theblock101

    Nợ công là gì? Nợ công tác động như thế nào lên thị trường tài chính toàn cầu?

    ByThiên Hà25/04/2024
    Trong những năm gần đây, nợ công đang là cụm từ được nhiều người quan tâm khi khiến nền kinh tế thế giới không ít lần phải chao đảo. Vậy nợ công là gì? Và tại sao nó lại được giới đầu tư toàn cầu quan tâm đến vậy? Cùng The Block101 tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé. 

    1. Khái niệm nợ công

    Nợ công là gì ? Định nghĩa nợ công.
    Nợ công là gì ? Định nghĩa nợ công.

    1.1 Nợ công là gì?

    Nợ công (tiếng Anh: Public Debt, Government Debt hay National Debt) được định nghĩa là tất cả các khoản nợ tích tụ từ các khoản vay trong nước, nước ngoài của khu vực công mà nhà nước có trách nhiệm trả nợ trực tiếp hoặc gián tiếp.

    Nợ công xuất phát từ nhu cầu chi tiêu của chính phủ; tuy nhiên không phải lúc nào số thuế, phí, lệ phí của chính phủ thu được cũng đủ để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu. Trong trường hợp đó, nhà nước sẽ phải đi vay (trong hoặc ngoài nước) để trang trải các khoản thâm hụt ngân sách.

    1.2. Thế nào là bẫy nợ công?

    "Bẫy nợ công" là một thuật ngữ sử dụng để mô tả tình trạng mà một quốc gia gặp phải khi mức độ nợ công của họ tăng lên đáng kể và trở nên không bền vững. Trong bối cảnh này, việc trả lãi suất và gốc của các khoản nợ trở nên khó khăn, đặc biệt khi nền kinh tế không tăng trưởng đủ nhanh để đáp ứng.

    Các yếu tố thường góp phần vào việc tạo ra bẫy nợ công bao gồm:

    • Mức độ nợ tăng cao: Khi mức độ nợ công vượt qua một ngưỡng nhất định so với GDP của quốc gia.
    • Lãi suất cao: Lãi suất trả cho các khoản vay công tăng lên, làm tăng chi phí trả nợ hàng năm.
    • Thời gian trả nợ ngắn hạn: Các khoản vay có thời hạn ngắn và không có sự ân hạn đủ, làm tăng áp lực trả nợ trong một khoảng thời gian ngắn.
    • Tăng trưởng kinh tế chậm lại hoặc suy thoái: Nền kinh tế không đạt được tăng trưởng đủ nhanh để tạo ra thu nhập cần thiết để trả nợ.

    2. Phân loại nợ công

    Trái phiếu chính phủ là một trong những cách giúp nhà nước huy động vốn.
    Trái phiếu chính phủ là một trong những cách giúp nhà nước huy động vốn.

    Nợ công có thể được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau như về nguồn vay, thời gian vay, tính hiệu quả,... Nhìn chung có một số cách phân loại nợ công nổi bật như sau:

    2.1. Theo phạm vi huy động vốn

    Theo phạm vi huy động, nợ công có thể được chia thành nợ nội địa và nợ nước ngoài, trong đó:

    Nợ nội địa: Bao gồm các khoản vay của chính phủ trong nước. Với các khoản vay này, chính phủ có thể huy động từ các nguồn như ngân hàng, cá nhân, doanh nghiệp hay các nguồn nội bộ khác.

    Nợ nước ngoài: Mặt khác, khoản vay của chính phủ từ nguồn nước ngoài được gọi là nợ nước ngoài. Thông thường những khoản nợ này được sử dụng vào các chương trình phát triển quốc gia. Ví dụ như các khoản vay song phương, đa phương, hay các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới,....

    2.2. Theo tính hiệu quả

    Nợ hiệu quả: Nếu khoản vay được tài trợ cho các dự án mang lại doanh thu cho chính phủ thì được coi là các khoản vay hiệu quả và sinh lời. Xét về mặt bản chất, các khoản vay này cũng đã có khả năng tự thanh toán, ví dụ như các dự án điện, thủy lợi, cơ sở hạ tầng,....

    Nợ không hiệu quả: Khi các khoản vay trở thành gánh nặng ròng cho cộng đồng, chúng được gọi là nợ không sinh lời. Trong trường hợp này, chính phủ tính thêm thuế cho dịch vụ và trả nợ.

    2.3. Theo tính bắt buộc

    Nợ bắt buộc: Các khoản vay được huy động do chính phủ vay mượn từ công chúng bằng các phương pháp cưỡng bức được gọi là nợ bắt buộc. Một ví dụ điển hình của các khoản vay này đó là các khoản thuế do công chúng phải trả.

    Nợ tự nguyện: Các thành viên của công chúng và các tổ chức như ngân hàng thương mại có thể đăng ký mua trái phiếu do các khoản vay của chính phủ phát hành, được gọi là nợ tự nguyện.

    3. Tác động của nợ công lên nền kinh tế

    Nợ công có tác động gì lên nền kinh tế?
    Nợ công có tác động gì lên nền kinh tế?

    Hiện nay, vẫn thường có những quan điểm rất khác nhau khi xem xét mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên vẫn có 4 luồng quan điểm chính bao gồm:

    3.1. Nợ công không có tác động

    Dựa trên nghiên cứu của Barro (1974) và Buchanan (1976) với các kết quả chỉ ra rằng trong những điều kiện nhất định, sự phát triển của nền kinh tế không bị ảnh hưởng bởi các quyết định của chính phủ trong việc huy động ngân sách thông qua thuế hoặc các khoản vay, viện trợ không hoàn lại.

    Cụ thể, những thay đổi trong việc huy động ngân sách, của chính phủ sẽ được trung hòa bởi những điều chỉnh từ các quyết định tiết kiệm từ khu vực tư nhân vậy nên sẽ không tác động tới tăng trưởng kinh tế.

    3.2. Nợ công có tác động tiêu cực

    Nhiều chuyên gia cho rằng nợ công sẽ tác động tiêu cực khi mức độ tăng trưởng của nợ công ảnh hưởng đến tính ổn định của các chính sách. Việc chính phủ tăng ngân sách thông qua việc vay nợ có thể giảm khả năng huy động vốn của nền kinh tế và tăng lãi suất thực tế. Điều này có thể làm giảm khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp và gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

    3.3 Nợ công có tác động tích cực

    Nợ công được ví như đòn bẩy cho hệ thống tài chính
    Nợ công được ví như đòn bẩy cho hệ thống tài chính

    Học thuyết kinh tế của Keynes lập luận rằng nợ công ở mức độ hợp lý sẽ có tác động kích thích tích cực đối với tăng trưởng kinh tế. Bởi nó sẽ cung cấp nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tăng cường chi tiêu công, và thúc đẩy tổng cầu hàng hóa và dịch vụ.

    Thêm vào đó, việc tăng cường chi tiêu công và kích thích phát triển kinh tế cũng sẽ khích lệ các doanh nghiệp tư nhân tăng cường đầu tư vào sản xuất và kinh doanh. Qua đó, tạo ra nhu cầu việc làm và tăng sản lượng của nền kinh tế.

    3.4 Nợ công có tác động phi tuyến tính

    Ngoài các quan điểm được đề cập, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ phi tuyến tính giữa nợ công và tăng trưởng kinh tế. Theo những nghiên cứu này, việc duy trì nợ công ở mức thấp mang lại tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế và giữ cho tốc độ phát triển kinh tế ở mức cao.

    Việc duy trì nợ công dưới một ngưỡng nhất định sẽ kích thích hiệu ứng lan tỏa từ các hoạt động đầu tư công. Qua đó, nó giúp thúc đẩy các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh từ phía khu vực tư nhân và tăng trưởng kinh tế.

    Tuy nhiên, khi nợ công vượt quá ngưỡng cho phép sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế. Do nó giảm khả năng vay vốn của khu vực tư nhân khiến hạn chế sự phát triển của các hoạt động sản xuất kinh doanh, kéo theo sự suy giảm về sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng,…

    4. Thực trạng nợ công trên thế giới

    Trong nửa đầu năm 2024, các quốc gia đã ghi nhận sự gia tăng nợ công lớn chưa từng có. Đặc biệt, tại nền kinh tế số 1 thế giới là Hoa Kỳ đã có mức tăng nợ công lên đến 1.000 tỷ USD sau mỗi 100 ngày.

    Bảng xếp hạng các quốc gia theo tổng nợ công của chính phủ (Theo visualcapitalist)
    Bảng xếp hạng các quốc gia theo tổng nợ công của chính phủ (Theo visualcapitalist)

    4.1. Mức tăng nợ công “kỷ lục”

    Trong quý 3 năm 2023, nợ công toàn cầu đã leo thang lên mức kỷ lục 307.400 tỷ USD với tỷ lệ nợ công tính theo Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) ở các nền kinh tế đang nổi.Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết rằng, trong quý 3, nợ chính phủ đã đạt mức tăng cao nhất, trong khi nhiều quốc gia ghi nhận mức thâm hụt ngân sách ở mức cao hơn nhiều so với trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

    4.2. Tác động lên kinh tế toàn cầu

    Mức nợ công tăng kỷ lục khiến nhiều quốc gia in thêm tiền để trả nợ
    Mức nợ công tăng kỷ lục khiến nhiều quốc gia in thêm tiền để trả nợ

    Trong quý 4/2023, khoảng 65% số nợ công tăng tập trung ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Anh. Điều này dẫn đến việc các quốc gia này đều phải tiến hành các biện pháp điều chỉnh chi tiêu tài chính để giải quyết vấn đề nợ và thâm hụt ngân sách đang ngày càng gia tăng.

    Ngoài việc nợ công leo thang, gánh nặng của nợ đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp cũng đang gia tăng, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ. Sự gia tăng của nợ công và các loại nợ này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách của nhiều quốc gia, giảm hiệu quả của các biện pháp kích cầu.

    Đặc biệt, sự gia tăng nợ công đỉnh điểm của Mỹ khiến nhiều chuyên gia nhận định rằng:"Không có gì khó hiểu khi giới đầu tư lao vào các giao dịch dựa trên mối lo ngại về sự bùng nổ của nợ Mỹ, chẳng hạn như mua vàng hay mua tiền ảo Bitcoin"

    4.3. Ảnh hưởng đối với thị trường tiền số

    Sự gia tăng của nợ công cũng dẫn đến sự chuyển dịch sang kênh đầu tư tiền ảo
    Sự gia tăng của nợ công cũng dẫn đến sự chuyển dịch sang kênh đầu tư tiền ảo

    Sự gia tăng nợ quốc gia của Hoa Kỳ có thể có nhiều tác động đối với nền kinh tế nói chung và thị trường tiền số nói riêng. Trong đó có thể kể đến một số tác động tích cực tiêu biểu của nợ công lên thị trường tiền mã hóa như:

    • Giảm niềm tin vào tiền pháp định: Khi nợ quốc gia tăng lên, các cá nhân và tổ chức có thể mất niềm tin vào hệ thống tài chính và đồng tiền đang được chính phủ lưu hành. Sự mất niềm tin vào tiền pháp định khiến các nhà đầu tư chuyển sang sử dụng tiền điện tử như một nơi trú ẩn an toàn. Điều này cũng vô tình thúc đẩy nhu cầu mua-bán các loại tiền kỹ thuật số.
    • Mối lo ngại về lạm phát: Nợ quốc gia tăng đáng kể có thể dẫn đến nỗi lo ngại về lạm phát đối với công chúng. Bởi nếu quốc gia in thêm tiền để trả nợ, lạm phát sẽ xảy ra và khiến giá trị đồng tiền giảm xuống. Qua đó, tiền điện tử, đặc biệt là Bitcoin với nguồn cung giới hạn, thường được coi là hàng rào chống lạm phát, tương tự như vàng.
    • Kênh giao dịch và chuyển tiền xuyên biên giới: Các chính sách kinh tế của Hoa Kỳ liên quan đến nợ dẫn đến biến động về giá trị của đồng đô la, cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn đối với sự di chuyển vốn. Điều này tạo điều kiện giúp tiền điện tử gia tăng mức độ giao dịch và chuyển tiền xuyên biên giới do tính chất phi tập trung và khả năng “lách luật” của chúng so với hệ thống ngân hàng truyền thống.

    5. Câu hỏi thường gặp (FAQs)

    Q: Vì sao chính phủ phải vay nợ?

    A: Chính phủ thường vay nợ khi ngân sách không đủ để chi trả cho các hoạt động chi tiêu như phát triển hạ tầng, giáo dục, y tế, và các dịch vụ công cộng. Vay nợ giúp chính phủ tài trợ cho các dự án lớn và hỗ trợ phát triển kinh tế mà không cần phải tăng thuế ngay lập tức.

    Q: Nợ công có giới hạn không?

    A: Các quốc gia thường đặt ra giới hạn về tỷ lệ nợ công so với GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) để đảm bảo rằng nợ công không quá lớn đến mức ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Nếu nợ công vượt quá mức cho phép, quốc gia đó có thể đối mặt với nguy cơ không thể trả nợ.

    Q: Nợ công ảnh hưởng đến người dân như thế nào?

    A: Khi nợ công quá cao, chính phủ có thể phải tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu công để trả nợ, điều này có thể làm giảm phúc lợi cho người dân. Ngoài ra, nợ công cao có thể dẫn đến lạm phát và tăng lãi suất, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt và việc vay mượn của người dân.

    Q: Nợ công cao có phải là xấu không?

    A: Không hẳn. Một mức nợ công hợp lý có thể giúp chính phủ tài trợ cho các dự án phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, nợ công cao và không kiểm soát có thể dẫn đến mất niềm tin của nhà đầu tư, tăng lãi suất, và suy giảm kinh tế.

    Q: Nợ công được trả như thế nào?

    A: Chính phủ trả nợ công thông qua các khoản thu từ thuế, phí, và các nguồn thu nhập khác của nhà nước. Trong một số trường hợp, chính phủ cũng có thể vay thêm nợ để trả nợ cũ (đảo nợ), nhưng điều này có thể tạo ra rủi ro nếu không được quản lý cẩn thận.

    Q: Nợ công có gây ra khủng hoảng kinh tế không?

    A: Nợ công có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế nếu chính phủ không thể thanh toán nợ hoặc phải vay nợ nhiều hơn để trả lãi nợ cũ. Điều này có thể làm suy yếu niềm tin vào nền kinh tế và gây ra khủng hoảng tài chính, như đã thấy trong các cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và Argentina.

    6. Kết luận

    Trên khía cạnh tích cực, nợ công giúp mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Nếu sử dụng nguồn vốn từ nợ công một cách hiệu quả, các quốc gia có thể tạo đòn bẩy cho các hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế,… nhằm phát triển kinh tế quốc gia.

    Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thách thức lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các biến động kinh tế và chính trị diễn ra trên thế giới. Sự tăng trưởng không kiểm soát của nợ công có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, từ sự suy giảm của sức mạnh tài chính quốc gia đến sự hạn chế của chính sách kinh tế của một số nước.

    Đọc thêm:

    Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính. Tham gia nhóm chat Bigcoinchat để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường.

    Thảo luận thêm tại

    Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

    Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

    Twitter: https://twitter.com/BigcoinVN 

    0 / 5 (0Bình chọn)

    Bài viết liên quan