5 Tips sử dụng cross-chain bridge hiệu quả

ByElly Nguyen09/08/2023
Cross-chain bridge được mệnh danh là cánh cổng dẫn tới sự bùng bổ của DeFi. Tuy nhiên không phải ai cũng biết sử dụng cross-chain bridge hiệu quả và tối ưu chi phí. Trong bài viết hôm nay, cùng tìm hiểu về mẹo sử dụng cross-chain bridge để tối ưu lợi nhuận của bạn trong DeFi. 

1. Giới thiệu về Cross-chain Bridge

Cross-chain Bridge là cầu nối xuyên chuỗi giúp chuyển giao tài sản giữa hai hay nhiều blockchain nhằm cải thiện khả năng tương tác và giao tiếp giữa các blockchain.

Cross-chain Bridge đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng thanh khoản giữa các blockchain, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dùng, tăng tính linh hoạt cho các dApps và đảm bảo an toàn khi chuyển giao tài sản giữa các blockchain.

Thống kê thị trường Bridges. Source: Token terminal
Thống kê thị trường Bridges. Source: Token terminal

Trong bài viết dưới đây, mình sẽ hướng dẫn các bạn cách sử dụng Cross-chain Bridge để chuyển giao tài sản giữa các blockchain đồng thời những lưu ý để bảo vệ tài sản của bạn đối với các ứng dụng trung gian này.

2. Các vấn đề và rủi ro khi sử dụng Cross-chain Bridge

Nếu bạn muốn sử dụng cross-chain bridge một cách hiệu quả thì điều đầu tiên bạn cần hiểu rõ về mô hình hoạt động của cross-chain bridge và những vấn đề cross-chain bridge thường mắc phải. Dưới đây là tổng hợp một số vấn đề và rủi ro người dùng thường gặp khi sử dụng cross-chain bridge.

2.1. Thời gian giao dịch chậm

Thời gian nạp & rút token giữa các blockchain khi sử dụng Bridge không cố định, tùy thuộc vào nhiều thứ. Thời gian xử lý có thể dao động đáng kể và có ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.

Đối với việc sử dụng Cross-chain Bridge, khoảng thời gian nạp và rút token có thể khác nhau đáng kể. Trong khi thời gian nạp có thể tốn vài phút đến vài chục phút, thời gian rút token lại khá dài, dao động từ vài giờ lên đến 2 - 3 tuần.

Sự chênh lệch này có thể gây ra sự bất tiện và phiền phức cho người dùng, đặc biệt khi họ muốn thực hiện các giao dịch nhanh chóng.

Để tiết kiệm thời gian hơn, người dùng có thể xử lý vấn đề này bằng cách nạp & rút token qua lại giữa các blockchain bằng cách sử dụng sàn giao dịch. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là các sàn giao dịch thường chỉ hỗ trợ một số lượng có hạn các blockchain nổi bật.

Các blockchain mới người dùng bắt buộc phải dùng cầu trung gian do dự án build hoặc do bên thứ ba cung cấp.

2.2. Tiền mất tích sau khi gửi vào Bridge

Có một số nguyên nhân có thể gây ra việc tiền mất tích trong quá trình sử dụng Cross-chain Bridge mà người dùng cần chú ý bao gồm:

  • Lỗi kỹ thuật: Các dự án Cross-chain Bridge có thể gặp phải các vấn đề kỹ thuật hoặc lỗi trong quá trình chuyển đổi, dẫn đến việc tiền bị mất trong quá trình gửi hoặc không nhận được trên chuỗi đích.
  • Sử dụng nền tảng scam: Nếu bạn chọn sử dụng một Cross-chain Bridge từ một nguồn không đáng tin cậy hoặc một dự án không rõ ràng, có thể có rủi ro cao về tiền bị mất tích hoặc lừa đảo.
  • Thời gian giao dịch: Một số Cross-chain Bridge có thể yêu cầu xác nhận giao dịch từ nhiều block trên nhiều chuỗi blockchain, điều này có thể kéo dài thời gian giao dịch và tăng khả năng tiền bị mất tích.
  • Lỗi nhập sai địa chỉ ví: Nếu bạn nhập sai địa chỉ ví đích trong quá trình chuyển đổi, tiền của bạn có thể được gửi tới địa chỉ không thể phục hồi được và dẫn đến mất mát tài sản.

Để tránh rủi ro tiềm ẩn, người dùng nên xem xét và lựa chọn một Cross-chain Bridge đáng tin cậy từ các dự án được kiểm chứng và có độ tin cậy cao. Đồng thời, hãy kiểm tra và xác nhận kỹ địa chỉ ví và các thông tin giao dịch trước khi thực hiện việc chuyển đổi tài sản giữa các chuỗi blockchain.

2.3. Chi phí thực hiện giao dịch

Cross-chain Bridge giúp người dùng có thể dễ dàng chuyển đổi tài sản giữa các blockchain khác nhau tuy nhiên điều này cũng kéo theo chi phí khi thực hiện giao dịch trên các cross-chain bridge này khá cao.

Nếu người dùng muốn chuyển tài sản từ chain A qua chain B qua cross-chain bridge thì người dùng sẽ cần chịu một số khoản phí như:

  • Phí mạng lưới: Quá trình chuyển đổi token thông qua Cross-chain Bridge yêu cầu tương tác với các mạng blockchain khác nhau, vì thế người dùng cần trả phí giao dịch tương ứng với mạng lưới đó (thường phí sẽ dựa trên mạng ban đầu người dùng gửi token). Ví dụ những Bridge có liên quan tới Ethereum thì mức phí sẽ rất cao.

  • Phí trên các sàn giao dịch: Nếu người dùng sử dụng CEX Bridge thì cần chịu thêm phí giao dịch từ sàn và tùy thuộc vào loại sàn và loại blockchain mà phí sẽ khác nhau. Tuy nhiên, việc nạp và rút token qua lại giữa blockchain thông qua CEX sẽ tốn ít chi phí hơn so với việc sử dụng bridge mặc định.

  • Phí giao thức: Một số Cross-chain Bridge có thể áp dụng tỷ lệ chuyển đổi hoặc phí cố định cho việc chuyển token giữa các blockchain khác nhau. Điều này có thể làm tăng tổng chi phí và giảm lợi ích của việc sử dụng Bridge.

Phí giao dịch trên Stargate Finance
Phí giao dịch trên Stargate Finance

2.4. Rủi ro bảo mật

Trong bối cảnh công nghệ cross-chain bridge chưa thật sự hoàn thiện và tiềm ẩn nhiều rủi ro về lỗ hổng bảo mật thì việc người dùng các cross-chain bridge khi giao dịch cũng không thể tránh khỏi hoàn toàn những nguy cơ mất tiền.

Các cross-chain bridge thường là tụ điểm của những vụ hack triệu đô trong DeFi bởi chúng là nơi tập trung TVL lớn nhất. Điển hình có thể kể đến một số vụ hack kinh điển của Poly Network (600 triệu USD), Ronin (Axie Infinity), Wormhole,…

Trước đây, cross-chain bridge thường hoạt động dựa trên thiết kế mô hình Lock-Mint-Burn. Nếu người dùng muốn chuyển token từ blockchain A sang blockchain B, họ phải khóa (lock) token của mình vào bridge (cầu nối). Sau đó, cầu nối sẽ mint ra một lượng wrapped token tương ứng với số token được gửi ở chain A trên blockchain B. Nếu muốn chuyển ngược lại thì số wrapped token ở chain B sẽ bị đốt (burn) đi và token ở chain A sẽ được mở khóa.

Hacker đã tận dụng một số lỗ hổng trong smart contract khi unlock token trên Chain B mà không cần lock số token tương ứng trên Chain A. Từ đó, tài sản trên cross-chain bridge “không cánh mà bay”.

Hiện nay, mô hình cross-chain bridge đã có nhiều đổi mới và thay đổi để tăng cường khả năng bảo mật hơn và người dùng cũng có thể yên tâm hơn khi sử dụng. Một số thiết kế mô hình cross-chain bridge nổi bật nhất đang được áp dụng có:

  • Omnichain của LayerZero (điển hình có Stargate Finance đang áp dụng)
  • CCTP của Circle
  • CCIP của Chainlink

3. Giải pháp sử dụng cross-chain bridge hiệu quả

Dưới đây là một số kinh nghiệm dành cho người mới khi muốn sử dụng cross-chain bridge hiệu quả và tránh nguy cơ bị mất tài sản.

3.1. Tìm hiểu kỹ về Bridge trước khi sử dụng

  • Tìm hiểu về dự án Cross-chain Bridge: Đọc tài liệu, trang web và các thông tin liên quan về dự án Bridge để hiểu cách nó hoạt động và các tính năng cơ bản của nó hoặc tìm kiếm từ khóa “cross-chain bridge” trên trang website Theblock101 để tìm hiểu về các dự án cross-chain bridge tiềm năng nhất.
  • Trao đổi với cộng đồng: Tìm hiểu ý kiến từ người dùng khác, tham gia các cộng đồng trên các nền tảng xã hội hoặc diễn đàn để hỏi và thảo luận về việc sử dụng Bridge.
  • Dùng tài khoản demo: Nếu có, hãy thử nghiệm Bridge trên môi trường thử nghiệm hoặc sử dụng tài khoản demo để làm quen với quy trình chuyển đổi.

3.2. Kiểm tra các chi phí và phí giao dịch liên quan

  • Tìm hiểu về chi phí: Xác định các loại phí và chi phí liên quan đến việc sử dụng Cross-chain Bridge. Điều này bao gồm phí nạp, rút, chuyển đổi và các khoản phí khác có thể phát sinh.
  • So sánh với các phương pháp khác: Nếu có, hãy so sánh chi phí của việc sử dụng Cross-chain Bridge với việc chuyển đổi token thông qua sàn giao dịch (CEX) hoặc các cách khác. Điều này giúp bạn tối ưu hóa việc sử dụng Bridge.

3.3. Xác nhận địa chỉ ví một cách chính xác

  • Chép và dán địa chỉ ví: Khi thực hiện giao dịch, hãy chép và dán địa chỉ ví một cách chính xác để tránh sai sót và gửi token vào địa chỉ sai.
  • Xác minh hai lần trước khi gửi: Trước khi gửi token, hãy xác nhận địa chỉ ví hai lần để đảm bảo tính chính xác.

3.4. Lưu ý thời gian giao dịch và xác nhận thành công

  • Theo dõi thời gian giao dịch: Theo dõi thời gian giao dịch từ khi gửi token cho đến khi nó được nhận trên chuỗi đích. Điều này giúp bạn biết mức độ nhanh chóng của quá trình chuyển đổi.
  • Xác nhận thành công: Khi giao dịch hoàn tất, hãy xác nhận lại trạng thái thành công và đảm bảo rằng số lượng token chuyển đổi đã đúng như mong đợi

3.5. Bảo mật ví

  • Không click vào các đường link độc hại để tránh mất tiền trong tài khoản.

  • Thường xuyên cập nhật thông tin các vụ hack trong blockchain để tránh sử dụng các nền tảng không uy tín. Bạn có thể sử dụng https://revoke.cash/exploits để kiểm tra và cập nhật thông tin về các vụ hack này.

  • Thông thường các ví khi sử dụng cross-chain bridge sẽ là các ví liên quan đến mạng lưới chính như Ethereum, Solana, Aptos,… ngoài các CEX Bridge, hãy revoke ví để tránh ví bị tấn công. Lưu ý đây là biện pháp bảo vệ từ phía người dùng và chúng không thể bảo vệ bạn nếu như bản thân nền tảng bị tấn công.

Giao diện Revoke.cash
Giao diện Revoke.cash

4. Những câu hỏi thường gặp (FAQs)

4.1. Nên sử dụng những Cross-chain Bridge nào?

Các dự án Cross-chain Bridge nổi bật đang nhận được sự quan tâm và khối lượng giao dịch lớn trên thị phần bridge hiện nay gồm có: Synapse, Stargate Finance, Hop Protocol, Li.Fi, Orbiter,… Việc lựa chọn loại bridge nào để giao dịch phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân và mục đích cá nhân cũng như mạng lưới mà dự án hỗ trợ.

4.2. Làm thế nào để chuyển token ít phí nhất?

Chi phí khi chuyển token phụ thuộc vào mạng lưới blockchain bạn muốn tương tác và phí giao dịch từ giao thức, bạn có thể test trên một số nền tảng tương tự để chuyển đổi token và xem chi phí thực hiện bên nào tối ưu hơn.

Tuy nhiên, đối với một số bridge liên quan đến Ethereum thì việc chịu phí cao là không tránh khỏi. Các giải pháp Layer 2 sẽ tiết kiệm hơn về phí giao dịch.

4.3. Cross-chain bridge có an toàn không?

Trước đây, do hạn chế về công nghệ mà các dự án cross-chain bridge bị hack rất nhiều dẫn đến việc người dùng nghi ngại về độ an toàn của nó. Thời điểm hiện tại, dù nhiều công nghệ mới ra đời để khắc phục và cũng chưa có vụ hack nào diễn ra tuy nhiên cầu nối vẫn là một trong những nơi chịu rủi ro bị hacker tấn công nhiều nhất.

Tùy nhu cầu và hiểu biết cũng như mức độ chấp nhận rủi ro của bạn khi tham gia vào thị trường DeFi mà bạn nên cân nhắc đến việc sử dụng của mình. Ưu tiên chọn những nền tảng uy tín, minh bạch, có backer tốt để tăng mức độ an toàn cho bạn.

Đọc thêm:

Stargate Finance (STG) là gì? Giao thức cross-chain thế hệ mới trên LayerZero

Wormhole là gì? Cross-chain bridge “lội ngược dòng” sau khi bị hack 326 triệu USD

LI.FI Protocol là gì? Giải pháp tổng hợp cầu nối cross-chain cho hệ sinh thái blockchain

Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính. Tham gia nhóm chat Bigcoinchat để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường.

Thảo luận thêm tại

Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

Twitter: https://twitter.com/BigcoinVN 

Elly Nguyen

Elly Nguyen

Builder at Bigcoin - Learning to share, sharing to learn

5 / 5 (1Bình chọn)

Bài viết liên quan