5 bước quan trọng để lập kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả

ByLeahhere01/10/2023
Đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao mình vẫn mãi luôn hoay hoay và chật vật trong cuộc sống hàng ngày khi cố gắng kiếm tiền mãi nhưng vẫn không đạt được những mục tiêu của mình? Có lẽ là do bạn vẫn chưa thực sự nghiêm túc ngồi lại để xây dựng một kế hoạch tài chính cụ thể cho riêng mình. Vậy tại sao phải lập kế hoạch tài chính và nên bắt đầu từ đâu? Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng Bigcoin tìm hiểu 5 bước để lập kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả.

1. Kế hoạch tài chính cá nhân là gì?

Có lẽ, cụm từ “lập kế hoạch tài chính” thường được nhắc tới phổ biến hơn trong các tổ chức và doanh nghiệp. Tuy nhiên việc lập kế hoạch tài chính cá nhân lại được xem là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong quá trình giúp bản thân mình dễ dàng tiến tới các mục tiêu dài hạn trong cuộc sống.

Kế hoạch tài chính cá nhân là một bảng kế hoạch thống kê dòng tiền thu nhập và chi tiêu của cá nhân, đồng thời xác định các kế hoạch tích luỹ và phân bổ dòng vốn của cá nhân.

Việc lập kế hoạch tài chính cá nhân sẽ giúp bản thân nắm rõ chính xác được tình hình tài chính cụ thể của mình, tỉ lệ dòng tiền vào - ra và thiết lập được những kế hoạch phân bổ dòng tiền để đạt được những mục tiêu cá nhân, đặc biệt là những mục tiêu dài hạn.

Ảnh

Kế hoạch tài chính cá nhân là gì?

2. Tại sao cần lập kế hoạch tài chính cá nhân?

Kế hoạch tài chính cá nhân

Lý do cần lập kế hoạch tài chính cá nhân

Việc lập kế hoạch tài chính cá nhân mang lại những lợi ích sau:

  • Giúp việc quản lý tài chính dễ dàng, cụ thể hơn: Việc lập kế hoạch tài chính, sẽ giúp bạn nắm rõ được chính xác dòng tiền vào ra của mình để kịp thời phát hiện ra vấn đề và cân đối lại phù hợp hơn.
  • Chủ động phân bổ dòng tiền hợp lý, hạn chế áp lực tiền bạc: Khi lập kế hoạch tài chính cụ thể, bạn sẽ là người chủ động trong việc phân bổ dòng tiền rõ ràng vào từng hạng mục, hạn chế việc bị cuốn theo các hoạt động hàng tháng, bị động trong trường hợp phát sinh các tình huống bất ngờ và luôn trong tình trạng áp lực tiền bạc hàng tháng. Tham khảo việc phân bổ dòng tiền vào 6 chiếc lọ hoặc quy tắc 50-30-20.
  • Dễ dàng ứng phó trong các tình huống không lường trước: Đôi lúc, trong cuộc sống sẽ phát sinh các tình huống bất ngờ khiến bạn không thể kịp xoay sở vì không có sự chuẩn bị trước. Nhưng khi lập kế hoạch tài chính rõ ràng và chủ động có một phần vốn dành cho những vấn đề đó sẽ giúp bạn không bị hoang mang và bế tắc.
  • Chuẩn bị cho những mục tiêu dài hạn: Những mục tiêu dài hạn là những mục tiêu chưa thể đạt được ngay trong một thời gian ngắn, cần chuẩn bị rất nhiều nguồn lực từ thời gian, tiền bạc và công sức, ví dụ như mua nhà, mua xe, kinh doanh,… Việc lập kế hoạch tài chính rõ ràng sẽ giúp bạn hoạch định được các bước chi tiết, và quản lý tiền bạc, biết được chính xác mình cần làm gì ở khoảng thời gian nào và mất bao lâu để thực hiện mục tiêu đó.

3. 5 bước cần thiết để lập kế hoạch tài chính các nhân hiệu quả

Thực tế, việc lập kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả sẽ tuỳ thuộc vào tình hình tài chính và mục tiêu thực tế của mỗi người. Sẽ không có một quy tắc quy chuẩn nào cho việc lập kế hoạch tài chính cá nhân một cách chính xác tuyệt đối. Dưới đây sẽ là một số bước quan trọng cho mọi người tham khảo trong việc thiết lập một kế hoạch tài chính cá nhân cho riêng mình

Kế hoạch tài chính cá nhân

Các bước quan trọng lập kế hoạch tài chính cá nhân

Bước 1: Thống kê chi tiết và đánh giá tình hình tài chính cá nhân hiện tại

Đầu tiên, bạn cần lập một bảng thống kê tài chính, thu nhập và chi tiêu của mình một cách cụ thể nhất có thể, tốt nhất là trong khoảng thời gian tối thiểu 3 tháng. Sau đó, phân chia các khoản chi bắt buộc (cần thiết) và những khoản không thật sự cần thiết.

Dựa vào đây, bạn có thể hình dung ra tổng quan bức tranh phân bổ chi tiêu của mình trên tổng thu nhập. Thường bức tranh tài chính này sẽ bao gồm các hạng mục: tổng thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, tài sản, nợ.

Bước 2: Thiết lập mục tiêu

Sau khi đã nắm rõ bức tranh tổng quan tài chính của bản thân hiện tại, bạn nên đặt ra những mục tiêu và dự định muốn thực hiện trong tương lai, chia thành các giai đoạn cụ thể và xác định những việc cần làm, mất bao lâu để có thể đạt được mục tiêu. Mục tiêu nên chia thành các loại:

  • Mục tiêu ngắn hạn: thường là những mục tiêu muốn hoàn thành sớm và có khả năng hoàn thành trong thời gian ngắn, ví dụ mua sắm đồ gì đó cho cá nhân, gia đình, tặng bố mẹ một chuyến đi du lịch nhỏ, hoàn thành khoản nợ nào đó hay chỉ đơn giản là mỗi tháng tiết kiệm được bao nhiêu tiền.
  • Mục tiêu trung hạn: thường là mục tiêu cho khoảng thời gian 10 đến 20 năm tới và cần đủ thời gian để có thể thực hiện, ví dụ như mua nhà, mua xe, bắt đầu kinh doanh một lĩnh vực nào đó.
  • Mục tiêu dài hạn: đây sẽ là kế hoạch cho tương lai, cần đủ thời gian và chiến lược cho những khoảng thời gian dài ví dụ như hướng tới tự do tài chính, kế hoạch nghỉ hưu hay cuộc sống về già.

Một trong những key words chung để có thể đạt được những mục tiêu này chính là sự kiên nhẫn và kỉ luật.

Bước 3: Phân bổ tài chính

Sẽ có rất nhiều cách thức khác nhau để phân bổ tài chính cá nhân và không có một quy tắc nào được xem là tiêu chuẩn. Bạn có thể lựa chọn phân bổ tài chính của mình dựa trên nguyên tắc 6 cái lọ hoặc quy tắc 50-30-20, đây là 2 phương thức phổ biến nhất.

Việc phân bổ dòng tiền thành những khoản nhỏ vừa giúp chúng ta bám sát kế hoạch và cũng có những chiến lược tốt nhất để tối ưu nguồn tiền của mình.

Quy tắc 6 cái lọ

Kế hoạch tài chính cá nhân

Quy tắc 6 chiếc lọ tài chính

Đây có lẽ là quy tắc phổ biến nhất trong việc quản lý tài chính. Tuỳ vào tình hình tài chính và mục tiêu của từng cá nhân, mà số phần trăm có thể được thay đổi linh hoạt để đạt được hiệu quả tối ưu nhất. Nhưng nguồn tiền nên được phân bổ vào các hạng mục lớn như là: nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, ăn uống, tiền điện, nước,…), tiết kiệm, phát triển bản thân (khoá học, sách, sức khoẻ,…), giải trí (hưởng thụ cuộc sống, vui chơi), đầu tư sinh lợi (chứng khoán, crypto, bất động sản,…) và trao đi (từ thiện, giúp đỡ người khác).

Quy tắc 50-30-20

Kế hoạch tài chính cá nhân

Quy tắc 50/30/20 trong thiết lập tài chính cá nhân

Ngoài phương pháp 6 cái lọ bên trên, bạn có thể chia dòng tiền của mình thành 3 phần chính: nhu cầu thiết yếu (Cần), mong muốn và sở thích cá nhân (Muốn) và các khoản tiết kiệm và đầu tư (Mục tiêu).

Tuỳ thuộc vào tình hình tài chính cá nhân hiện tại và mục tiêu cá nhân của mình mà bạn có thể lựa chọn phương pháp khác nhau, miễn là phù hợp và có vẻ tối ưu nhất với bản thân mình. Tuy nhiên, dù là phương pháp nào thì việc kiên trì, kỷ luật luôn là yếu tố quan trọng nhất.

Bước 4: Đánh giá lại tiến trình thực hiện kế hoạch

Sau mỗi 3 tháng thực hiện theo kế hoạch tài chính, bạn nên dành thời gian để đánh giá lại liệu mình có đang tuân thủ kế hoạch ban đầu chặt chẽ không. Kế hoạch đó có hiệu quả và vẫn đang phù hợp với những mục tiêu mà mình đề ra ban đầu hay có cần điều chỉnh và sửa đổi gì không.

Việc đánh giá lại là vô cùng quan trọng, vì có thể kế hoạch đề ra ban đầu phù hợp với thời điểm đó, nhưng trong quá trình thực hiện, có nhiều thay đổi khiến cho kế hoạch không còn phù hợp với mong muốn và mục tiêu của bản thân nữa.

Bước 5: Điều chỉnh lại nếu cần thiết để phù hợp với tình hình hiện tại

Trong trường hợp, kế hoạch đang không giúp mình đạt được những kết quả mong muốn, hoặc có vấn đề gì phát sinh gây ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình thực hiện, bạn nên ngồi lại để điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Kiên nhẫn và kiên trì là 2 yếu tố quan trọng trong việc giúp kế hoạch tài chính hiệu quả nhưng sự linh hoạt cũng không thể thiếu trong việc thiết lập kế hoạch tài chính cá nhân được. Không nên dập khuôn theo một kế hoạch mà sau một thời gian dài thử nghiệm lại không mang lại kết quả mong muốn hoặc có lỗ hổng nào đó phát sinh.

4. Một số lưu ý giúp lập kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả

  • Hiện nay, việc lập kế hoạch tài chính đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều bằng việc sử dụng các ứng dụng theo dõi và quản lý tài chính ngay trên thiết bị di động của chính mình. Bạn nên sử dụng các ứng dụng đó thay vì sử dụng việc thống kê thủ công như viết tay hay excel.
  • Luôn đặt những yếu tố quan trọng lên đầu trong quá trình thực hiện: cụ thể, kiên nhẫn, kỷ luật và linh hoạt.
  • Luôn bám sát và theo dõi quá trình thực hiện kế hoạch, có sự đánh giá và quan sát lại từng giai đoạn để chủ động điều chỉnh và khắc phục nếu trong trường hợp bản thân đang chưa thực hiện nghiêm túc.

5. Kết luận

Trên đây là các bước quan trọng giúp bạn có thể bắt đầu lập kế hoạch tài chính cá nhân cho riêng mình một cách hiệu quả và dễ dàng. Hy vọng những thông tin trong bài viết có thể giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về kế hoạch tài chính cá nhân, tại sao cần thiết lập nó và nên thực hiện như thế nào.

Chúc bạn thành công trên con đường thiết lập kế hoạch tài chính cá nhân cho bản thân.

Theo dõi đội ngũ Bigcoin để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích hơn nữa về tài chính!

Đọc thêm

Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính. Tham gia nhóm chat Bigcoinchat để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường.

Thảo luận thêm tại

Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

Twitter: https://twitter.com/BigcoinVN 

Leahhere

Leahhere

- You have to be enough for you

5 / 5 (1Bình chọn)

Bài viết liên quan