Scam là gì? 9 dấu hiệu nhận biết scam trong crypto

ByLengkeng11/02/2020
Thị trường tiền điện tử đang ngày một mở rộng, xuất hiện những cơ hội hấp dẫn nhưng đồng thời cũng đi kèm với nhiều rủi ro. Bài viết này sẽ đề cập đến một trong những mối đe doạ nghiêm trọng nhất trong thị trường, đó là các hoạt động lừa đảo (hay còn gọi là scam).  

1. Scam là gì?

Scam là gì
Scam là gì

Scam trong lĩnh vực tiền điện tử là thuật ngữ chỉ việc lừa đảo bằng những hành động phi pháp nhằm chiếm đoạt tiền hoặc thông tin cá nhân của người dùng.

2. Các loại hình scam trong crypto

Có rất nhiều loại hình scam trong lĩnh vực tiền điện tử. Dưới đây là một số loại phổ biến:

2.1. Ponzi Schemes (Hệ thống Ponzi)

Đây là loại hình scam khi các nhà đầu tư cũ được trả lợi nhuận từ tiền của những nhà đầu tư mới vào hệ thống. Những dự án scam với hình thức này không có sản phẩm hoặc dịch vụ thực sự và hệ thống này chỉ tồn tại để chiếm đoạt tiền từ người tham gia mới. Ví dụ: 2 vụ scam điển hình với hình thức Ponzi có thể kể đến là BitConnect với số tiền lừa đảo được là $2.7B, OneCoin với $4B.

2.2. Initial Coin Offering (ICO) Scams

Scam ICO xảy ra khi các dự án tiền điện tử tổ chức ICO để gọi vốn, nhưng không thực hiện dự án và biến mất với số tiền đầu tư của người dùng.

Sự biểu tình của người dân sau vụ scam ICO từ Pincoin, iFan
Sự biểu tình của người dân sau vụ scam ICO từ Pincoin, iFan

Ví dụ: Vụ lừa đảo ICO quy mô lớn năm 2018 là ICO của dự án Pincoin và iFan, với số tiền đã lừa đảo là $660M từ khoảng 32.000 nhà đầu tư.

2.3. Phishing Attacks (Tấn công giả mạo)

Scammers tạo các trang web giả mạo hoặc gửi email lừa đảo để lấy thông tin đăng nhập của người dùng. Sau đó, họ truy cập vào tài khoản và chiếm đoạt tiền hoặc thông tin cá nhân.

Dưới đây là 4 hình thức tấn công giả mạo phổ biến nhất:

  • Giả mạo trang web hoặc extension

Đây là một trong những dạng phổ biến nhất của phishing. Kẻ lừa đảo sẽ tạo ra các trang web giả mạo, sao chép hoàn toàn giao diện của các trang web uy tín như OpenSea, Uniswap, hoặc giả mạo các trang web tải xuống extension như ví Metamask và Coinbase.

Khi người dùng truy cập và tương tác với trang web này hoặc tải extension giả mạo, thông tin cá nhân và tài sản của họ có thể bị đánh cắp.

  • Giả mạo ứng dụng di động

Kẻ lừa đảo tạo ra các ứng dụng giả mạo trên cửa hàng ứng dụng như App Store và Google Play. Sau khi người dùng tải và cài đặt các ứng dụng này, chúng có thể chứa mã độc hại và gây thiệt hại cho điện thoại của họ.

Trong một số trường hợp, hàng ngàn người dùng đã tải về các ứng dụng giả mạo mà họ tin là chính thống.

  • Giả mạo email/voice chat

Hacker giả mạo thành viên của nhóm chăm sóc khách hàng từ các tổ chức tiền điện tử uy tín như Coinbase, Trezor và gửi email hoặc thực hiện cuộc gọi điện thoại đến người dùng.

Chúng thông báo rằng "tài khoản của bạn đã bị khóa" và yêu cầu người dùng cung cấp bằng chứng để mở khóa. Nếu người dùng cung cấp thông tin nhạy cảm, chẳng hạn như mật khẩu hoặc mã xác thực, họ có thể mất tài khoản và thông tin cá nhân. Ví dụ: theo Bloomberg, năm 2021 đã có khoảng 6000 khách hàng của Coinbase bị mắc bẫy bởi loại hình phishing này.

  • Tấn công DNS

Đây là kỹ thuật mà hacker can thiệp vào thông tin tên miền (DNS) của một dự án, thay đổi nó thành tên miền của hacker.

Ví dụ, khi bạn nhấp vào liên kết của Uniswap với tên miền chính xác là uniswap.com, tên miền có thể tự động thay đổi thành unisswap.com (tên miền của hacker) khi bạn nhấp vào. Điều này dẫn đến việc bạn truy cập trang web giả mạo thay vì trang web thực sự của dự án với tiềm ẩn rủi ro bị lừa đảo rất cao.

2.4. Rug Pulls

Rug pull xảy ra khi đội ngũ phát triển một dự án đột ngột rút thanh khoản khiến token mất giá trị và bỏ chạy với số tiền đó bằng cách thông báo dừng phát triển dự án. Ví dụ: vào tháng 11 năm 2021, các nhà đầu tư đã chứng kiến một sự sụp đổ nhanh chóng của giá OHM (OlympusDAO) khi các nhà phát triển của team đã bất ngờ thông báo dừng phát triển dự án và rút hết thanh khoản.

2.5. Social Engineering Scams (Scam kỹ thuật xã hội)

Scammers liên hệ trực tiếp với người dùng thông qua tài khoản Telegram, email, hoặc tin nhắn và thuyết phục họ gửi tiền hoặc thông tin cá nhân. Đây là hình thức người dùng có thể gặp phải thường xuyên trên các trang mạng xã hội như Telegram, Discord, Twitter, Facebook,…

3. Hậu quả để lại từ các vụ scam trên thị trường

Các vụ scam trong lĩnh vực tiền điện tử có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm:

Hậu quả của scam trong thị trường crypto
Hậu quả của scam trong thị trường crypto

3.1. Mất tiền và thông tin cá nhân

3.1.1. Mất tiền

Những người tham gia vào các hoạt động scam có thể đánh mất tiền mà họ đã đầu tư. Scammers thường hứa hẹn lợi nhuận lớn, nhưng thực tế chỉ nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

3.1.2. Mất thông tin cá nhân

Trong một số trường hợp, người dùng cung cấp thông tin cá nhân như số chứng minh thư (căn cước công dân), hộ chiếu, hoặc thông tin ngân hàng cho các dự án hoặc sàn giao dịch giả mạo.

Những thông tin này có thể được sử dụng để lừa đảo hoặc đánh cắp danh tính. Việc danh tính bị lộ sẽ tạo ra sơ hở để các đối tượng xấu sử dụng danh tính của mình trong các hình vi rửa tiền hoặc các giao dịch trái pháp luật.

3.2. Gây mất niềm tin trong cộng đồng

Các vụ scam làm mất niềm tin của nhà đầu tư và ảnh hưởng đến uy tín của ngành tiền điện tử. Điều này có thể dẫn đến sự lo ngại của cơ quan quản lý và gây khó khăn cho việc thúc đẩy sự phát triển và chấp nhận rộng rãi của tiền điện tử.

4. Các dấu hiệu nhận biết scam

Scam để lại nhiều hậu quả cho người dùng và cho toàn thị trường, vậy làm thế nào để nhận biết scam?

Dưới đây là 10 dấu hiệu nhận biết scam bạn nên biết:

10 dấu hiệu nhận biết scam trong crypto
10 dấu hiệu nhận biết scam trong crypto
  • Lợi nhuận không thực tế: Dự án hứa hẹn lợi nhuận cực cao trong thời gian ngắn, vượt xa khả năng dự án có thể đạt được là dấu hiệu của một vụ scam.
  • Thiếu minh bạch: Dự án hoặc sàn giao dịch không cung cấp đủ thông tin về đội ngũ phát triển, sản phẩm, hoặc cơ cấu vận hành của họ. Thông thường, các dự án uy tín khá minh bạch về những thông tin này.
  • Lừa đảo Ponzi: Dự án đề xuất hệ thống hoa hồng cao, tức là bạn kiếm tiền từ việc giới thiệu người khác mua vào dự án thay vì từ sản phẩm hoặc dịch vụ thực sự.
  • Sàn giao dịch giả mạo: Thông tin trên sàn giao dịch không rõ ràng hoặc không đủ minh bạch. Hãy kiểm tra URL và đảm bảo rằng bạn đang truy cập vào trang web chính thống.
  • Chương trình đầu tư nhanh chóng: Các chương trình đầu tư yêu cầu bạn gửi tiền và hứa hẹn lợi nhuận nhanh chóng. Đây thường là một dấu hiệu của scam.
  • Yêu cầu thông tin cá nhân quá nhiều: Một vụ scam có thể yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân quá nhiều, bao gồm số chứng minh thư (căn cước công dân), hộ chiếu, hoặc thông tin ngân hàng...
  • Không có sản phẩm hoặc giá trị thực sự: Nếu dự án không cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể và lợi nhuận chủ yếu đến từ việc mời người khác tham gia, đó có thể là một hình thức của lừa đảo Ponzi.
  • Dự án mắc nhiều lỗi về ngôn ngữ và chính tả: Các dự án lừa đảo thường có tài liệu kém chất lượng với lỗi chính tả và ngôn ngữ không chuyên nghiệp.
  • Thông tin team không rõ ràng: Không phủ nhận rằng có rất nhiều dự án uy tín cũng ẩn danh về thành viên team. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần biết ai là người điều hành dự án. Các dự án có khuynh hướng scam thường che đậy thông tin này.

5. Cách phòng tránh scam hiệu quả

Cách phòng tránh scam hiệu quả trong cypto
Cách phòng tránh scam hiệu quả trong cypto

5.1. Kiến thức là quyền lợi

Trước khi quyết định xuống tiền đầu tư, hãy đảm bảo bạn đã dành thời gian để nắm vững kiến thức về thị trường này. Hiểu rõ về các dự án hoặc sàn giao dịch mà bạn đang xem xét sẽ giúp bạn có thể tránh khỏi nguy cơ bị lừa đảo. Bằng cách tự tìm hiểu và nắm bắt thông tin, bạn sẽ tự tin hơn trong quá trình đầu tư và tránh được những thương vụ đáng ngờ.

5.2. Thận trọng với các dự án và sàn không rõ nguồn gốc

Việc kiểm tra thông tin và danh tiếng của các dự án hoặc sàn giao dịch trước khi đầu tư là một biện pháp quan trọng để tránh bị lừa đảo. Hãy đảm bảo rằng họ thực hiện các biện pháp minh bạch và có đội ngũ phát triển có danh tiếng tốt. Cần nhớ rằng các dự án hoặc sàn không rõ nguồn gốc có thể tiềm ẩn nguy cơ lớn, vì vậy hãy luôn thật thận trọng khi kiểm tra về thông tin này.

5.3. Bảo vệ thông tin cá nhân và tránh phishing attacks

Trong thế giới tiền điện tử, bảo vệ thông tin cá nhân của bạn là cực kỳ quan trọng. Hãy luôn cảnh giác với các tấn công phishing bằng cách không mở các liên kết hoặc tin nhắn không xác định. Sử dụng ví lưu trữ tiền điện tử an toàn để bảo vệ tài khoản của bạn và đảm bảo rằng bạn không bị mất tiền hoặc thông tin cá nhân do các hoạt động lừa đảo.

5.4. Cập nhật tín hiệu cảnh báo từ cộng đồng

Rất nhiều cộng đồng tiền điện tử đăng tải cảnh báo về các dự án hoặc sàn giao dịch đáng ngờ. Chính vì vậy, hãy thường xuyên kiểm tra các kênh cộng đồng uy tín và đánh giá từ cộng đồng trước khi đầu tư.

6. Kết luận

Tóm lại, cẩn trọng và kiên nhẫn là 2 yếu tố quan trọng để tránh rơi vào các hoạt động lừa đảo trong thế giới tiền điện tử. Để đảm bảo sự an toàn cho chính mình, người dùng nên nắm vững kiến thức, thực hiện nghiên cứu cẩn thận và sử dụng các biện pháp bảo mật cần thiết.

Trên đây là bài viết về chủ đề Scam là gì, hi vọng các bạn đã nhận được các thông tin hữu ích. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, hãy để lại câu hỏi tại nhóm BigcoinVietnam để được giải đáp.

Đọc thêm:

Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính. Tham gia nhóm chat Bigcoinchat để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường.

Thảo luận thêm tại

Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

Twitter: https://twitter.com/BigcoinVN 

Lengkeng

Lengkeng

"Money is made by sitting, not trading"

0 / 5 (0Bình chọn)

Bài viết liên quan