theblock101

    Cross-chain bridge là gì? Các cầu nối blockchain xuyên chuỗi hàng đầu (mới nhất 2023)

    ByVitNhoNho20/01/2023
    Cross-chain bridge là giải pháp công nghệ cho phép người dùng và ứng dụng có thể chuyển tiền hoặc tài sản qua lại giữa các blockchain khác nhau một cách dễ dàng. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong dòng chảy của DeFi . Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu về cross-chain bridge là gì và đâu là các giải pháp cross-chain bridge nổi bật nhất năm 2023.

    1. Cross-chain và cross-chain bridge là gì?

    1.1. Cross-chain là gì?

    Cross-chain (xuyên chuỗi) là một thuật ngữ chỉ việc tương tác và truyền thông tin qua lại giữa hai hay nhiều blockchain. Ở bài viết này, chúng ta sẽ phân tích ứng dụng của nó, chính là cross-chain bridge hay còn gọi là các cầu nối blockchain xuyên chuỗi. 

    1.2. Cross-chain bridge là gì?

    Cross-chain bridge (cầu nối xuyên chuỗi) là giải pháp giúp chuyển tài sản crypto, token hay dữ liệu từ blockchain này sang blockchain khác, nhằm tối ưu khả năng kết hợp giữa các blockchain (bao gồm các layer 1, layer 2, sidechain,...).

    Tưởng tượng người dân sống ở hai quốc gia khác nhau là Việt Nam và Trung Quốc và mỗi quốc gia có đơn vị tiền tệ riêng.

    Việt Nam có Việt Nam Đồng còn Trung Quốc có Nhân dân tệ. Nếu người dân hai quốc gia này muốn giao thương với nhau thì cần phải quy đổi ra đồng tiền tương ứng tại quốc gia đó.

    Cross-chain bridge là như một cây cầu nối quốc gia lại với nhau. Nó cho phép người dân từ Việt Nam chuyển tiền của họ qua cây cầu này, và nhận tiền tương đương trên Trung Quốc mà không phải đổi đồng tiền. Tương tự, người dân từ Trung Quốc có thể chuyển tiền qua cây cầu và nhận tiền tương đương tại Việt Nam.

    Nhờ có vậy, mà việc buôn bán hay trao đổi hàng hóa giữa hai quốc gia sẽ trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.

    1.3. Ví dụ trong thị trường crypto

    Một ví dụ điển hình là Wrapped Bitcoin (WBTC) trên Ethereum. WBTC là một loại tiền điện tử trên blockchain Ethereum được gắn kết với Bitcoin trên blockchain Bitcoin.

    Khi ai đó muốn sử dụng Bitcoin của họ trên Ethereum để giao dịch trong các ứng dụng phi tập trung của Ethereum, họ có thể gửi Bitcoin qua cross-chain bridge. Sau đó, WBTC sẽ được tạo và gửi về cho họ, cho phép họ sử dụng tiền của mình trong hệ sinh thái Ethereum.

    2. Vì sao cross-chain bridge ra đời?

    Nhìn vào ví dụ bên trên bạn có thể thấy, thực tế việc dễ dàng trao đổi hàng hóa sẽ thúc đẩy quá trình giao thương của hai quốc gia đồng thời thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế.

    Tương tự đối với blockchain, mỗi hệ sinh thái như Ethereum, Bitcoin, Solana, BSC giống như một quốc gia với đơn vị tiền tệ và cơ chế quản lý khác nhau.

    Sở dĩ Cross-chain ra đời là bởi mỗi một mạng lưới blockchain có một cấu trúc và cơ chế hoạt động khác nhau, do đó những giao thức để chúng có thể chuyển tài sản qua lại với nhau còn rất hạn chế.

    Trong khi đó, việc trao đổi tài sản giữa các blockchain diễn ra dễ dàng hơn sẽ khuyến khích sự phát triển và trao đổi lợi ích giữa các hệ sinh thái tiềm năng.

    Người dùng trong thị trường crypto sẽ được hưởng lợi trên một số khía cạnh sau:

    • Tìm kiếm cơ hội dễ dàng hơn: ví dụ bạn nắm giữ một lượng lớn ETH trên mạng Ethereum sau đó ứng dụng trên mạng BSC triển khai chương trình staking ETH với APY hấp dẫn lên tới 50%. Lúc này, bạn cần phải chuyển ETH trên mạng Ethereum qua ETH trên mạng BSC. Thay vì bạn phải chuyển ETH lên Binance sau đó từ trên Binance bạn phải chuyển qua Metamask thì cross-chain bridge sẽ hỗ trợ cho bạn thực hiện trong 1 thao tác dễ dàng.
    • Phát triển ứng dụng cross-chain: ví dụ một dự án Aggregator giúp người dùng nạp token ở chain này nhưng khai thác lợi nhuận ở chain khác từ đó tối ưu lợi nhuận mang về.

    Tóm lại, với cross-chain bridge, người dùng sẽ có dễ dàng tham gia các hoạt động sinh lời trên các blockchain khác nhau mà không gặp quá nhiều rào cản. Đặc biệt, cross-chain bridge hỗ trợ rất tốt cho các hoạt động liên quan tới tài chính phi tập trung (DeFi).

    3. Cách thức hoạt động của Cross-chain bridge

    Hiện nay xuất hiện rất nhiều mô hình Cross-chain bridge nhằm phục vụ mục đích chuyển giao tài sản giữa các blockchain. Trong bài viết này mình sẽ phân tích 3 cơ chế hoạt động phổ biến của các Cross-chain bridge điển hình và được ứng dụng phổ biến trong DeFi.

    3.1. Cơ chế Lock-Mint-Burn

    Theo thiết kế mô hình này, nếu người dùng muốn chuyển token từ blockchain A sang blockchain B, họ phải khóa (lock) token của mình vào bridge (cầu nối).

    Sau đó, cầu nối sẽ mint ra một lượng wrapped token tương ứng với số token được gửi ở chain A trên blockchain B. Nếu muốn chuyển ngược lại thì số wrapped token ở chain B sẽ bị đốt (burn) đi và token ở chain A sẽ được mở khóa.

    Cơ chế lock, mint and burn
    Cơ chế lock, mint and burn

    Ví dụ: Bạn sử dụng Rainbow Bridge để chuyển NEAR sang mạng Aurora thì bạn sẽ nhận được wNEAR tương ứng với số NEAR ban đầu gửi trên Rainbow.

    3.2. Mô hình Liquidity Network Bridge

    Thiết kế này sử dụng các nguồn thanh khoản trên cả chain A và B để thực hiện trao đổi giữa hai blockchain. Tuy nhiên, điều này gây ra một vấn đề khá lớn về độ phức tạp trong thao tác và rủi ro trong bảo mật.

    Mô hình Chainswap - Liquidity Bridge
    Mô hình Chainswap - Liquidity Bridge

    Ví dụ: Bạn sử dụng Celer để chuyển tài sản thì giao thức sẽ có 2 pool thanh khoản trên cả 2 chain. Celer sẽ ghi nhận tài sản của bạn khi đã chuyển vào liquidity pool A và sau đó sẽ mở khóa và cho phép bạn có thể lấy tài sản đó ở chain B.

    3.3. Mô hình Omnichain Bridge

    Hiện tại mô hình Omnichain Bridge là mô hình mới và nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, xuất phát từ công nghệ Omnichain của LayerZero và được Stargate ứng dụng thành công.

    Omnichain là giải pháp công nghệ giúp tài sản có thể chuyển giao trực tiếp giữa các blockchain mà không cần thông qua bên trung gian từ đó giúp ứng dụng không trở thành mục tiêu công kích của các hackers.

    Stargate Finance xây các liquidity-pool trên các blockchain mà dự án hỗ trợ nhờ vào công nghệ của LayerZero. Từ đó hình thành cross-chain liquidity network cho phép người dùng có thể add liquidity, swap, farming, staking một cách dễ dàng từ chính native assets của blockchain đó.

    Cơ chế hoạt động của LayerZero
    Cơ chế hoạt động của LayerZero

    Tóm lại, thông qua Stargate, người dùng có thể swap trực tiếp tài sản giữa các blockchain khác nhau chỉ thông qua 1 thao tác.

    4. Phân loại các Cross-chain Bridge

    Hiện nay có nhiều loại Cross-chain bridge được phát triển và triển khai trong thị trường tiền điện tử. Dưới đây là 3 loại Cross-chain bridge phổ biến.

    Lưu ý có nhiều cách phân loại khác nhau tuy nhiên trong bài viết này mình sẽ chọn tiêu chí phân loại Cross-chain bridge sẽ dựa trên loại blockchain là các bridge này hỗ trợ.

    4.1. Chain Specific Bridge

    Chain Specific Bridge, hay còn được gọi là Cross-chain Bridge đối với một chuỗi cụ thể, là một dạng cross-chain bridge dùng để kết nối giữa hai chuỗi blockchain cụ thể.

    Khác với một số cross-chain bridge khác có thể tương tác với nhiều chuỗi khác nhau, Chain Specific Bridge tập trung vào việc nối liền hai chuỗi cụ thể.

    Các bridge này thường được phát triển bởi đội ngũ foundation của mạng lưới, giống như sản phẩm “nhà làm”. Sản phẩm được tạo ra để phục vụ nhu cầu chuyển đổi tài sản cơ bản của người dùng trong trường hợp chưa có dự án về bridge độc lập nào được xây dựng.

    Ví dụ về các Chain Specific Bridge tương ứng với các hệ sinh thái bao gồm:

    • Near: Rainbow Bridge.
    • Solana: Wormhole.
    • Avalanche: Good Bridge.
    • Harmony: Horizon Bridge.
    • Celo: Mobius Bridge.

    4.2. EVM Blockchain Bridge

    EVM Blockchain Bridge là một loại cross-chain bridge dùng để kết nối các blockchain dựa trên Ethereum Virtual Machine (EVM).

    *EVM là blockchain tương thích máy ảo Ethereum, các smart contract của Ethereum có thể chạy được trên cả các blockchain EVM này.

    EVM Blockchain Bridge cho phép các dự án và tài sản phát triển trên một blockchain EVM có thể tương tác và liên kết với các blockchain EVM khác.

    Điều này mang lại tính linh hoạt và khả năng tương tác giữa các hệ thống dựa trên EVM và mở ra nhiều cơ hội mới cho việc triển khai và phát triển dApps trên các blockchain EVM khác.

    Một số EVM Blockchain Bridge nổi bật trong thị trường:

    • Celer Bridge.
    • Synapse Bridge.
    • Ren Bridge.
    • Li Finance.
    • xPollinate.
    • HotCross.

    4.3. CEX Bridge

    CEX Bridge, cũng được gọi là Centralized Exchange Bridge, là một loại cross-chain bridge dùng để kết nối các tài sản và thông tin giữa các sàn giao dịch tập trung (Centralized Exchange - CEX) và các blockchain khác nhau.

    Điều này cho phép người dùng di chuyển tài sản giữa các nền tảng tập trung và phi tập trung một cách dễ dàng và nhanh chóng.

    Một số sàn CEX nổi bật với các chain thông dụng như sau:

    • Binance: Binance Smart Chain.
    • Crypto.com: Cronos.
    • Huobi: HECO chain.
    • Okex: Okex Chain.
    • Kucoin: Kucoin Chain.

    5. Cross-chain và Multi-chain khác nhau như thế nào?

    Nhiều người thường hay nhầm lẫn khái niệm Multi-chain (đa chuỗi) với Cross-chain (Xuyên chuỗi). Mình sẽ giải thích kỹ hơn cho mọi người dưới đây:

    • Multi-chain là một thuật ngữ có ý nghĩa "đa chuỗi, đa nền tảng" trong thị trường tiền điện tử. Khi một dự án được triển khai trên Multi-chain, điều này có nghĩa là dự án đó đang hoạt động trên ít nhất hai chuỗi blockchain khác nhau, bao gồm Ethereum, Binance Smart Chain, Solana, Polkadot, Avalanche hoặc các blockchain khác. Ví dụ như đồng Tether (USDT) là đồng stable coin đa chuỗi khi được triển khai trên rất nhiều mạng lưới bao gồm Binance Smart Chain, Polygon, Ethereum,...
    • Cross-chain là giải pháp giúp chuyển tài sản từ chain này sang chain khác nhằm tối ưu khả năng tương tác và trao đổi dữ liệu giữa các blockchain. Ví dụ bạn sử dụng Synapse, giải pháp cầu nối cross-chain bridge để chuyển USDC (mạng Ethereum) qua DAI.e (mạng Avalanche) hoặc ngược lại. Ngoài ra còn một số giải pháp cross-chain bridge khác như Hop Protocol, Stargate, Li.fi,..

    Có thể thấy, Cross-chain tập trung vào việc tạo kết nối và giao tiếp giữa các blockchain riêng lẻ, trong khi Multi-chain là mô hình mạng lưới có nhiều blockchain chạy song song và hoạt động độc lập. Multi-chain thường được các dự án mạnh về tài chính, backer,.. triển khai do cần tiêu tốn khá nhiều nguồn lực. Còn những dự án nguồn lực ít thì họ sẽ sử dụng bên trung gian hoặc nền tảng thứ ba để hỗ trợ việc tương tác xuyên chuỗi nhằm tối ưu chi phí và nguồn lực hơn.

    Cả hai khác nhau về cơ chế hoạt động tuy nhiên chúng đều giúp nâng cao tính linh hoạt và khả năng tương tác trong hệ sinh thái blockchain và tiền điện tử.

    Đọc thêm: So sánh Cross-chain và Multichain

    6. Top 5 cross-chain bridge hiệu quả

    Theo thống kê trên Defillama, dựa trên khối lượng giao dịch hàng ngày và số lượng giao dịch, Bigcoin đã chọn ra được 5 cầu nối cross-chain hàng đầu bao gồm: Stargate, Across, Synapse, Allbridge và Hop Protocol.

    6.1. Stargate

    Stargate là giải pháp cầu nối xuyên chuỗi ứng dụng công nghệ Omnichain của LayerZero, hiện đang là cầu nối chiếm nhiều thị phần nhất trên thị trường bridge.

    Cầu nối Stargate Finance
    Cầu nối Stargate Finance

    Ưu điểm:

    • Bảo mật: Giải pháp omnichain (ứng dụng LayerZero) của Stargate đang được đánh giá tốt về khả năng bảo mật, loại bỏ token trung gian và hạn chế được rủi ro mint khống token của mô hình Lock & Mint.
    • TVL: Stagate Finance hiện tại đang hoạt động trên 8 EVM chain với TVL đang ở mức hơn 300 triệu USD. Thời điểm đầu khi mới ra mắt, giao thức đã đạt được con số 4 tỷ USD TVL chứng tỏ sức hút của nền tảng mang công nghệ mới với các nhà đầu tư.
    • Phí giao dịch thấp: Mỗi lần chuyển giao không phải STG thông qua giao thức Stargate sẽ phải chịu phí 0.06%.

    Nhược điểm:

    • Phí phát sinh: Giao dịch trên Stagate bạn sẽ thấy bên cạnh “Gas fee” (phí gas người dùng trả cho mạng lưới) bạn sẽ phải chịu thêm một khoản phí gọi là “Gas cost”. Khoản phí này không cố định và thay đổi tùy thuộc vào mạng lưới giao dịch và hiện chưa rõ khoản phí này sẽ được đưa về đâu.
    • Không hỗ trợ swap token: Người dùng chỉ có thể chuyển đổi tài sản giữa các mạng lưới khác nhau mà không thể swap token trên cùng mạng lưới trên Stargate.

    6.2. Across Protocol

    Across Protocol là cầu nối xuyên chuỗi (cross-chain bridge) dành cho việc chuyển đổi tài sản giữa các blockchain Layer 2 với Ethereum và ngược lại.

    Cầu nối Across Protocol
    Cầu nối Across Protocol

    Ưu điểm:

    • Thời gian nhanh: nhờ cơ chế Relayer Fee để khuyến khích các Relayers có thể nhanh chóng chuyển tiếp tài sản mà tốc độ bridge trên Across diễn ra nhanh hơn. Một giao dịch trung bình được thực hiện sẽ rơi vào 2-3 phút.
    • Tính bảo mật cao: Across sử dụng cơ chế Optimistic Oracle (OO) của UMA giúp giao thức trở nên phi tập trung và tránh được các cuộc tấn công. Optimistic Oracle là oracle hoạt động thông qua cơ chế Data Verification Mechanism (DVM) giúp cung cấp dữ liệu cho các hợp đồng thông minh một cách chính xác nhất.
    • Không trượt giá: Across Protocol có cơ chế hỗ trợ giao dịch phải chịu mức độ trượt giá bằng 0 vì thế sẽ tối ưu cho các giao dịch có khối lượng lớn.

    Nhược điểm:

    • Không bridge được nhiều cặp token: Hiện tại Across Protocol chỉ hỗ trợ chuyển đổi 1 token giữa các mạng lưới blockchain khác nhau thay vì 2 token như một số bridge khác.
    • Hạn chế blockchain hỗ trợ: Across Protocol chỉ hỗ trợ 4 mạng lưới blockchain bao gồm Ethereum, Polygon, Optimism và Arbitrum.

    6.3. Synapse

    Synapse vừa là mô hình cầu nối xuyên chuỗi giúp chuyển đổi tài sản giữa các blockchain khác nhau vừa là cơ sở hạ tầng giúp các dApps xây dựng trên đó có khả năng tương tác xuyên chuỗi (tương tự LayerZero).

    Giao diện Synapse Bridge
    Giao diện Synapse Bridge

    Ưu điểm:

    • Airdrop phí gas: Người dùng cũng sẽ nhận được airdrop phí gas trên chuỗi đích và đảm bảo mức trượt giá bằng 0 khi giao dịch trên Synapse.
    • Bảo mật: Việc sử dụng hệ thống validators trong quá trình xác thực của giao thức Synapse và công nghệ MPC sẽ tăng độ bảo mật cho giao dịch và bảo vệ an toàn cho toàn bộ mạng lưới.
    • Cơ hội tăng lợi nhuận: Người dùng khi cung cấp thanh khoản cho các pool sẽ nhận được LP Token và tiếp tục stake để gia tăng lợi nhuận.

    Nhược điểm:

    • Hệ thống token trung gian phức tạp: Synapse sử dụng nToken làm token trung gian cho các hoạt động cross-chain khiến cho hệ thống token trở nên phức tạp và khó quản lý hơn.
    • Rủi ro bị de-peg: mặc dù token trung gian được back bởi stablecoin và ETH tuy nhiên nếu thị trường biến động khiến 1 trong 2 token bảo chứng bị sụt giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến token trung gian và hệ sinh thái Synapse cũng phần nào chịu ảnh hướng theo đó.

    6.4. Allbridge

    Allbridge là một cầu nối blockchain được xây dựng trên Solana, hỗ trợ 2 tính năng chính là Swap stablecoins và Bridge tokens.

    Cầu nối Allbridge
    Cầu nối Allbridge

    Ưu điểm:

    • Phương pháp single-signature: Hiện nay các giao dịch trên blockchain đều cần sự xác nhận từ hầu hết các validator, tuy nhiên Allbridge đang hướng đến việc một validator xác nhận là giao dịch sẽ được chấp nhận.
    • Mức phí rẻ và tốc độ giao dịch nhanh: Được xây dựng trên Solana nên cho phép người dùng giao dịch nhanh với mức phí thấp.
    • Đơn giản: giao diện dễ nhìn và dễ sử dụng, người dùng chỉ cần thực hiện thao tác chọn và gửi token trên mạng lưới mong muốn dễ dàng trên Allbridge.

    Nhược điểm:

    • Hạn chế blockchain hỗ trợ: Allbridge là giải pháp cầu nối khá lâu đời nên hiện tại cầu nối này không mở rộng hỗ trợ các blockchain mới như zkEVM hay zkRollups,.. vì thế người dùng chỉ có thể chuyển đổi tài sản trên các blockchain cũ.
    • Cơ chế cũ: Allbridge hoạt động theo cơ chế lock & mint theo mô hình cũ khiến việc thu hút thêm người dùng mới khó có khả năng cạnh tranh với các giải pháp cross-chain bridge hiện giờ.

    6.5. Hop Protocol

    Hop Protocol là cầu nối cross-chain bridge giúp chuyển token giữa các mạng lưới Layer 2 của Ethereum dựa trên thiết kế Liquidity Network Bridge. Để thực hiện việc chuyển đổi token giữa các mạng lưới thì Hop Protocol sử dụng token trung gian là hToken.

    Cầu nối Hop Protocol
    Cầu nối Hop Protocol

    Ưu điểm

    • Vận chuyển tài sản giữa các Layer 2 nhanh chóng: Token trung gian (cross-chain token) của Hop Protocol đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa cơ chế hoạt động của giải pháp cầu nối hiện tại.
    • Chuyển đổi tài sản xuyên chuỗi: Hop Protocol hiện đang hỗ trợ tài sản là USDC, USDT, MATIC, ETH, DAI là chủ yếu. Các chains được hỗ trợ là Arbitrum, Optimism, xDAI, Polygon và Ethereum Mainnet.

    Nhược điểm

    • Ít mạng lưới: hiện Hop tập trung chủ yếu vào các mạng lưới L2 vì thế không có nhiều lợi thế về thị phần cross-chain bridge.
    • Thanh khoản thấp: Hiện tại pool thanh khoản trên HOP với TVL cao nhất chỉ đạt được con số là 6 triệu USD và lợi nhuận chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích người dùng tiếp tục cung cấp thanh khoản trên nền tảng này.
    • Trượt giá: Hop Protocol hoạt động theo mô hình AMM swap (phí giao dịch khoảng 0.04%) vì thế dẫn đến độ trượt giá lớn và không phù hợp với những giao dịch có khối lượng lớn.

    7. Các vụ hack cross-chain bridge đáng chú ý

    Cross-chain bridge luôn trở thành tâm điểm đáng chú ý của những hacker đồng thời cho thấy một số lỗ hổng bảo mật liên quan đến công nghệ cầu nối này.

    Theo Chainalysis ước tính rằng đã có hơn 2 tỷ USD tiền điện tử đã bị đánh cắp bởi những hacker từ các cross-chain bridge. Tính từ đầu năm 2022, có liên tiếp xảy ra 13 vụ hack, chiếm 69% tổng số tiền bị đánh cắp.

    Thống kê tài sản bị hack trên cross-chain bridge
    Thống kê tài sản bị hack trên cross-chain bridge

    7.1 Dưới đây là thông tin 1 số cross-chain bridge bị hack.

    • Wormhole

    Trên Solana, hacker đã bỏ qua quy trình “xác minh chữ ký” nhờ một hàm chưa được cập nhật lại trên hợp đồng, cho phép kẻ tấn công đưa vào các dữ liệu độc hại và từ đó tạo ra một thông điệp giả để đúc Ether được bọc bởi Wormhole ($weWETH). Tổng thiệt hại của vụ hack lên tới 321 triệu USD.

    • Ronin Bridge

    Ronin Bridge của Axie Infinity đã bị hacker tấn công với số tiền 173.600 ETH và 25.5 triệu USDC đã bị rút khỏi Ronin Bridge, với tổng số thiệt hại mà vụ tấn công gây ra là hơn 600 triệu đô la.

    Được biết các hacker đã tìm thấy lỗ hỏng thông qua RPC và các tin tặc đã quản lý để truy cập vào các khóa riêng tư của các node trình xác thực, dẫn đến việc xâm phạm 5 node trình xác thực. Sau khi vụ hack xảy ra cầu Ronin đã bị đóng cửa, tất cả các khoản tiền gửi và rút đều bị tạm dừng.

    • Horizon

    Hacker đã tìm ra lỗ hổng trên cầu nối Horizon và đánh cắp được số tài sản bao gồm 13.100 ETH, 592 WBTC, 9.9 triệu USDT, 41.2 triệu USDC, 6 triệu DAI, 5.5 triệu BUSD, 5.6 triệu FRAX, cùng với một số token ERC20 khác. Số tiền này chiếm 2/3 trên tổng số tiền trên Horizon Bridge.

    • Poly Network

    Poly Network bị hack với tổng thiệt hại ước tính tối thiểu vào khoảng hơn 600 triệu USD. Nguyên nhân là hậu quả của lỗ hổng hợp đồng thông minh cho phép hacker đã “tạo ra một tham số độc hại có chứa chữ ký xác nhận giả mạo và tiêu đề khối”.

    Sau đó mã độc này đã được hợp đồng thông minh chấp nhận cho phép tin tặc bỏ qua quy trình xác minh cho phép chúng phát hành token từ nhóm Ethereum của Poly Network đến địa chỉ của chính chúng trên các chuỗi khác, chẳng hạn như Metis, BNB Chain và Polygon. Quá trình này được lặp lại đối với các chuỗi khác cho đến khi lượng token lên đến hàng chục tỷ USD.

    • Nomad Bridge

    Do lỗ hỏng bảo mật nên các hacker đã có thể bỏ qua được quy trình xác minh tin nhắn, từ đó các hacker đã tấn công một cách có hệ thống vào quỹ của cầu nối thông qua một chuỗi dài các giao dịch. Sau khi vụ việc xảy ra cầu nối Nomad đã mất liên tiếp số tiền 10 triệu đô vào mỗi phút và toàn bộ số tiền được đánh cắp bởi hacker được chuyển đến cầu dưới dạng WBTC và WETH.

    7.2. Bài học rút ra

    Có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu của các cuộc tấn công đến từ lỗ hổng trong smart contract của cross-chain bridge và khiến nhiều người nghi ngại về mức độ an toàn của các nền tảng trung gian này.

    Mặc dù một số cầu ngay lập tức đã có phương án xử lý và hoàn tiền lại cho người dùng tuy nhiên đây cũng là một hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ đối với công nghệ cross-chain.

    Với vai trò là một người dùng của các sản phẩm DeFi, bạn cần thấy được những giải pháp mà cross-chain mang lại cho thị trường crypto, đó chính là sự tương tác (Interoperability).

    Điều này rất quan trọng vì chúng cho phép người dùng di chuyển vốn của họ từ blockchain này đến blockchain khác một cách dễ dàng để “kiếm tiền". Đây cũng là lý do mà mình tin rằng mảng này sẽ phát triển mạnh trong tương lai.

    Tuy nhiên, người dùng cần nhận thức được các rủi ro của sản phẩm cross-chain để có phương án phòng tránh. Các giải pháp Cross-chain hiện tại vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển và tồn tại rất nhiều vấn đề từ bảo mật, phân quyền đến khả năng mở rộng.

    Hãy liên tục theo dõi và cập nhật tin tức liên quan đến nền tảng bạn đang để tài sản của mình trên đó hoặc đang sử dụng trên kênh thông tin chính thức của dự án (Twitter và Discord) hoặc trên các nhóm cộng đồng uy tín. Ngoài ra, ghi nhớ nguyên tắc không bao giờ để trứng vào một giỏ để tránh các tình huống xấu xảy ra khiến bạn mất toàn bộ tài sản.

    8. Kết luận

    Hệ sinh thái DeFi ngày càng phát triển và không có một blockchain nào có thể thống trị tất cả, kể cả Bitcoin hay Ethereum. Hệ sinh thái càng đa dạng thì đòi hỏi khả năng tương tác càng cao. Các cross-chain bridge chính là giải pháp cho vấn đề này và đó là lí do vì sao cross-chain bridge là xu hướng tất yếu trong dòng chảy DeFi.

    Chúng không chỉ giúp loại bỏ sự tắc nghẽn của các hệ sinh thái mà còn đem đến khả năng tiếp cận đến nguồn thanh khoản lớn hơn cho người dùng. Tuy nhiên, cross-chain bridge cũng là miếng mồi hấp dẫn của các cuộc tấn công.

    Vì điều đó mà có nhiều giải pháp công nghệ mới ra đời để cải tiến những hạn chế hoặc lỗ hổng bảo mật của các mô hình cross-chain bridge cũ.

    Đọc thêm:

    Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính. Tham gia nhóm chat Bigcoinchat để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường.

    Thảo luận thêm tại

    Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

    Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

    Twitter: https://twitter.com/BigcoinVN 

    VitNhoNho

    VitNhoNho

    Một người yêu thích crypto, liên tục học hỏi, tìm hiểu những nội dung mới nhất trên thị trường

    5 / 5 (6Bình chọn)

    Bài viết liên quan