1. Trung Quốc tăng thuế và phản công qua thị trường nợ

Ngày 11/4/2025, Ủy ban Thuế quan Trung Quốc tuyên bố nâng thuế từ 84% lên 125% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực từ 12/4/2025. Động thái này diễn ra sau khi chính quyền Trump nâng thuế đối ứng đánh lên hàng hóa Trung Quốc lên 125% hôm 10/4. Bắc Kinh chỉ trích hành động của Washington là "đơn phương, bắt nạt" và cảnh báo sẽ đáp trả đến cùng nếu Mỹ tiếp tục leo thang thuế quan.
Không chỉ dừng lại ở thuế suất, Bắc Kinh còn đang sử dụng một công cụ khác có sức ảnh hưởng sâu rộng hơn – trái phiếu chính phủ Mỹ.
Tính đến tháng 1 năm 2025, Trung Quốc nắm giữ chính thức 761 tỷ USD trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ, đứng thứ hai sau Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ước tính nếu tính cả các khoản nắm giữ gián tiếp, con số thực tế có thể lên tới gần 1.000 tỷ USD. Việc bắt đầu bán tháo lượng tài sản này đang tạo ra áp lực đáng kể lên thị trường trái phiếu Mỹ, khiến lợi suất tăng và chi phí vay của chính phủ Mỹ leo thang.
Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia kinh tế, việc bán tháo trái phiếu Mỹ có thể giúp Trung Quốc gây áp lực tài chính lên Washington, nhưng cũng đi kèm rủi ro lớn cho chính Bắc Kinh. Với tổng dự trữ ngoại hối khoảng 3.000 tỷ USD, phần lớn trong số đó là tài sản bằng USD, việc bán tháo ồ ạt không chỉ làm giảm giá trị danh mục đầu tư mà còn có thể gây hỗn loạn thị trường toàn cầu.
Ngoài ra, việc đồng Nhân dân tệ tăng giá do bán USD và mua Nhân dân tệ cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Trung Quốc – vốn là một trụ cột lớn trong nền kinh tế nước này. Điều này tạo ra thế khó khi mỗi hành động phản công đều tiềm ẩn khả năng phản tác dụng.
2. Mỹ cảnh báo Trung Quốc không nên phá giá tiền tệ, trấn an thị trường trái phiếu vẫn "bình thường"

Trước làn sóng bán tháo trái phiếu và những biến động tỷ giá gần đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã lên tiếng trấn an thị trường. Ông cho rằng hiện tượng này chỉ là một “cơn co giật” trong quá trình giảm đòn bẩy của một số nhà đầu tư sử dụng vốn vay cao, không mang tính hệ thống.
Tuy nhiên, ông cũng không bỏ qua việc gửi thông điệp cứng rắn đến Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng Trung Quốc không nên lợi dụng việc phá giá đồng tiền để đối phó với chính sách thuế của Mỹ.
Cảnh báo này xuất hiện đúng lúc đồng Nhân dân tệ trượt xuống mức thấp nhất trong gần 17 năm, đạt 7.35 CNY đổi 1 USD – sát mức đáy được ghi nhận lần cuối vào tháng 12/2007. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng đã liên tiếp ấn định tỷ giá tham chiếu yếu hơn trong nhiều ngày liên tiếp, khiến giới quan sát không thể loại trừ khả năng can thiệp có chủ đích nhằm hỗ trợ xuất khẩu.
3. Kịch bản Fed can thiệp: Lặp lại năm 2020?
Diễn biến thị trường trái phiếu Mỹ cho thấy mức độ nghiêm trọng của làn sóng bán tháo. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm đã tăng thêm 0.5 điểm phần trăm chỉ trong vòng một tuần – mức tăng đáng kể cho một loại tài sản vốn thường ổn định. Nếu tình trạng này kéo dài, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể buộc phải can thiệp như từng làm vào tháng 3/2020, khi bơm 1.200 tỷ USD để mua lại trái phiếu và giữ ổn định thị trường trong bối cảnh dịch COVID-19.
Tuy nhiên, hiện nay, Fed lại đối mặt thêm với áp lực từ lạm phát nếu các gói thuế mới của Mỹ làm tăng giá tiêu dùng. Điều này có thể khiến bất kỳ hành động nới lỏng nào từ Fed trở nên khó khăn hơn, và trong kịch bản xấu nhất, còn có thể gây tổn thất cho chính bảng cân đối kế toán của cơ quan này.
4. Kết luận
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung giờ đây đã vượt ra khỏi phạm vi thuế quan và lan sang cả thị trường tài chính, tạo thành một cuộc chiến tranh tiền tệ ngấm ngầm. Việc Trung Quốc sử dụng trái phiếu và tỷ giá làm công cụ phản đòn có thể tạo áp lực ngắn hạn lên Hoa Kỳ, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro tài chính lớn cho chính Trung Quốc.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục mong manh sau các cú sốc của đại dịch và lạm phát, một cuộc xung đột tài chính giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể kích hoạt những bất ổn khó lường. Khi cả hai bên đều sở hữu những “vũ khí tài chính” vừa mạnh mẽ vừa nguy hiểm, mọi bước đi đều cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh một cuộc khủng hoảng vượt tầm kiểm soát.
Đọc thêm: