theblock101

    Ray Dalio: Thế giới đang đối mặt với sự sụp đổ "chỉ có một lần trong đời" về trật tự kinh tế

    ByDuyên Trần11/04/2025
    Trong một tuyên bố đáng chú ý trên nền tảng X gần đây, huyền thoại đầu tư Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, đã lên tiếng cảnh báo về một sự thay đổi chưa từng có trong trật tự tiền tệ, kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Ông gọi đây là “một sự sụp đổ chỉ có một lần trong đời” – một bước ngoặt mà phần lớn các nhà đầu tư hiện nay đang xem nhẹ khi chỉ chú ý đến các yếu tố ngắn hạn như thuế quan.  

    1. Bức tranh lớn hơn: Trật tự toàn cầu đang bị phá vỡ

    Theo Dalio, thế giới hiện nay đang đứng trước một chu kỳ điều chỉnh mang tính hệ thống, không chỉ về kinh tế mà còn về quyền lực chính trị. Trong bối cảnh toàn cầu hóa suy yếu, sự mất cân bằng giữa thâm hụt thương mại và dòng vốn đang đe dọa làm đảo lộn nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu.

    Dalio chỉ ra rằng:

    • Mỹ đang phụ thuộc vào nợ để duy trì chi tiêu vượt mức, trong khi các quốc gia như Trung Quốc thì lệ thuộc vào việc bán hàng hóa sang Mỹ.

    • Sự mất cân đối này không thể kéo dài mãi. Một khi nó bị điều chỉnh, trật tự tiền tệ – và cả địa chính trị – sẽ thay đổi một cách sâu sắc.

    Ông nhấn mạnh: “Không thể có một hệ thống ổn định khi bạn vừa có thâm hụt thương mại lớn, vừa có thâm hụt vốn, lại còn trong một thế giới đang phi toàn cầu hóa”.

    2. Donald Trump và “vũ khí ruột” – chính sách thuế quan

    cac nuoc phan ung khi chinh quyen ong trump ap thue doi ung voi hang chuc nen kinh te hinh anh 1

    Giữa bối cảnh bất ổn đó, Donald Trump nổi lên không chỉ như một nhân tố gây tranh cãi mà còn là chất xúc tác thúc đẩy sự điều chỉnh hệ thống. Dù thường bị chỉ trích vì các quyết sách gây sốc, Trump luôn thể hiện rằng mỗi bước đi của ông đều có chủ đích – và thuế quan là một công cụ trung tâm, nó sẽ là thứ “làm nước Mỹ trở nên giàu có”.

    Từ thập niên 1980, khi còn là doanh nhân bất động sản, Trump đã phản đối mạnh mẽ hệ thống thương mại toàn cầu. Trong cuốn The Art of the Deal, ông cho rằng Mỹ đang bị các quốc gia khác "lợi dụng" vì chính sách ngoại giao yếu kém.

    • Ông xem thương mại quốc tế là một “zero-game”, trong đó không có bạn – chỉ có đối thủ.

    • Tư tưởng này đã ăn sâu và trở thành kim chỉ nam cho chính sách kinh tế của Trump sau này: “Nước Mỹ trên hết” (America First).

    Theo PGS.TS Hồ Quốc Tuấn (ĐH Bristol, Anh), chính quyền Trump triển khai chính sách thuế quan không chỉ vì mục tiêu kinh tế, mà còn phục vụ các mục tiêu sâu xa hơn:

    • Giành lại lợi thế thương mại: Trump sử dụng thuế quan để tấn công vào những ngành Mỹ bị thâm hụt nặng như thép, nhôm, chip... đặc biệt là với Trung Quốc.

    • Tăng nguồn thu ngân sách: Trong khi cắt giảm thuế nội địa, Trump vẫn cần bù đắp thâm hụt ngân sách. Thuế quan được xem là nguồn thu hiệu quả – ước tính có thể đạt đến 600 tỷ USD mỗi năm.

    • Dùng thuế quan như đòn bẩy đàm phán: Trump tận dụng thuế quan không chỉ để điều chỉnh cán cân thương mại, mà còn như một công cụ ép buộc nhượng bộ chính trị – từ vấn đề fentanyl với Mexico đến đàm phán với Việt Nam.

    Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn, có thể thấy Trump không chỉ muốn “giải quyết thâm hụt thương mại” mà còn đang chơi một ván cờ lớn hơn:

    1 - Tái cấu trúc hệ thống kinh tế toàn cầu

    Trump nhìn nhận toàn cầu hóa là một trò chơi “zero-sum” – một bên thắng thì bên kia phải thua. Trong cách tiếp cận này, Mỹ không nên là quốc gia mở cửa vô điều kiện để các nước khác xuất siêu, trong khi bản thân lại chìm trong thâm hụt và nợ nần. Đó là lý do ông luôn cho rằng nước Mỹ đang bị “lợi dụng” trong hệ thống thương mại hiện hành.

    Với các chính sách thuế quan mạnh tay, Trump không chỉ muốn tạo áp lực lên các đối tác như Trung Quốc, Việt Nam, hay EU mà còn muốn tái định hình lại trật tự kinh tế – theo hướng khiến các quốc gia khác phụ thuộc vào thị trường Mỹ, thay vì ngược lại. Ông muốn Mỹ trở thành trục xoay của chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu, nơi mọi quốc gia phải “đàm phán lại” trên nền tảng mới do Mỹ đặt ra.

    Đây là một cuộc chơi dài hơi, không đơn thuần là điều chỉnh số liệu thương mại ngắn hạn, mà là thiết lập lại quyền lực trong hệ thống toàn cầu, với Mỹ ở vị trí không thể thay thế.

    2 - Tạo khủng hoảng có kiểm soát để buộc Fed hạ lãi suất

    Một luận điểm ít được nói đến nhưng lại rất đáng chú ý: Trump có thể đang sử dụng biến động thị trường như một công cụ chính trị nhằm tác động đến chính sách tiền tệ.

    Kịch bản có thể được hình dung như sau:

    • Áp thuế quan → thị trường tài chính rúng động, đặc biệt là thị trường chứng khoán.

    • Khi cổ phiếu lao dốc, dòng tiền chuyển sang trái phiếu chính phủ – kênh an toàn hơn trong mắt nhà đầu tư.

    • Nhu cầu mua trái phiếu tăng → giá trái phiếu tăng → lợi suất trái phiếu giảm.

    • Lợi suất giảm đồng nghĩa với việc chi phí vay của Chính phủ Mỹ giảm, đặc biệt quan trọng khi nợ công hiện đã vượt 35.000 tỷ USD.

    Tóm lại, bằng cách tạo “khủng hoảng có kiểm soát”, Trump gián tiếp buộc Fed phải hạ lãi suất, từ đó mở đường cho một cuộc tái cấu trúc nợ công mềm mại hơn, ít đau đớn hơn. Đây là một chiến lược rất khác biệt so với cách quản trị tài chính truyền thống – nhưng không phải không có tính toán sâu xa.

    3. Kết luận

    Ray Dalio không phải là người dễ đưa ra những tuyên bố giật gân. Vì vậy, khi ông nói về một sự “sụp đổ chỉ xảy ra một lần trong đời”, đó là lời cảnh báo nghiêm túc. Trong một thế giới đang mất dần tính toàn cầu hóa, với các cường quốc ngày càng dùng chính sách đơn phương để bảo vệ lợi ích riêng, các nhà đầu tư không thể chỉ nhìn vào biểu đồ hay các dòng tweet hàng ngày – mà cần nhìn thẳng vào những chuyển động sâu hơn của lịch sử.

    Bởi trong cơn xoáy của những điều chỉnh địa chính trị, thị trường chỉ là mặt hồ – còn các thế lực vận động bên dưới mới là cơn sóng thần thực sự.

    Đọc thêm:

    Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính. Tham gia nhóm chat Bigcoinchat để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường.

    Thảo luận thêm tại

    Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

    Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

    Twitter: https://twitter.com/BigcoinVN 

    Duyên Trần

    Duyên Trần

    Content Writter of Bigcoin Vietnam - The most reliable gateway to Vietnamese market

    0 / 5 (0Bình chọn)

    Bài viết liên quan