1. Tổng quan
Các blockchain đều có các cơ chế đồng thuận khác nhau để tạo ra các nguyên tắc vận hành của mạng lưới blockchain đó. Ví dụ như cơ chế đồng thuận bằng chứng công việc (PoW) của blockchain Bitcoin thì các thợ đào sẽ phải cạnh tranh với nhau để tìm ra lời giải thích hợp cho các bài toán mã hóa phức tạp. Người thợ đào tìm ra câu trả lời đầu tiên cho một khối sẽ đưa bằng chứng công việc của họ (khối băm) lên mạng và mạng nút phi tập trung sẽ xác minh rằng bằng chứng đó có hợp lệ hay không. Nếu hợp lệ, những người thợ đào có quyền thêm vĩnh viễn khối vào mạng Blockchain và nhận phần thưởng Bitcoin mới được tạo.
Khi chúng ta nói về các Blockchain bằng chứng cổ phần (PoS), thì các thuật toán đồng thuận được hoạt động khác nhau. Thuật toán PoS không sử dụng hàm băm, nhưng sử dụng chữ ký số để chứng minh quyền sở hữu của đồng tiền này. Việc xác minh khối mới được thực hiện bởi các "thợ rèn" hoặc "người tạo Coin" và chúng được chọn theo cách xác định. Thợ rèn càng có nhiều xu, thì càng có nhiều khả năng được chọn làm người xác nhận khối. Không giống như hệ thống PoW, hầu hết các hệ thống PoS không cung cấp phần thưởng khối và phần thưởng mà các thợ rèn nhận được từ các khối xác minh là các khoản phí giao dịch.
Mặc dù thuật toán PoB có những điểm tương đồng nhất định với PoW và PoS, nhưng nó có những đặc thù riêng trong việc đạt được sự đồng thuận và xác minh các khối.
2. Bằng chứng Đốt cháy (PoB) là gì?
Thuật toán PoB có nhiều phiên bản, và có lẽ được công nhận rộng rãi nhất trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số là phiên bản được đề xuất bởi Iain Stewart. Nó được coi là một sự thay thế bền vững cho thuật toán bằng chứng công việc.
Về cơ bản, PoB trông giống như một thuật toán PoW nhưng mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn. Bởi vì việc xác minh khối của PoB không đòi hỏi một lượng lớn năng lực tính toán hoặc phụ thuộc vào phần cứng khai thác mạnh mẽ (như ASIC). Ngược lại, như một phương thức "đầu tư" vào Blockchain, các loại tiền kỹ thuật số bị hủy một cách có chủ ý (bị đốt cháy), vì vậy các ứng cử viên khai thác không cần đầu tư vào tài nguyên vật lý. Như trong hệ thống PoB, các nhà khai thác đầu tư vào một nền tảng khai thác ảo (hoặc sức mạnh khai thác ảo).
Nói cách khác, bằng cách hủy tiền kỹ thuật số, có thể chứng minh khoản đầu tư của người dùng vào mạng, có được quyền "khai thác" và xác minh các giao dịch. Bởi vì quá trình phá hủy đồng xu sẽ đại diện cho khả năng khai thác ảo, người dùng càng phá hủy nhiều đồng xu trong hệ thống thì sức mạnh tính toán (ảo) của anh ta càng lớn, nên khả năng được chọn làm người xác nhận khối tiếp theo càng cao.
3. PoB hoạt động như thế nào?
Nói một cách đơn giản, quy trình đốt bao gồm việc gửi tiền đến một địa chỉ có thể xác minh công khai, nơi mà đồng coin sẽ không còn sử dụng được nữa. Thông thường, các địa chỉ này là địa chỉ khóa riêng được tạo ngẫu nhiên. Tất nhiên, quá trình đốt tiền sẽ làm giảm thanh khoản thị trường và gây ra sự khan hiếm, khiến tiềm năng giá trị của nó tăng. Nhưng quan trọng hơn hết, đốt tiền tệ là một cách khác để đảm bảo an ninh mạng.
Một trong những lý do khiến Blockchain PoW được bảo mật là các thợ đào cần đầu tư nhiều tài nguyên thì đến cuối họ mới có được lợi nhuận. Điều này có nghĩa là dưới tác động là các phần thưởng khích lệ, các thợ đào sẽ có thái độ trung thực để đóng góp vào mạng, ngăn chặn việc đầu tư ban đầu bị lãng phí.
Ý tưởng này tương tự như PoB, nhưng Blockchain PoB cho thấy chúng không đầu tư vào điện, lao động và sức mạnh tính toán, mà nó chỉ đảm bảo an ninh bằng cách đốt tiền.
Hệ thống PoB sẽ cung cấp phần thưởng khối cho các thợ đào và trong một khoảng thời gian nhất định, dự kiến phần thưởng sẽ bao gồm khoản đầu tư ban đầu của loại tiền đốt.
Như đã đề cập trước đó, để thực hiện PoB thì có nhiều cách khác nhau. Một số dự án thực hiện PoB bằng cách đốt Bitcoin, trong khi một số dự án khác lại thông qua việc đốt chính đồng tiền kỹ thuật số của họ.
4. So sánh PoB với PoS
Một điểm chung của PoB và PoS là những người xác nhận khối phải đầu tư một khoản tiền kỹ thuật số thì mới được tham gia vào cơ chế đồng thuận. Tuy nhiên, PoS yêu cầu thợ rèn biến đồng tiền của họ thành cổ phiếu và thường khóa chúng lại. Nhưng nếu họ quyết định rời khỏi mạng, họ có thể lấy khoản tiền kỹ thuật số ấy và bán nó trên thị trường. Do đó, trong trường hợp này sẽ không có sự khan hiếm thị trường vĩnh viễn, vì tiền tệ không được lưu thông trong một khoảng thời gian. Còn các xác minh khối của PoB sẽ phải hủy tiền kỹ thuật số của họ mãi mãi, gây ra sự khan hiếm kinh tế vĩnh viễn.
5. Đặc điểm của PoB
Những ưu điểm và nhược điểm được liệt kê dưới đây dựa trên các lập luận của những người ủng hộ PoB và không nên được coi là sự thật đã được chứng minh. Những lập luận này vẫn còn gây tranh cãi và cần thử nghiệm thêm để xác nhận tính hợp lệ của chúng.
Ưu điểm:
- Tính bền vững cao và giảm tiêu thụ năng lượng.
- Không yêu cầu phần cứng khai thác và đốt Coin bằng máy khai thác ảo.
- Việc đốt các loại tiền kỹ thuật số đã làm giảm nguồn cung tuần hoàn (thị trường khan hiếm).
- Khuyến khích đầu tư dài hạn của các thợ mỏ.
- Phân phối / khai thác tiền kỹ thuật số được phi tập trung hơn.
Nhược điểm:
- PoB không thực sự thân thiện với môi trường, bởi vì Bitcoin bị đốt cháy được tạo ra thông qua PoW, và nó đòi hỏi rất nhiều tài nguyên.
- Không có bằng chứng nào cho thấy nó có thể hoạt động trên các mạng Blockchain lớn hơn. Cần thử nghiệm nhiều hơn để xác nhận hiệu quả và tính an toàn của nó.
- Công việc xác minh của các thợ mỏ thường bị trì hoãn. Nó không nhanh bằng Blockchain PoW.
- Quá trình đốt tiền kỹ thuật số không phải lúc nào cũng minh bạch hoặc dễ dàng được xác minh bởi người dùng thông thường.
Đọc thêm: