Ethereum, Optimism và Polygon.
Người dùng có thể đăng kí tham gia Mainnet Early Access
2. Ứng dụng CCIP
Trước đây, chuyển tiền xuyên chuỗi luôn là nỗi lo của người dùng, đặc biệt khi hàng loạt các vụ hack “cầu” diễn ra. Gần đây nhất, nền tảng Multichain xảy ra vấn đề và buộc dừng hoạt động, đẩy hàng loạt người dùng vào nguy cơ mất trắng tiền.
Giao thức CCIP đã được ra mắt để giải quyết nguy cơ thường trực này. Cùng điểm qua các ứng dụng của CCIP:
- Chuyển tài sản mã hoá liên chuỗi: Chuyển token qua các blockchain chỉ trong một giao diện mà không cần phải xây dựng giải pháp cầu (bridge) riêng.
- Thế chấp tài sản liên chuỗi: Xây dựng các ứng dụng lending xuyên chuỗi cho phép người dùng nạp tài sản thế chấp ở chuỗi này và mượn tài sản ở chuỗi khác.
- Stake các liquid token xuyên chuỗi: Các liquid token ở các chuỗi khác nhau có thể tham gia vào các ứng dụng DeFi khác nhau, tăng cường khả năng sinh lời cho tài sản đã đặt cược (staked) của người dùng.
- NFT xuyên chuỗi: Cho phép người dùng mint NFT ở một blockchain và nhận NFT ở một blockchain khác.
- Ví thông minh liên chuỗi: Xây dựng các ví hợp đồng thông minh cho phép cấp quyền giao dịch ở đa chuỗi chỉ cần 1 ví duy nhất.
- Gaming xuyên chuỗi: Tạo ra trải nghiệm chơi game độc đáo, lưu trữ tài sản game gía trị ở các blockchain bảo mật trong khi chơi game ở các blockchain có khả năng mở rộng lớn.
- Lưu trữ dữ liệu và điện toán xuyên chuỗi: Người dùng có thể thực hiện giao dịch ở một chuỗi mà lưu trữ dữ liệu ở chuỗi khác.
3. Cải tiến trong giải pháp CCIP so với các giải pháp xuyên chuỗi khác
- Lập trình thông điệp khi gửi token xuyên chuỗi: Với CCIP, người dùng không chỉ gửi token mà có thể kèm theo 1 hướng dẫn cùng token đó. Ví dụ mục đích sử dụng của token trên chuỗi đích là để swap hay để stake…
- Mạng lưới ARM (Active Risk Management): Ngoài CCIP, ARM sẽ được sử dụng như một mạng lưới độc lập riêng biệt liên tục giám sát và xác thực hành vi trên chuỗi, giống như lớp bảo mật tăng cường cho các hoạt động đó. Mạng lưới này sử dụng ngôn ngữ Rust và cung cấp một hệ thống node riêng, giúp tăng cường bảo mật cho CCIP.
- Giới hạn tỉ lệ: Nhà phát triển có thể cài đặt tuỳ chỉnh giới hạn số token được chuyển đi trong 1 khoảng thời gian nhất định. Giới hạn này có thể được cài đặt theo làn cho mỗi token hoặc cho phép cài đặt giới hạn tổng hợp cho các token trong 1 làn. Hiện tại chỉ áp dụng cho việc chuyển token.
- Khoá mức phí thanh toán: Cơ chế này giúp giao dịch được chuyển đi mà không lo lắng nếu phí gas tại chuỗi đích đột ngột tăng cao khiến chi phí giao dịch bị kéo theo. Người dùng trả phí ở chuỗi nguồn, còn CCIP sẽ thực thi ở chuỗi đích.
- Thanh toán: CCIP hỗ trợ thanh toán bằng $LINK hoặc các tài sản thay thế khác (như đồng coin từ các blockchain hoặc phiên bản wrapped của chúng). Thanh toán qua $LINK sẽ rẻ hơn. Hiện tại, nếu người dùng thanh toán qua các tài sản thay thế, khoản tiền này sẽ được tự động đổi qua LINK để thanh toán cho mạng lưới, trong khi đó, khoản tiền đổi sẽ được rút về các pool dự trữ. Ứng dụng này giúp tăng cường tiện ích cho đồng $LINK.
4. Ứng dụng của CCIP trong DeFi và DeFi
Chainlink luôn là một trong những người đi đầu trong việc giới thiệu các giải pháp công nghệ mang tính đột phá trong thị trường blockchain, từ việc giới thiệu giải pháp Oracle, NFT động (dynamic NFT) đến CCIP.
Vì vậy, ngay khi ra mắt, giải pháp CCIP đã được những dự án và doanh nghiệp lớn ứng dụng. Đây là tin vui với thị trường, nhưng cũng là một điểm đáng ngại cho các giải pháp crosschain khác như LayerZero hay Wormhole.
Cùng điểm qua một số dự án DeFi và DeFi đang ứng dụng CCIP.
4.1 Synthetix
Là một “lão đại” trong ngách DeFi, cụ thể là các sản phẩm phái sinh phi tập trung, Synthetix ứng dụng CCIP trong sản phẩm mới ra mắt có tên gọi là “the Synth Teleporter”.
Sản phẩm cho phép người dùng chuyển giao thanh khoản liên chuỗi theo cơ chế “mint and burn”, qua đó, người dùng có thể đốt sUSD trong chuỗi nguồn để nhận sUSD trong chuỗi đích. sUSD là đồng tiền ổn định (stablecoin) của Synthetix.
Một trong những lí do lớn nhất mà Synthetix sử dụng CCIP đó chính là tính bảo mật và an toàn của giải pháp này, so với các giải pháp chuỗi chéo (Cross chain) khác.
4.2 Aave
Aave là giao thức cung cấp thanh khoản phi tập trung, cho phép người dùng cho vay và mượn trên blockchain.
Nếu như trước đây, để vận hành DAO tại Aave, người dùng sẽ cần phải trả phí gas cao khi dùng mạng ETH, thì CCIP đã đến và mang lại giải pháp cho việc này.
Cộng đồng Aave đã cùng đồng thuận ứng dụng CCIP trong việc vận hành DAO để tối ưu thời gian và chi phí trong việc biểu quyết và duy trì hoạt động DAO.
4.3 Các thể chế tài chính truyền thống
Không chỉ có tính ứng dụng với các blockchain công (public blockchain), Chainlink còn hỗ trợ cả các blockchain riêng tư (private blockchain).
Trong đó, Swift - tập đoàn thanh toán hàng đầu thế giới và một loạt các thể chế tài chính khác đang tìm hiểu ứng dụng CCIP trong mạng lưới riêng của họ. Những cái tên lớn bao gồm: Tập đoàn ngân hàng Australia and New Zealand (ANZ), BNP Paribas, BNY Mellon, Citi, Clearstream, Euroclear, Lloyds Banking Group, SIX Digital Exchange (SDX) và Tổng công ty ủy thác lưu ký và thanh toán DTCC).
5. Kết luận
Với hệ sinh thái sản phẩm lớn mạnh của ChainLink, việc ra mắt thêm CCIP càng làm dự án trở thành một thế lực đáng gờm với các đối thủ khác như Layer Zero, Wormhole, Axelar. Với giải pháp này, crosschain, multichain và omnichain có thể được coi là “thuật ngữ” cần chú ý và là mấu chốt khơi thông dòng tiền của toàn thị trường trong mùa bullrun 2024-2025.
Theo dõi sự phát triển công nghệ blockchain cùng theblock101.com bạn nhé.