1. Mầm mống và diễn biến của cuộc khủng hoảng
1.1. Những dấu hiệu đầu tiên
Mầm mống của cuộc khủng hoảng tài chính đã bắt đầu trong những năm lãi suất chạm đáy và tiêu chuẩn cho vay lỏng lẻo đã gây ra bong bóng giá nhà đất ở Mỹ và các nơi khác. Ban đầu ý định của Fed (Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ) là giảm lãi suất từ 6.5% trong tháng Năm 2000 xuống còn 1% vào tháng Sáu 2003 nhằm thúc đẩy nền kinh tế trước sự bùng nổ của bong bóng dot-com, các cuộc bê bối kế toán doanh nghiệp và cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9.
Kết quả là giá nhà tăng theo vòng xoáy khi những người đi vay lợi dụng lãi suất thế chấp thấp. Ngay cả những người vay dưới chuẩn, những người có lịch sử tín dụng kém hoặc không có, cũng có thể thực hiện được ước mơ mua nhà. Chẳng bao lâu sau, một thị trường thứ cấp lớn để khởi tạo và phân phối các khoản vay dưới chuẩn đã phát triển.
1.2. Rắc rối bắt đầu lộ ra
Lãi suất bắt đầu tăng và quyền sở hữu nhà đạt đến điểm bão hòa. Fed bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 6 năm 2004, và hai năm sau, lãi suất quỹ liên bang đã đạt tới 5,25% và duy trì ở mức này cho đến tháng 8 năm 2007. Đã có những dấu hiệu không lành bắt đầu xuất hiện. Đến năm 2004, tỷ lệ sở hữu nhà ở Mỹ đã đạt đỉnh điểm là 69,2%. Sau đó, vào đầu năm 2006, giá nhà bắt đầu giảm đã thực sự gây ra khó khăn cho nhiều người dân Mỹ khi họ không thể bán nhà trả nợ. Những người đi vay dưới chuẩn đã mắc kẹt với những khoản thế chấp mà ngay từ đầu họ đã không đủ khả năng chi trả. Kết quả là, khi năm 2007 bắt đầu, hết người cho vay dưới chuẩn này đến người khác đều nộp đơn xin phá sản. Trong tháng 2 và tháng 3, hơn 25 tổ chức cho vay dưới chuẩn đã phải nộp đơn phá sản.
2. Những ông lớn ngã ngựa
2.1. Tháng 8 năm 2007: Bắt đầu sự sụp đổ liên tiếp
Càng lúc càng rõ ràng là các thị trường tài chính không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng dưới chuẩn và các vấn đề này đã lan rộng ra ngoài biên giới Hoa Kỳ. Thị trường liên ngân hàng giúp tiền lưu chuyển khắp thế giới đóng băng hoàn toàn, phần lớn là do những nỗi lo vô hình. Các ngân hàng thương mại phải liên tục tìm đến sự giúp đỡ của Ngân hàng Trung ương để giải quyết vấn đề thanh khoản.
Trong những tháng sau đó, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cùng những Ngân hàng Trung ương khác phải phối hợp hành động để cung cấp các khoản vay hàng tỷ đô la cho thị trường tín dụng toàn cầu, vốn đang bị đình trệ do giá tài sản giảm. Trong khi đó, các tổ chức tài chính gặp khó khăn trong việc đánh giá giá trị hàng nghìn tỷ đô la của chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp có giá trị không tốt đang nằm trên sổ sách của họ.
2.2. Tháng 3 năm 2008: Sự sụp đổ của Bear Stearns
Vào tháng 1 năm 2008, Fed đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 3/4 điểm phần trăm - mức cắt giảm lớn nhất trong một phần tư thế kỷ, nhằm tìm cách làm chậm lại sự trượt dốc của nền kinh tế.
Những tin xấu tiếp tục ập đến. Tháng 2, chính phủ Anh buộc phải quốc hữu hóa Northern Rock. Đến tháng 3, ngân hàng đầu tư toàn cầu Bear Stearns, trụ cột của Phố Wall từ năm 1923, đã sụp đổ và được JPMorgan Chase mua lại với giá vài xu.
Vào mùa đông năm 2008, nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào tình trạng suy thoái toàn diện. Cùng với các rắc rối về thanh khoản của các tổ chức tài chính tiếp tục diễn ra, thị trường chứng khoán trên toàn thế giới sụt giảm mạnh nhất kể từ vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9.
2.3. Tháng 9 năm 2008: Lehman Brothers gục ngã
Vào mùa hè năm 2008, khủng hoảng đã lan rộng khắp lĩnh vực tài chính. Ngân hàng IndyMac trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất từng phá sản ở Mỹ, hai công ty cho vay mua nhà lớn nhất nước này là Fannie Mae và Freddie Mac đã bị chính phủ Mỹ tịch thu.
Đáng nói nhất phải kể đến sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers, một trong những ngân hàng lớn và có tên tuổi nhất trên phố Wall. Sự kiện đã đánh dấu vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và với nhiều người, nó đã trở thành biểu tượng cho sự tàn phá do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra.
Những sự kiện này sau đó được gọi là Đại suy thoái. Cuộc Đại suy thoái là sự suy giảm mạnh trong hoạt động kinh tế bắt đầu từ năm 2007 và kéo dài vài năm, lan sang các nền kinh tế toàn cầu. Thuật ngữ "Đại suy thoái" áp dụng cho cả cuộc suy thoái ở Mỹ, chính thức kéo dài từ tháng 12 năm 2007 đến tháng 6 năm 2009 và cuộc suy thoái toàn cầu tiếp theo vào năm 2009.
3. Nguyên nhân, hậu quả và sự hồi phục của nền kinh tế
3.1. Nguyên nhân
Từ những diễn biến nêu trên, Ủy ban điều tra khủng hoảng tài chính đã có một vài báo cáo chỉ ra những yếu tố quan trọng mà họ xác định là dẫn đến khủng hoảng
Đầu tiên là sự thất bại của Chính phủ Mỹ trong việc điều tiết thị trường, cụ thể là Fed không có khả năng ngăn chặn các ngân hàng cho vay thế chấp đối với những người sau đó được chứng minh là có rủi ro tín dụng xấu. Nó thể hiện sự chủ quan của những người điều hành đã không sát sao trong công tác quản lý vay vốn.
Kế đến là các công ty tài chính đã chấp nhận quá nhiều rủi ro. Hệ thống ngân hàng ngầm gồm các công ty đầu tư đã phát triển để cạnh tranh với hệ thống ngân hàng chính thống nhưng không chịu sự giám sát và quy định tương tự. Khi hệ thống ngân hàng ngầm thất bại, sự sụp đổ đã ảnh hưởng đến dòng tín dụng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Một nguyên nhân khác được xác định là việc duy trì lãi suất thấp khiến sự vay vốn của người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng đột biến, cùng với đó sự thiếu hiểu biết của các nhà lập pháp. Điều này đã tạo ra bong bóng tài sản, đặc biệt là trong thị trường nhà đất khi các khoản thế chấp được gia hạn với lãi suất thấp cho những người đi vay không đủ tiêu chuẩn và không có khả năng chi trả các khoản nợ. Điều này đã tác động nghiêm trọng đến thị trường đối với các ngân hàng chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS) và quỹ đầu tư khác.
3.2. Những hậu quả nặng nề
Việc vay thế chấp quá nhiều của người tiêu dùng và doanh nghiệp đã phải chịu tác động của đợt tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang. Việc lãi suất tăng cao hơn so với dự tính của người vay vốn đã khiến nhiều người trong số họ không đủ khả năng chi trả tiền lãi hàng tháng và bắt đầu phải bán tài sản. Nguồn cung tăng đột biến đó về sau được mọi người biết đến là bong bóng nhà đất.
Các thị trường tín dụng đã tài trợ cho bong bóng nhà đất nhanh chóng vào tình trạng suy thoái khi cuộc khủng hoảng tín dụng bắt đầu diễn ra vào năm 2007. Khả năng thanh toán của các ngân hàng và tổ chức tài chính có đòn bẩy tài chính quá cao đã đạt đến điểm giới hạn với sự sụp đổ của Bear Stearns vào tháng 3 năm 2008.
Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5% vào cuối năm 2007, đạt mức cao nhất là 10% vào tháng 10 năm 2009 và không phục hồi lên 5% cho đến năm 2015, gần tám năm sau khi bắt đầu cuộc suy thoái. Thu nhập thực tế trung bình của hộ gia đình phải đến năm 2016 mới gần phục hồi được ở mức trước cuộc khủng hoảng.
Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, hậu quả của cuộc Đại suy thoái là chỉ riêng nước Mỹ đã mất hơn 8,7 triệu việc làm, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi. Hơn nữa, các hộ gia đình Mỹ mất khoảng 19 nghìn tỷ USD giá trị tài sản ròng khi thị trường chứng khoán lao dốc, theo Bộ Tài chính Mỹ. Ngày kết thúc chính thức của cuộc Đại suy thoái là tháng 6 năm 2009.
3.3. Sự hồi phục chậm rãi
Nhờ các chính sách điều chỉnh hợp lý, GDP thực tế chạm đáy vào quý 2 năm 2009 đã lấy lại mức đỉnh trước suy thoái vào quý 2 năm 2011, ba năm rưỡi sau khi cuộc suy thoái chính thức bắt đầu. Thị trường tài chính phục hồi khi làn sóng thanh khoản tràn qua Phố Wall.
Nhiều người chỉ trích phản ứng chính sách và cách nó định hình sự phục hồi cho rằng làn sóng thanh khoản và thâm hụt chi tiêu đã thúc đẩy các tổ chức tài chính và doanh nghiệp lớn có quan hệ chính trị gây thiệt hại cho người dân bình thường. Nó cũng có thể làm trì hoãn quá trình phục hồi bằng cách dồn các nguồn lực kinh tế vào các ngành và hoạt động đáng lẽ phải không nên ưu tiên lúc đó, khi những tài sản và nguồn lực đó có thể được các doanh nghiệp khác cần thiết hơn sử dụng để mở rộng và tạo việc làm.
4. Những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng
Sau cuộc khủng hoảng, những thay đổi đã được thực hiện, luật pháp được thông qua và những lời hứa được đưa ra. Các ngân hàng được cứu trợ, thị trường chứng khoán phá vỡ các kỷ lục và chính phủ Hoa Kỳ tung ra các giải pháp cứu cánh cho các tổ chức được liên bang hậu thuẫn. Các nhà hoạch định chính sách buộc phải đưa ra những quyết định quan trọng một cách dứt khoát và nhanh chóng giúp xây dựng luật pháp và những thay đổi trong tương lai.
Từ sự sụp đổ hàng loạt của các ông lớn trong giới tài chính, tình hình kinh tế bết bát cùng với những hậu quả của cuộc suy thoái, những bài học kinh nghiệm đã được rút ra nhằm tránh lặp lại những sự kiện đó. Một số những bài học đó có thể kể đến:
-
Không ai là an toàn
Sự sụp đổ của những công ty tên tuổi đã cho thấy thực tế là trong bối cảnh khó khăn và khủng hoảng, không một doanh nghiệp nào là an toàn nếu không có sự chuẩn bị tốt. Những cái tên như Bear Stearns, Lehman Brothers với quy mô hàng triệu USD vẫn phải nộp đơn xin phá sản và khiến hàng nghìn người rơi vào cảnh thất nghiệp đã cho thấy dù công ty có sức vóc cùng tiềm lực tài chính lớn nhưng nếu không quản lý chặt chẽ và hoạt động quá rủi ro thì sẽ phải gánh chịu hậu quả khôn lường.
-
Luôn cố gắng giảm thiểu tối đa rủi ro
Trong thời kỳ khủng hoảng, các ngân hàng tham gia vào "giao dịch độc quyền", gây ra tổn thất trên sổ sách và cho khách hàng của họ. Các vụ kiện tụng chồng chất và lòng tin của khách hàng bị mất dần. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, các ngân hàng đã tăng yêu cầu về vốn, giảm đòn bẩy và ít tiếp xúc với các khoản thế chấp dưới chuẩn hơn. Các quy định được ban hành nhằm nghiêm cấm các ngân hàng chấp nhận quá nhiều rủi ro với các giao dịch của họ trong các thị trường đầu cơ do lo ngại sẽ gây xung đột lợi ích với khách hàng của họ trong các sản phẩm khác.
-
Thị trường bất động sản quá nóng
Thị trường nhà ở quá nóng trước cuộc khủng hoảng tài chính đã bị kích động bởi việc cho vay thiếu kiểm soát đối với những người đi vay không đủ tiêu chuẩn và việc bán lại các khoản vay thông qua các công cụ tài chính được gọi là chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp. Các ngân hàng mua bảo hiểm cho những khoản thế chấp đó, tạo ra một những mớ chứng từ được xây dựng trên cơ sở những người mua nhà không đủ khả năng chi trả.
Nhà bị tịch thu tăng vọt, nhiều người mất nhà và giá nhà giảm mạnh sau khi bong bóng bất động sản vỡ ra đã cho thấy hậu quả nghiêm trọng của việc chạy theo thị trường một cách thiếu tính toán cùng với sự quản lý lỏng lẻo có thể đem đến những khủng hoảng tồi tệ.
-
Lòng tham của con người
Cuộc Đại suy thoái xảy ra không chỉ là vô tình mà còn bởi những cá nhân hoặc tổ chức đặt lợi ích cá nhân lên trước. Năm 2009, dù nhiều cá nhân, cơ quan phạm tội nhưng việc chứng minh ý đồ xấu là rất khó khăn. Nhiều tổ chức nổi tiếng nhất đặt lợi ích của họ lên trên khách hàng và vẫn cung cấp các dịch vụ vay vốn dù người đi vay không đủ điều kiện đảm bảo. Nhiều người nhận định đây là hậu quả của hành vi liều lĩnh, chưa bao giờ tiến hành tự phân tích phê bình về hành động của mình bởi các cá nhân hoặc tổ chức liên quan dẫn đến những hệ quả tiêu cực.
-
Đầu tư vào tương lai
Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, lãi suất thấp hơn, ngân hàng trung ương mua trái phiếu, nới lỏng định lượng (QE) và sự gia tăng của cổ phiếu FAANG đã làm tăng thêm giá trị cho thị trường chứng khoán toàn cầu. Việc Ngân hàng Trung ương kết hợp hạ lãi suất với nới lỏng định lượng để tăng cung tiền và giảm bớt áp lực lên hệ thống ngân hàng. Điều này giúp nền kinh tế có thể trụ vững hơn trước tác động của các cuộc khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế.
Bài viết hi vọng đã cung cấp được cái nhìn tổng thể về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 và đem đến cho người đọc những câu chuyện cụ thể xoay quanh sự kiện. Cuộc Đại suy thoái xảy ra đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn người và để lại hậu quả lâu dài về sau. Các biện pháp nhanh chóng, chưa từng có và đôi khi hơi cực đoan đã được chính phủ và Cục Dự trữ Liên bang đưa ra để ngăn chặn khủng hoảng, đồng thời thực hiện các cải cách để ngăn chặn thảm họa về sau. Tuy nhiên hệ lụy của nó là không thể tránh khỏi và những bài học đắt giá đã được rút ra. Đây sẽ là một sự kiện để lại nhiều câu chuyện và là lời nhắc nhở để tránh lặp lại những sai sót và chủ quan một lần nữa.
Đọc thêm: