theblock101

    Hedging là gì? Chiến lược phòng ngừa rủi ro biến động giá trong thị trường crypto

    ByTrang Ha17/05/2024
    Đối với các nhà đầu tư, mỗi lĩnh vực đầu tư đều đi kèm với cả lợi ích và nguy cơ. Dù có thể đạt được lợi nhuận hấp dẫn trong thời gian ngắn, nhưng cũng không tránh khỏi rủi ro không lường trước có thể dẫn đến thua lỗ. Để giảm thiểu rủi ro này, việc nắm vững kiến thức về kỹ thuật đầu tư Hedging là rất cần thiết. Vậy, Hedging là gì? Hãy cùng khám phá thêm thông tin trong bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về chiến lược quan trọng này.

    1. Hedging là gì?

    Hedging, hay còn gọi là phòng vệ giá, là phương pháp được sử dụng nhằm giảm bớt rủi ro, bảo vệ danh mục đầu tư khỏi những biến động giá không mong muốn. 

    Để thực hiện Hedging, nhà đầu tư cần mở một vị thế đối nghịch với vị thế đang nắm giữ tài sản hiện tại. Cụ thể, nhà đầu tư thực hiện giao dịch với hai lệnh đối nghịch nhau trên cùng một cặp tiền tệ với khối lượng nhất định. Trong trường hợp giá tài sản biến động ngược lại so với kỳ vọng của nhà đầu tư, Hedging sẽ tạo ra lợi nhuận để bù đắp vào phần lỗ của vị thế ban đầu. 

    Hedging là gì?
    Hedging là gì?

    Trong các chiến lược Hedging, hai nguyên tắc quan trọng cần nhớ là:

    • Hedging luôn đi đôi với giá của nó: Phòng ngừa rủi ro có thể mang lại sự yên tâm, nhưng đồng nghĩa với việc bạn phải trả giá. Một chiến lược phòng ngừa rủi ro sẽ có chi phí trực tiếp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến chi phí gián tiếp, bởi Hedging có thể hạn chế lợi nhuận của bạn.

    • Không có phương pháp Hedging nào là hoàn hảo: Hãy nhớ rằng cách phòng ngừa rủi ro đáng tin cậy nhất có thể là “không có vị thế nào” trên thị trường!

    2. Các phương pháp Hedging trong thị trường crypto

    Hedging trong thị trường crypto là một chiến lược phổ biến để quản lý rủi ro liên quan đến sự biến động của giá cả các loại tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum,... Dưới đây là một số cách thức để thực hiện chiến lược này:

    Các phương pháp Hedging trong thị trường crypto
    Các phương pháp Hedging trong thị trường crypto

    2.1. Hedging bằng công cụ phái sinh

    Các công cụ phái sinh như Futures (hợp đồng tương lai), Forwards (hợp đồng kỳ hạn), Options (hợp đồng quyền chọn), Swaps (hợp đồng hoán đổi) là những công cụ phổ biến được sử dụng để thực hiện chiến lược Hedging. Trong đó, phổ biến hơn cả là 2 công cụ Futures và Options.

    2.1.1. Hedging bằng Futures

    Futures (hợp đồng tương lai) cho phép nhà đầu tư mua hoặc bán một lượng tiền mã hóa vào một thời điểm xác định trong tương lai với mức giá đã được thỏa thuận trước. Điều này giúp nhà đầu tư khóa lãi hoặc hạn chế rủi ro giảm giá cho vị thế của mình.

    Giả sử, giá Bitcoin được dự đoán là sẽ giảm trong thời gian tới. Để thực hiện Hedging, họ có thể mở vị thế Futures theo chiều bán (short) Bitcoin với giá hiện tại để thực hiện sau 3 tháng. Nếu giá Bitcoin giảm như dự đoán, lợi nhuận từ Futures sẽ bù đắp cho phần tổn thất của Bitcoin họ nắm giữ.

    Ví dụ: Trader A sở hữu 1 BTC với giá $27,400 để giữ lâu dài. Trong ngắn hạn, giá BTC giảm xuống. Để giảm thiểu thua lỗ, Trader A mở vị thế Futures theo hướng short 1 BTC tại $27,000.

    • Trường hợp 1: Giá BTC giảm như dự đoán, chỉ còn $26,000.

      • Spot: $27,400 – $26,000 = $1,400 → lỗ 

      • Futures: $27,000 – $26,000 = $1,000 → lãi

      • Tổng kết: $1,400 – $1,000 = $400 → lỗ

    Như vậy, nếu không sử dụng Futures để Hedging, Trader A sẽ mất $1,400. Tuy nhiên, do đã mở vị thế short nên lỗ của Trader A chỉ còn $400. Dù giá BTC có tiếp tục giảm, khoản lỗ vẫn giữ nguyên ở mức $400.

    • Trường hợp 2: Giá BTC sideway và có dấu hiệu tăng trở lại, phần Spot có lợi nhuận trở lại. Trader A đóng vị thế short Futures BTC.

    2.1.2. Hedging bằng Options

    Options (hợp đồng quyền chọn) cung cấp cho nhà đầu tư quyền chọn mua (Call Options) hoặc quyền chọn bán (Put Options) một lượng tài sản tại một mức giá cố định trong một khoảng thời gian nhất định, mà không bắt buộc phải thực hiện quyền này trong tương lai. Điều này cho phép họ giảm thiểu rủi ro mà vẫn giữ cơ hội tăng giá.

    Ví dụ, một nhà đầu tư lo ngại về sự giảm giá của Ethereum. Họ mua Put Options cho Ethereum, cho phép bán tại một giá cố định trong tương lai. Khi giá Ethereum giảm dưới giá cố định, họ có thể sử dụng quyền Options để bán Ethereum với giá cao hơn thị trường.

    Options cung cấp quyền được lựa chọn thay vì nghĩa vụ phải thực hiện, mang lại tính linh hoạt trong quyết định mà không gặp rủi ro mất mát lớn. Tuy nhiên, việc mua Options đòi hỏi chi phí ban đầu và kiến thức chuyên môn để sử dụng chúng một cách hiệu quả.

    2.2. Hedging bằng đa dạng hóa danh mục đầu tư

    Đa dạng hóa danh mục đầu tư là việc đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau, bao gồm cả tiền mã hóa và tài sản truyền thống, nhằm giảm thiểu rủi ro tổng thể. Sự không tương quan giữa nhiều loại tài sản trong 1 danh mục sẽ bảo vệ danh mục đó khỏi sự biến động giá lớn của 1 tài sản cụ thể.

    Ví dụ, một nhà đầu tư có thể phân bổ tài sản vào Bitcoin, Ethereum, một số altcoins tiềm năng, cùng với cổ phiếu công nghệ và trái phiếu chính phủ. Khi giá tiền điện tử giảm, việc tăng giá của cổ phiếu hoặc sự ổn định của trái phiếu chính phủ có thể giúp cân bằng danh mục đầu tư.

    Đa dạng hóa giúp giảm thiểu rủi ro tổng thể và giảm phụ thuộc vào một loại tài sản duy nhất. Tuy nhiên, hiệu quả của việc đa dạng hóa phụ thuộc vào sự lựa chọn các loại tài sản và tỷ lệ phân bổ hợp lý.

    2.3. Hedging bằng Stablecoin

    Stablecoin là các đồng tiền mã hóa có giá trị gắn liền với một tài sản ổn định như USD, giúp thực hiện hedging hiệu quả trong ngắn hạn. 

    Ví dụ, trong một thị trường giảm giá, nhà đầu tư có thể chuyển một phần tài sản từ các đồng tiền mã hóa biến động sang Stablecoin như USD Coin (USDC) hoặc Tether (USDT), từ đó giữ giá trị tài sản ổn định.

    Stablecoin cung cấp sự ổn định và là một lựa chọn tốt để giảm rủi ro trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, việc giữ Stablecoin có thể dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội tăng giá so với việc nắm giữ các đồng tiền mã hóa khác.

    3. Ưu và nhược điểm của Hedging

    Thị trường tiền mã hóa được biết đến với biên độ biến động cao, có thể mang lại lợi nhuận lớn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro đáng kể. Vì vậy, việc sử dụng Hedging có những ưu và nhược điểm sau:

    Ưu và nhược điểm của Hedging
    Ưu và nhược điểm của Hedging

    3.1. Ưu điểm

    • Phản ứng linh hoạt trước biến động giá

    Trong thị trường tiền điện tử, biến động giá cả là điều bất kỳ nhà đầu tư nào cũng phải đối mặt. Tuy nhiên, với mức độ biến động cao và tính không dự đoán được của thị trường, nó sẽ mang lại cơ hội lớn nhưng cũng đi kèm với rủi ro lớn. Hedging cho phép nhà đầu tư đáp ứng linh hoạt với biến động này bằng cách giảm thiểu tác động tiêu cực đến danh mục đầu tư, bảo vệ chúng khỏi những thua lỗ không mong muốn.

    • Bảo vệ tài sản và tối ưu hóa đầu tư

    Hedging không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn cung cấp một nền tảng vững chắc cho quyết định đầu tư. Nhờ vào các công cụ và chiến lược Hedging, nhà đầu tư có thể bảo vệ mình khỏi biến động giá, giảm bớt tác động tiêu cực đến danh mục đầu tư và tối đa hóa lợi nhuận trong điều kiện thị trường thuận lợi.

    3.2. Nhược điểm

    • Chi phí giao dịch cao

    Mọi giao dịch Hedging đều đi kèm với chi phí, và việc sử dụng quá nhiều Hedging có thể dẫn đến chi phí giao dịch cao. Do đó, việc kiểm soát và sử dụng Hedging một cách hợp lý là cần thiết để lợi nhuận thu được có thể bù đắp được các chi phí này.

    • Đòi hỏi kinh nghiệm

    Nghiệp vụ này cũng đòi hỏi kinh nghiệm, chuyên môn cao, kiến thức sâu rộng về thị trường cũng như sự hiểu biết về các công cụ tài chính phức tạp. Nếu không có thể khiến số dư tài khoản của nhà giao dịch còn giảm xuống nhanh hơn. 

    • Thua lỗ không kiểm soát

    Mặc dù Hedging có thể giảm thiểu rủi ro, nhưng sự không kiểm soát trong việc sử dụng Hedging có thể dẫn đến thua lỗ nhiều hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong các thị trường đầu tư như chứng khoán, ngoại hối, hàng hóa và tiền điện tử. 

    4. Lưu ý khi sử dụng Hedging

    Lưu ý khi sử dụng Hedging
    Lưu ý khi sử dụng Hedging

    Khi sử dụng phương pháp Hedging, cần lưu ý một số điểm quan trọng sau:

    1. Xác định mục tiêu Hedging: Trước hết, bạn cần rõ ràng về mục tiêu của việc Hedging. Điều này không phải là để tối ưu hóa lợi nhuận, mà là để bảo vệ khỏi tổn thất tiềm ẩn. Hãy xác định rủi ro bạn muốn bảo vệ, như biến động giá, tỷ giá hoặc lãi suất.
    2. Hiểu biết về các công cụ Hedging: Cần phải hiểu rõ về các công cụ Hedging phổ biến. Mỗi công cụ có đặc điểm, chi phí và rủi ro riêng. Điều này giúp bạn chọn ra công cụ phù hợp nhất với chiến lược đầu tư của bạn.
    3. Chi phí của Hedging: Hedging có thể đi kèm với các chi phí, bao gồm phí giao dịch và chi phí mất cơ hội. Hãy cân nhắc kỹ liệu chi phí này có xứng đáng với lợi ích mà việc Hedging mang lại không.
    4. Thời điểm và quy mô của Hedging: Xác định thời điểm và quy mô phù hợp cho vị thế Hedging là rất quan trọng. Hedging quá nhiều có thể làm giảm khả năng sinh lợi của danh mục đầu tư, trong khi Hedging không đủ có thể không đem lại đủ bảo vệ.
    5. Theo dõi và điều chỉnh liên tục: Thị trường luôn thay đổi, do đó việc theo dõi thường xuyên và sẵn sàng điều chỉnh vị thế Hedging là cần thiết. Điều này bao gồm việc đóng hoặc điều chỉnh vị thế để phản ánh thay đổi trong điều kiện thị trường hoặc trong mục tiêu đầu tư của bạn.

    5. Kết luận

    Hedging không chỉ là một công cụ phòng ngừa rủi ro mà còn là một chiến lược đầu tư thông minh giúp duy trì lợi nhuận ổn định trong điều kiện thị trường đầy biến động của tiền điện tử. Điều quan trọng là phải hiểu rõ và lựa chọn sử dụng chiến lược Hedging một cách thông minh để bảo vệ vốn đầu tư và duy trì lợi nhuận ổn định.

    Đọc thêm:

    Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính. Tham gia nhóm chat Bigcoinchat để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường.

    Thảo luận thêm tại

    Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

    Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

    Twitter: https://twitter.com/BigcoinVN 

    Trang Ha

    Trang Ha

    Content Writter of Bigcoin Vietnam

    5 / 5 (1Bình chọn)

    Bài viết liên quan