theblock101

    Tổng hợp các thuật ngữ quan trọng đáng chú ý trong thị trường DeFi

    ByVitNhoNho17/12/2023
    DeFi đã trở thành một phần không thể thiếu trong crypto, mang đến những khái niệm và công nghệ mới đầy tiềm năng. Từ "hợp đồng thông minh" đến "thị trường tự động (AMM)" và "vay/lãi suất phi tập trung (Decentralized lending/borrowing)", chúng ta sẽ khám phá các thuật ngữ quan trọng này và hiểu rõ hơn về cơ sở hạ tầng và cách thức hoạt động của DeFi.
    Tổng hợp các thuật ngữ quan trọng đáng chú ý trong thị trường DeFi
    Tổng hợp các thuật ngữ quan trọng đáng chú ý trong thị trường DeFi

    1. DeFi (Tài chính phi tập trung)

    DeFi (Decentralised Finance) là tài chính phi tập trung, trong đó các dịch vụ tài chính được cung cung cấp thông qua các nền tảng phi tập trung, dựa trên công nghệ blockchain và hợp đồng thông minh (smart contract). DeFi cho phép người dùng thực hiện các dịch vụ tài chính truyền thống nhưng không cần qua bên trung gian như ngân hàng, chính phủ hoặc tổ chức tài chính khác mà các giao dịch đó sẽ được tự thực hiện hoàn toàn thông qua hợp đồng thông minh.

    2. Blockchain (Chuỗi khối)

    Blockchain là một hệ thống có các mắt xích là các khối được lưu trữ công khai trên mạng theo thứ tự thời gian hay còn gọi là “sổ cái”. Hệ thống này được chi sẻ giữa tất cả người dùng bitcoin. Chuỗi các khối được sử dụng để kiểm chứng các giao dịch và chống double-spending (chi tiêu 2 lần cùng 1 số tiền).

    Ví dụ Bitcoin, Ethereum, Near, Solana là blockchain.

    3. Hệ sinh thái (Ecosystem)

    Hệ sinh thái" (ecosystem) được sử dụng để chỉ một mạng lưới hoặc một hệ thống gồm các dự án, ứng dụng, giao thức, người dùng và tài sản số liên kết với nhau.

    Hệ sinh thái crypto bao gồm các thành phần khác nhau như các dự án tiền điện tử, sàn giao dịch, ví tiền điện tử, giao thức DeFi, ứng dụng phi tập trung (dApps), nhà phát triển, người dùng và cộng đồng. Các thành phần này tương tác với nhau và tạo ra một môi trường phức tạp và đa dạng.

    4. Wallet (Ví)

    Ví tiền điện tử dùng để lữ trữ các đồng tiền điện tử. Có hai loại ví phổ biến là ví cứng và ví mềm.

    • Ví cứng là một thiết bị vật lý được thiết kế đặc biệt để bảo mật và bảo vệ các khóa riêng tư và thông tin giao dịch của bạn. Ví cứng hoạt động ngoại tuyến (offline), tức là không kết nối với internet, giúp ngăn chặn các mối đe dọa trực tuyến như phần mềm độc hại hoặc tấn công mạng.

    Ví cứng thường có một màn hình để bạn có thể xác nhận các giao dịch trên thiết bị trực tiếp. Khi thực hiện giao dịch, bạn sẽ cần kết nối ví cứng vào máy tính hoặc thiết bị di động và sử dụng mã PIN hoặc chữ ký số để xác thực các giao dịch. Ví cứng được coi là một trong những phương pháp lưu trữ an toàn nhất cho tiền điện tử.

    Ví dụ về ví cứng là Ledger Nano S hoặc Trezor Model T.

    • Ví mềm là một phần mềm được cài đặt trên máy tính, trình duyệt hoặc thiết bị di động để lưu trữ và quản lý các loại tiền điện tử. Ví mềm có thể được kết nối với internet và cho phép bạn thực hiện các giao dịch trực tiếp từ máy tính hoặc thiết bị di động của mình.

    Ví dụ về ví mềm là MetaMask, Coin98 wallet, Trust Wallet, Phantom Wallet…

    Cả ví cứng và ví mềm đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, và việc lựa chọn loại ví phù hợp phụ thuộc vào nhu cầu và mức độ an ninh mà bạn mong muốn.

    5. Bridge

    Bridge" (cầu nối) được sử dụng để chỉ các công nghệ hay giao thức kết nối hai blockchain khác nhau để chúng có thể tương tác và trao đổi dữ liệu hoặc tài sản.

    Ví dụ về Bridge:

    • Rainbow Bridge là cầu nối giúp người dùng chuyển tài sản giữa Near, Auroa và Ethereum.
    • The Aptos Bridge là cầu nối giúp người dùng chuyển tài giữa Aptos, Ethereum, BNB chain, Optimis và Arbitrum.
    • Mayan Finance là cầu nối giúp người dùng chuyển tài sản giữa Solana, Ethreum, BNB chain, Arbitrum.
    • Stargate là cầu nối xuyên chuỗi giúp người dùng chuyển tài sản quan lại giữa hầu hết các chain.

    6. Coin

    Coin là đồng tiền điện tử được phát hành trên một blockchain riêng biệt và hoạt động độc lập. Coin sở hữu các tính năng cơ bản của tiền tệ fiat, ra đời với mục đích giải quyết các vấn đề thanh toán, tài chính, bảo mật, phát triển ứng dụng… của chính blockchain đó.

    Nói một cách đơn giản thì coin là gì? Coin là đồng tiền điện tử được phát hành trên một blockchain.

    Mỗi blockchain chỉ có 1 đồng coin duy nhất.

    Ví dụ:

    • Bitcoin có đồng coin là BTC.
    • Ethereum có đồng coin là Ether (ETH).
    • BNB Chain có đồng coin là BNB.

    7. Token

    Token là đồng tiền điện tử được phát hành và hoạt động trên nền tảng blockchain của các dự án có sẵn hoặc của bên thứ ba. Token không sở hữu blockchain riêng.

    Trong khi các đồng coin được mô phỏng như tiền tệ truyền thống, các token tương tự như tài sản hoặc có thể hiểu như giấy tờ sở hữu. Token có thể được mua, bán và giao dịch như coin, tuy nhiên token không được sử dụng như một phương tiện thanh toán hoặc trao đổi.

    Ví dụ:

    • Uniswap phát hành UNI token trên mạng lưới Ethereum.
    • Chainlink phát hành LINK token trên mạng lưới Ethereum.
    • Uniswap và Chainlink không có blockchain riêng.

    8. Địa chỉ ví (Address)

    Địa chỉ ví (address) trong lĩnh vực tiền điện tử là một chuỗi ký tự đại diện cho một vị trí trên mạng blockchain. Nó là một địa chỉ duy nhất được sử dụng để nhận và gửi các loại tiền điện tử, như Bitcoin, Ethereum, hoặc các token khác.

    Mỗi địa chỉ ví là duy nhất và được tạo ra thông qua quá trình mã hóa và băm dữ liệu từ khóa công khai (public key) của người dùng. Địa chỉ ví thường được biểu diễn dưới dạng một chuỗi ký tự số và chữ cái, ví dụ: "1A1zP1eP5QGefi2DMPTfTL5SLmv7DivfNa" cho địa chỉ ví Bitcoin.

    Địa chỉ ví thường được sử dụng để nhận và gửi các khoản thanh toán. Khi một người muốn gửi tiền điện tử cho bạn, họ chỉ cần biết địa chỉ ví của bạn và gửi số tiền tương ứng đến địa chỉ đó. Địa chỉ ví cũng có thể được sử dụng để xem thông tin giao dịch liên quan đến ví đó trên khối blockchain.

    9. Domain name

    Domain name trong crpto là tên miền đại diện cho địa chỉ ví. Domain name giúp địa chỉ ví trở nên dễ nhớ thuận tiện trong việc giao dịch. Domain name có thể giao dịch trên chợ NFT.

    Một số dự án cung cấp dịch vụ domain name: ENS, SpaceID…

    10. Stablecoin

    Stablecoin là một loại tiền điện tử được thiết kế để giữ giá trị ổn định và ít biến động so với tiền tệ truyền thống như đồng USD, EUR hoặc JPY. Mục tiêu của stablecoin là cung cấp một phương tiện thanh toán và lưu trữ giá trị ổn định trong hệ sinh thái tiền điện tử.

    Các loại stablecoin phổ biến:

    • Tethered/Backed Stablecoin: Loại stablecoin này được đảm bảo bằng các tài sản truyền thống như tiền mặt hoặc vàng. Mỗi đơn vị stablecoin có một tài sản phía sau nó để đảm bảo giá trị ổn định. Ví dụ phổ biến nhất của loại stablecoin này là Tether (USDT), mỗi đồng USDT được đảm bảo bằng đô la Mỹ.
    • Algorithmic Stablecoin: Loại stablecoin này không dựa trên tài sản truyền thống mà sử dụng các thuật toán và cơ chế điều chỉnh để đảm bảo giá trị ổn định. Điều này có thể bao gồm việc tăng hoặc giảm cung tiền điện tử dựa trên cung cầu và các chỉ số khác.
    • Hybrid Stablecoin: Loại stablecoin này kết hợp cả các yếu tố đảm bảo và thuật toán. Ví dụ về loại stablecoin này là USD Coin (USDC), stablecoin được liên kết với USD và được xác minh bởi các tài khoản ngân hàng và kiểm toán độc lập.

    11. Burn (Đốt coin)

    Burn (đốt coin) là một số lượng token được gửi đến một địa chỉ không thể truy cập hoặc không thể chiếm được, làm cho token đó không thể sử dụng hoặc giao dịch được nữa. Địa chỉ này gọi là địa chỉ burn.

    Địa chỉ burn thường là một địa chỉ được tạo ra mà không có khóa riêng tư tương ứng, do đó không ai có khả năng truy cập vào token được gửi đến địa chỉ đó.

    12. Testnet

    Testnet (Mạng thử nghiệm) là một phiên bản thử nghiệm của mạng chính, nơi mà các bạn sẽ được trải nghiệm thử giao dịch, tính năng.

    Testnet đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và kiểm tra các ứng dụng và tính năng trước khi triển khai chúng trên mạng chính.

    Token Testnet trong Testnet, người dùng sử dụng token không có giá trị thực sự. Các token này thường có tên gọi riêng, ví dụ như "tETH" (Ethereum Testnet Ether). Những token này không thể đổi thành tiền thật và không thể sử dụng ngoài mạng thử nghiệm.

    Testnet có thể trải qua các cập nhật và thay đổi thường xuyên để kiểm tra tính ổn định của mạng và tính năng của phiên bản mới của phần mềm blockchain. Như vậy cho phép nhà phát triển và cộng đồng thử nghiệm các tính năng mới mà không cần lo lắng về ảnh hưởng đến Mainnet.

    Ví dụ về mạng testnet:

    • Avalanche Fuji Testnet
    • Polygon Mumbai Testnet
    • Aurora Testnet
    • Goerli Testnet

    13. Mainnet

    Mainnet hiểu đơn giản là mạng chính của một dự án blockchain. Đây là nơi mà các giao dịch và ứng dụng hoạt động thực tế, và tất cả mọi người thực hiện các giao dịch thật sự trên Mainnet sẽ tác động đến tài sản và tiền thực.

    Ví dụ về các chuỗi Mainnet:

    • Ethereum Mainnet
    • BNB Chain
    • Avalanche Network C-chain
    • Sui
    • Aptos

    14. Faucet

    Faucet là hành động yêu cầu cấp phép để nhận một lượng coin/token thử nghiệm nhất định từ phía đội ngũ dự án trong giai đoạn testnet hoặc devnet. Điều này giúp người dùng trải nghiệm và làm quen các sản phẩm công nghệ mới một cách dễ dàng và không rủi ro.

    Một số website Crypto Faucet:

    15. DEX

    Sàn DEX hay Decentralized Exchange (Giao dịch phi tập trung) là nền tảng giao dịch tiền điện tử mà không cần sự can thiệp của một bên thứ ba trung gian. Trong DEX, các giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa người mua và người bán thông qua các smart contract và các giao thức blockchain.

    Sàn DEX ra đời, không cần sự can thiệp của bên thứ 3 trung gian nào cả, người giao dịch ẩn danh, không cần KYC, sử dụng công nghệ blockchain, bảo mật cao và khó bị hack.

    Một số sàn DEX nổi bật hiện nay: Uniswap, PancakeSwap, QuickSwap, DODO.

    16. Yield Farming

    Yield Farming là một hình thức để người dùng kiếm thu nhập thụ động bằng cách cung cấp tính thanh khoản. Bằng cách gửi tiền điện tử cho các pool thanh khoản DeFi hoặc các pool staking.

    17. Lending và Borrowing (Vay và cho vay)

    Lending (cho vay) là quá trình cung cấp tiền hoặc tài sản số của bạn thông qua một giao thức DeFi hoặc hệ thống tài chính phi tập trung khác để cho người khác vay mượn. Điều này cho phép bạn kiếm lãi suất từ việc cung cấp vốn của mình.

    Borrowing (vay mượn) là quá trình vay tiền hoặc tài sản số từ một giao thức DeFi hoặc một hệ thống tài chính phi tập trung khác mà không cần phải thông qua các bên trung gian truyền thống như ngân hàng.

    Trong defi, hoạt động lending và borrowing lending" đều được thực hiện trên hợp đồng thông minh.

    Một số các dự án Lending nổi bật: AAVE (AAVE), Venus (XVS), Radiant (RDNT)…

    18. Derivatives

    Trong lĩnh vực tiền điện tử, derivatives (phái sinh) là các hợp đồng tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá trị của một tài sản tiền điện tử cụ thể hoặc các chỉ số tiền điện tử. Các derivatives trong crypto được tạo ra để cho phép các nhà đầu tư và người dùng tham gia vào các hoạt động giao dịch phức tạp và quản lý rủi ro trong thị trường tiền điện tử.

    Một số loại derivatives trong crypto bao gồm:

    • Cryptocurrency Futures: Đây là các hợp đồng mua bán tài sản tiền điện tử với giá trị và thời gian giao dịch được xác định trước. Hợp đồng tương lai tiền điện tử cho phép các nhà đầu tư mua hoặc bán các tài sản tiền điện tử với giá cố định trong tương lai, giúp họ bảo vệ và đầu tư vào tiền điện tử mà không cần sở hữu trực tiếp tài sản đó.
    • Cryptocurrency Options: Tùy chọn tiền điện tử cho phép người mua có quyền, nhưng không bắt buộc, mua hoặc bán một tài sản tiền điện tử ở một mức giá và một thời điểm nhất định. Tùy chọn tiền điện tử được sử dụng để đặt cược và bảo vệ chống lại biến động giá của tiền điện tử.

    Một số dự án Derivatives nổi bật: DYDX, GMX, Synfutures…

    19. Launchpad

    Launchpad là một nền tảng gọi vốn được xây dựng trên các sàn CEX, và DEX, hoặc được xây dựng bởi chính dự án, giúp các dự án crypto quảng bá và gọi vốn.

    Điều thu hút nhà đầu tư tham gia Launchpad chính là kỳ vọng về lợi nhuận cao. Nhiều token đã có giá list sàn gấp vài chục lần so với giá Launchpad, và mức giá ATH có thể lên tới x100 hoặc x1000 lần ví dụ như GRT, Flow.

    20. Pool Liquidity (Hồ thanh khoản)

    Pool Liquidity trong DeFi thường được hiểu là quá trình kết hợp các tài sản số khác nhau vào một "pool" (hồ chứa) để tạo ra sự thanh khoản và khả năng trao đổi trong một giao thức DeFi.

    Trong DeFi, các giao thức sử dụng mô hình AMM (Automated Market Maker) để tạo ra các thị trường phi tập trung. Các thị trường này được tạo ra bằng cách kết hợp các tài sản số trong các cặp giao dịch, ví dụ như ETH/DAI hoặc USDT/USDC, vào các hồ chứa thanh khoản.

    21. Staking

    Staking" trong DeFi (Decentralized Finance) là quá trình khóa (lock) một số lượng tài sản số trong một giao thức DeFi hoặc một hệ thống tài chính phi tập trung để đóng góp vào hoạt động của mạng và nhận được phần thưởng hoặc lợi nhuận.

    Việc tham gia vào quá trình staking cũng có rủi ro, bao gồm rủi ro thay đổi giá trị tài sản, rủi ro mất mát tài sản, rủi ro kỹ thuật và rủi ro mạng. Người tham gia cần cân nhắc và hiểu rõ các rủi ro và điều kiện của việc tham gia staking trong các giao thức DeFi trước khi tham gia.

    22. TVL

    TVL là viết tắt của "Total Value Locked" (Tổng giá trị đã khóa). Đây là một chỉ số thường được sử dụng trong lĩnh vực tài chính phi tập trung (DeFi) để đo lường tổng giá trị của tài sản số đã được khóa trong một giao thức DeFi hoặc một hệ thống tài chính phi tập trung cụ thể.

    TVL thường được tính bằng tổng giá trị của các tài sản số (thường là các token) đã được khóa trong hợp đồng thông minh hoặc giao thức DeFi. Các tài sản này thường được sử dụng để cung cấp thanh khoản, cho vay, hoặc thực hiện các hoạt động khác trong DeFi. TVL thể hiện sự quy mô và phạm vi của hoạt động tài chính phi tập trung trong hệ sinh thái DeFi.

    Một số trang giúp kiểm tra TVL: DefiLlama, DappRadar

    23. Airdrop

    Airdrop là một hoạt động phân phối coin/token của một dự án cho cộng đồng, thường là các dự án mới ra mắt token. Đây là cách để họ thu hút sự chú ý của cộng đồng và giới thiệu dự án đến nhiều người hơn.

    24. Retroactive

    Retroactive là hoạt động người dùng tham gia trải nghiệm sử dụng các tính năng sản phẩm của một dự án crypto nhằm tìm kiếm cơ hội nhận airdrop từ dự án.

    25. IDO

    IDO là viết tắt của "Initial DEX Offering" (Phát hành ban đầu trên Sàn giao dịch phi tập trung). Đây là một phương thức phát hành token mà các dự án tiền điện tử mới sử dụng để gọi vốn trực tiếp từ người dùng thông qua sàn giao dịch phi tập trung (DEX).

    Phương thức IDO giúp các dự án tiền điện tử mới thu vốn và tăng tính thanh khoản ngay từ giai đoạn đầu. Nó cũng cung cấp cơ hội cho cộng đồng người dùng tiềm năng để tham gia sớm vào dự án và mua token với giá ban đầu.

    Tuy nhiên, việc tham gia vào IDO cũng có rủi ro, bao gồm rủi ro thị trường, rủi ro tài sản và rủi ro kỹ thuật. Người tham gia nên tự tìm hiểu kỹ về dự án, token và cân nhắc các rủi ro trước khi tham gia một IDO.

    26. Hợp đồng thông minh (Smart contract)

    Hợp đồng thông minh (Smart Contract) là các chương trình lập trình đặc biệt, chạy trên nền tảng blockchain, được thiết kế để thực hiện và tự động hóa các giao dịch và hành động theo bộ quy tắc cụ thể. Smart Contract hoạt động dựa trên bộ quy tắc và điều khoản mà người lập trình đã viết sẵn, và khi điều kiện được đáp ứng, nó sẽ tự động thực thi các hành động đã được quy định.

    27. Gas fee

    Gas fee" là chi phí được trả cho việc thực hiện các giao dịch hoặc thực hiện các hoạt động trên một mạng blockchain.

    Hầu hết các blockchain công cộng như Ethereum sử dụng mô hình đặt giá dựa trên gas để quản lý tài nguyên mạng và đảm bảo tính chính xác và an toàn của giao dịch. Gas fee đại diện cho số lượng tài nguyên mạng (như tính toán và lưu trữ) mà một giao dịch hoặc hoạt động yêu cầu.

    Gas fee thường được trả bằng một số lượng token native của mạng blockchain đó. Ví dụ, trên Ethereum, gas fee được trả bằng Ether (ETH). Người dùng phải có đủ số lượng token này trong ví của họ để trả gas fee khi thực hiện giao dịch.

    Mức độ gas fee thay đổi theo thời gian và tình trạng mạng. Khi mạng quá tải hoặc có nhiều giao dịch cạnh tranh, gas fee có thể tăng cao, trong khi khi mạng trống rỗng, gas fee có thể giảm.

    28. DApps

    DApps (Decentralized Applications) là các ứng dụng phi tập trung hoạt động trên các mạng blockchain hoặc các nền tảng tiền điện tử khác. Đặc điểm của DApps là chúng được xây dựng và triển khai trên mạng phi tập trung, không phụ thuộc vào một bên tổ chức trung gian duy nhất.

    29. DAO

    DAO (Decentralized Autonomous Organization) là một hình thức tổ chức phi tập trung hoạt động dựa trên các nguyên tắc và quy tắc được xây dựng trong một mạng blockchain hoặc một nền tảng tiền điện tử khác. Một DAO được thiết kế để hoạt động mà không cần sự can thiệp của các bên trung gian truyền thống và dựa vào các hợp đồng thông minh (smart contracts) và cơ chế bỏ phiếu để đưa ra các quyết định và thực hiện các hoạt động.

    30. ATH

    ATH là viết tắt của cụm từ "All-Time High" được sử dụng để chỉ đến mức giá cao nhất mà một tài sản hoặc một thị trường đã từng đạt được trong quá khứ.

    Ví dụ, đồng BTC đạt 100k điều đó có nghĩa là giá của BTC đó đã vượt qua mọi mức giá cao trước đó và đạt đến mức giá cao nhất trong lịch sử của nó.

    31. ATL

    ATL là viết tắt của cụm từ "All-Time Low” là mức giá thấp nhất mà một đồng coin hoặc thị trường đã từng đạt được trong quá khứ.

    32. Scam

    Scam để chỉ các hành động gian lận. Scam coin, còn được gọi là đồng coin lừa đảo, là một loại tiền điện tử không có giá trị thực và được tạo ra với mục đích lừa đảo người dùng để lấy đi tài sản của họ.

    33. Shitcoin

    Shitcoin là một thuật ngữ trong cộng đồng tiền điện tử được sử dụng để chỉ đến các đồng coin có ít hoặc không có giá trị thực và không có tiềm năng phát triển. Thuật ngữ này thường được sử dụng để miêu tả những đồng coin không đáng tin cậy, không ổn định hoặc không có sự hỗ trợ từ cộng đồng và các sàn giao dịch.

    34. Seed phrase

    Seed phrase (còn được gọi là recovery phrase, mnemonic phrase hoặc backup phrase) là một chuỗi từ ngẫu nhiên được tạo ra để đại diện cho khóa bí mật của một ví tiền điện tử. Seed phrase được sử dụng để khôi phục và khôi phục lại ví tiền điện tử của bạn trong trường hợp mất điện thoại, hỏng máy tính hoặc sự cố khác.

    Seed phrase thường bao gồm 12, 18 hoặc 24 từ được chọn từ một danh sách từ (thông thường là danh sách BIP39). Các từ trong seed phrase được sắp xếp theo thứ tự cụ thể và phải được ghi lại và bảo mật cẩn thận. Với seed phrase, bạn có thể khôi phục lại tất cả các địa chỉ ví, khóa riêng tư và thông tin giao dịch của mình.

    Quan trọng nhất, seed phrase là khóa bí mật cho tài sản tiền điện tử của bạn. Do đó, nó cần được giữ bí mật và an toàn. Bạn nên ghi lại seed phrase trên một vật chất không bị hỏng, như một tờ giấy và lưu trữ nó ở một nơi an toàn, xa rời các nguồn nguy cơ như đánh cắp hoặc hỏng hóc. Đồng thời, tránh chia sẻ seed phrase của bạn với bất kỳ ai, bởi vì người khác có thể sử dụng nó để truy cập và đánh cắp tài sản của bạn trong ví tiền điện tử.

    35. Whitelist

    Whitelist (danh sách trắng) là một danh sách các địa chỉ ví hoặc người dùng được phép tham gia vào một sự kiện nào đó ví dụ tham gia ido, mint nft hoặc tham gia một hệ thống giao dịch cụ thể.

    36. Whitepaper

    Whitepaper (sách trắng) là một tài liệu chi tiết mô tả về một dự án tiền điện tử hoặc một giao thức blockchain. Nó thường được viết bởi nhóm phát triển hoặc người sáng lập dự án để giới thiệu ý tưởng, mục tiêu, cấu trúc kỹ thuật và cách thức hoạt động của dự án.

    Whitepaper giúp cung cấp thông tin kỹ thuật, kinh doanh và pháp lý liên quan đến dự án và có thể bao gồm các phần như:

    • Tóm tắt (Abstract): Một tóm tắt ngắn gọn về dự án và các khía cạnh quan trọng của nó.
    • Vấn đề (Problem): Mô tả vấn đề hoặc thách thức mà dự án đang cố gắng giải quyết.
    • Giải pháp (Solution): Trình bày cách mà dự án đề xuất giải quyết vấn đề đã được đề cập bằng việc sử dụng công nghệ blockchain hoặc các phương pháp khác.
    • Cấu trúc kỹ thuật (Technical Architecture): Mô tả cấu trúc kỹ thuật của dự án, bao gồm các thuật toán, giao thức và cơ chế hoạt động.
    • Mô hình kinh doanh (Business Model): Trình bày mô hình kinh doanh của dự án, bao gồm cách mà dự án sẽ tạo ra giá trị và thu nhập.
    • Lợi ích và ứng dụng (Benefits and Applications): Mô tả các lợi ích và ứng dụng của dự án trong lĩnh vực cụ thể.
    • Lịch sử và đội ngũ phát triển (History and Development Team): Giới thiệu về lịch sử của dự án và thành viên trong đội ngũ phát triển.

    Whitepaper thường là một tài liệu quan trọng để nhà đầu tư và cộng đồng có thể đánh giá và hiểu rõ về dự án. Nó cung cấp một cơ sở để đánh giá tính khả thi, tiềm năng và công nghệ của một dự án tiền điện tử.

    37. Shill

    Shill được sử dụng để chỉ việc quảng cáo hoặc đẩy mạnh một đồng tiền điện tử hoặc dự án một cách không trung thực hoặc thiếu minh bạch. Một người "shill" là người thực hiện hành động này.

    Thường thì "shill" sẽ tạo ra những bài đăng hoặc thông điệp tích cực về một đồng tiền điện tử cụ thể, có thể là trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhóm Telegram hoặc kênh YouTube. Mục đích của việc "shill" là tạo ra một cảm giác tích cực về đồng tiền điện tử đó và thuyết phục nhà đầu tư khác mua vào hoặc tham gia vào dự án đó.

    38. DYOR

    DYOR khuyến khích người dùng tự tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ về một đồng tiền điện tử, dự án hoặc cơ hội đầu tư trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Thay vì chỉ dựa vào thông tin từ nguồn không tin cậy hoặc lời khuyên từ người khác, DYOR gợi ý rằng bạn nên tự mình làm rõ thông tin và đánh giá rủi ro.

    Khi thực hiện DYOR, bạn có thể:

    • Đọc whitepaper: Nghiên cứu tài liệu chính thức của một dự án tiền điện tử để hiểu về mục tiêu, công nghệ và kế hoạch của dự án.
    • Tìm hiểu về đội ngũ phát triển: Xem xét kinh nghiệm và thành tựu của đội ngũ, đảm bảo rằng họ có đủ năng lực để thực hiện dự án.
    • Kiểm tra sự phù hợp với thị trường: Xem xét cách mà dự án hoặc đồng tiền điện tử phù hợp với nhu cầu và xu hướng của thị trường.
    • Đánh giá cạnh tranh: Tìm hiểu về các dự án hoặc đồng tiền điện tử cạnh tranh và so sánh để có cái nhìn tổng quan về thị trường.
    • Theo dõi tin tức và diễn đàn: Đọc các tin tức, bài viết, diễn đàn và sự kiện liên quan để cập nhật thông tin mới nhất về dự án hoặc đồng tiền điện tử.

    Đọc thêm:

    Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính. Tham gia nhóm chat Bigcoinchat để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường.

    Thảo luận thêm tại

    Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

    Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

    Twitter: https://twitter.com/BigcoinVN 

    VitNhoNho

    VitNhoNho

    Một người yêu thích crypto, liên tục học hỏi, tìm hiểu những nội dung mới nhất trên thị trường

    5 / 5 (1Bình chọn)

    Bài viết liên quan