theblock101

    Solana vs. Ethereum: Khối lượng DEX của SOL giảm 24%, liệu ETH có cơ hội bứt phá?

    ByDuyên Trần24/02/2025
    Solana (SOL) đã có một khởi đầu ấn tượng trong năm 2025, liên tục vượt mặt Ethereum (ETH) trên nhiều chỉ số quan trọng. Tuy nhiên, những tín hiệu gần đây cho thấy Solana đang gặp khó khăn trong việc duy trì đà tăng trưởng, đặc biệt là khi khối lượng giao dịch trên các sàn phi tập trung (DEX) của mạng lưới này giảm mạnh 24% trong tuần qua.

    Trong bối cảnh đó, Ethereum đang có dấu hiệu phục hồi, làm dấy lên câu hỏi: Liệu ETH có thể tận dụng thời cơ để lấy lại vị thế dẫn đầu trước đối thủ được coi là "Ethereum killer" này?

    ETH vs SOL
    ETH vs SOL

    1. Dấu hiệu sụt giảm về khối lượng giao dịch DEX trên Solana

    Suốt năm 2024, Solana đã gây ấn tượng mạnh khi liên tục đạt hiệu suất tốt hơn Ethereum. Tốc độ xử lý giao dịch nhanh, chi phí thấp và sự bùng nổ của hệ sinh thái DeFi đã giúp blockchain này thu hút được lượng lớn nhà đầu tư và dự án mới. Đặc biệt, trong quý 4/2024, Solana ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, củng cố vị thế của mình trong cuộc đua với Ethereum.

    Tuy nhiên, khi bước sang năm 2025, dấu hiệu suy yếu bắt đầu xuất hiện. Giá SOL trở nên biến động mạnh hơn, không còn duy trì được sự ổn định như trước. Đáng chú ý, số ngày mà Solana có hiệu suất cao hơn Ethereum đã chững lại trong thời gian gần đây. Đây là một tín hiệu cho thấy động lực tăng trưởng đang suy giảm, đặc biệt khi mối tương quan giữa biến động giá của SOL và ETH ngày càng thu hẹp. Nếu trước đây Solana có lợi thế nhờ sự khác biệt rõ rệt về tốc độ tăng trưởng, thì giờ đây, khoảng cách này không còn quá lớn.

    Không chỉ vậy, dữ liệu on-chain cho thấy dòng vốn đổ vào hệ sinh thái Solana đã giảm sút so với cuối năm ngoái. Điều này làm dấy lên câu hỏi về việc liệu đà tăng của Solana chỉ là một giai đoạn bùng nổ ngắn hạn hay thực sự có nền tảng vững chắc để duy trì vị thế trong dài hạn.

    Một trong những chỉ báo quan trọng nhất phản ánh sự suy yếu của Solana là sự sụt giảm đáng kể trong khối lượng giao dịch DEX. Theo dữ liệu thị trường, tổng khối lượng giao dịch trên các sàn DEX của Solana đã giảm 38% chỉ trong vòng một tuần, đánh dấu tuần thứ năm liên tiếp đi xuống.

    Khối lượng giao dịch DEX trên Solana
    Khối lượng giao dịch DEX trên Solana

    Các nền tảng DEX lớn nhất trên mạng lưới Solana đều chứng kiến mức giảm mạnh. Raydium (RAY) – một trong những sàn DEX hàng đầu – ghi nhận mức giảm tới 54,34%, trong khi Orca (ORCA) cũng không tránh khỏi xu hướng suy yếu khi khối lượng giao dịch giảm từ 20-30%.

    Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:

    • Tác động của Memecoin LIBRA và bê bối rug pull: Memecoin LIBRA, được shill bởi Tổng thống Argentina Javier Milei đã mất đến 90% giá trị chỉ trong thời gian ngắn, từ 4,5 tỷ USD xuống dưới 200 triệu USD, khiến nhiều nhà đầu tư chịu tổn thất nặng nề và làm tổn hại đến danh tiếng của Solana. Các điều tra sau đó còn hé lộ rằng Kelsier Ventures có thể đứng sau thao túng nhiều memecoin khác như MELANIA, ENRON, M3M3 và AIAI. Với hàng loạt bê bối liên quan đến memecoin, nhiều nhà đầu tư đang dần mất niềm tin vào hệ sinh thái Solana, khi nó bị ví như một "sới bạc" thay vì một nền tảng blockchain bền vững.

    •  Động thái mới từ Pump.fun sau vụ hack Bybit: Pump.fun – nền tảng khởi chạy memecoin hàng đầu trên Solana đang âm thầm thử nghiệm hệ thống AMM riêng. Việc Pump.fun triển khai AMM mới có thể làm suy yếu Raydium, vốn là lựa chọn mặc định cho giao dịch token mới trên Solana. Nếu hệ thống này thu hút đủ khối lượng, Raydium có nguy cơ mất nguồn thu từ phí giao dịch, khiến nhà đầu tư lo ngại và đẩy giá RAY lao dốc. Token RAY của Raydium đã giảm hơn 24% trong 24 giờ qua, hiện giao dịch ở mức $3,22.

    • Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư: Sau nhiều đợt biến động mạnh, các nhà giao dịch đang trở nên thận trọng hơn trong việc sử dụng các nền tảng DeFi trên Solana. Việc giảm khối lượng giao dịch có thể phản ánh xu hướng né tránh rủi ro của các nhà đầu tư trước những biến động khó lường của thị trường.

    • Xu hướng chung của thị trường: Không chỉ riêng Solana, nhiều blockchain khác như BNB Chain, Ethereum, Sui và Polygon cũng ghi nhận sự sụt giảm trong hoạt động on-chain. Điều này cho thấy sự suy giảm của Solana có thể là một phần của xu hướng rộng hơn trong thị trường DeFi, thay vì chỉ là vấn đề nội bộ của mạng lưới này.

    Dù nguyên nhân cụ thể là gì, việc khối lượng giao dịch DEX giảm liên tục vẫn là một tín hiệu đáng lo ngại. Nếu xu hướng này kéo dài, Solana có thể mất đi một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của mình trước Ethereum.

    2. Ethereum có đang lấy lại vị thế?

    Trong khi Solana gặp khó khăn, Ethereum đang có dấu hiệu phục hồi đáng chú ý. Giá ETH hiện giao dịch quanh mức 2.801,32 USD, tăng 1,37% trong ngày, cho thấy những nỗ lực lấy lại động lực tăng trưởng sau giai đoạn điều chỉnh.

    Một số chỉ báo kỹ thuật cũng thể hiện rằng Ethereum có thể đang bước vào một giai đoạn tích lũy trước khi tiếp tục tăng trưởng. Chỉ số RSI đang dao động quanh mức trung lập 50, cho thấy thị trường chưa nghiêng hẳn về phe mua hay bán. Trong khi đó, MACD histogram đã chuyển sang dương, thể hiện tín hiệu tích cực đầu tiên của đà tăng giá.

    Source: TradingView
    Source: TradingView

    Bên cạnh các tín hiệu kỹ thuật, Ethereum cũng đang có những thay đổi quan trọng về mặt chiến lược, và những động lực giúp hệ phát triển:

    • Cải tổ lãnh đạo và tập trung vào Layer 2: Đầu năm 2025, Vitalik Buterin đã công bố những thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo của Ethereum Foundation, với trọng tâm là mở rộng quy mô Layer 2 và cải thiện khả năng tương tác giữa các mạng blockchain. Đây là một bước đi quan trọng nhằm giải quyết những hạn chế về tốc độ và phí giao dịch mà Ethereum đã gặp phải trong nhiều năm qua.

    • Bơm vốn vào hệ sinh thái DeFi: Ethereum tiếp tục duy trì sức mạnh trong lĩnh vực DeFi với một khoản đầu tư trị giá 120 triệu USD vào các giao thức tài chính phi tập trung. Động thái này giúp hệ sinh thái Ethereum duy trì được thanh khoản và sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tổ chức.

    • Sự phục hồi sau vụ hack Bybit: Sàn Bybit vừa chứng kiến một trong những vụ hack lớn nhất lịch sử tiền mã hóa, với hơn 1,4 tỷ USD tài sản bị đánh cắp. Tuy nhiên, CEO của Bybit tuyên bố rằng Bybit đã hoàn toàn bù đắp số ETH bị mất. Theo ước lượng, số ETH này đến từ các khoản: mua OTC, mua từ CEXs và DEXs, vay từ Bitget, MEXC và các whale, tổ chức chưa xác định, dòng tiền từ cá voi rút từ các CEX khác về. Điều này tạo áp lực mua đáng kể trên thị trường và giúp ETH tránh được cú sụt giảm mạnh, đồng thời là dấu hiệu tích cực cho thấy Bybit không muốn chịu rủi ro nếu giá ETH tăng cao.

    • Lượng ETH trên các sàn giao dịch giảm mạnh: Một tín hiệu tích cực là tổng số Ether trên các sàn giao dịch đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2016. Theo dữ liệu từ CryptoQuant, số lượng ETH trên sàn hiện chỉ còn 18,95 triệu ETH. Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư đang rút ETH khỏi sàn để lưu trữ dài hạn hoặc tham gia staking, làm giảm nguồn cung bán ra và hỗ trợ giá tăng.
    • Dòng vốn từ các tổ chức lớn: Ethereum tiếp tục thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư tổ chức, nhờ vào các bản nâng cấp quan trọng như EIP-4844 và sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái Ethereum Layer 2. Điều này giúp củng cố niềm tin vào sự tăng trưởng dài hạn của Ether.

    Mặc dù nhiều yếu tố hỗ trợ cho sự phục hồi của ETH, nhưng thị trường phái sinh có thể gây biến động mạnh. Theo CoinGlass, nếu ETH vượt 3.000 USD, hơn 623 triệu USD vị thế short có đòn bẩy sẽ bị thanh lý. Điều này có thể dẫn đến biến động giá đột ngột, thậm chí gây ra hiệu ứng short squeeze (ép bán tháo lệnh short).

    Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tình hình kinh tế vĩ mô có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý thị trường tiền mã hóa.

    ETH đã giảm liên tục kể từ đỉnh 4.100 USD vào tháng 12/2024. Hiện tại, vùng 2.700 - 3.000 USD đóng vai trò quan trọng trong việc xác nhận xu hướng phục hồi. Nếu ETH vượt mốc này, có thể kích hoạt một làn sóng mua mạnh, đẩy giá lên cao hơn.

    3. Kết luận

    Cuộc đua giữa hai blockchain này vẫn chưa ngã ngũ. Nếu Solana có thể khắc phục những yếu tố tiêu cực và khôi phục đà tăng trưởng, nó hoàn toàn có thể tiếp tục duy trì sức cạnh tranh với Ethereum. Ngược lại, nếu Ethereum tận dụng được thời cơ và giải quyết các vấn đề kỹ thuật, nó sẽ có cơ hội giữ vững vị thế thống trị của mình trên thị trường DeFi.

    Đọc thêm:

    Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính. Tham gia nhóm chat Bigcoinchat để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường.

    Thảo luận thêm tại

    Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

    Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

    Twitter: https://twitter.com/BigcoinVN 

    Duyên Trần

    Duyên Trần

    Content Writter of Bigcoin Vietnam - The most reliable gateway to Vietnamese market

    0 / 5 (0Bình chọn)

    Bài viết liên quan