1. Tổng quan
Real World Assets - RWAs là một trong những mảnh ghép đã phát triển ấn tượng trong 1-2 năm vừa qua.
Cụ thể, Real World Assets chỉ những tài sản ngoài thế giới thực (Trái phiếu, Bất động sản, Xe, đồng hồ, kim cương, vàng…) được token hoá ở dạng Coin, NFTs…
Với các tài sản này khi được token hoá, người dùng sẽ nhận được lợi nhuận bền vững hơn, đặc biệt là tham gia vào các hoạt động Defi như Lending/Borrowing, sử dụng đòn bẩy…
RWAs được xem như một “cây cầu” quan trọng nhằm rút ngắn khoảng cách giữa thế giới thực và thị trường tiền điện tử và trở thành một xu hướng tất yếu trong thời gian vừa qua.
Hiện nay, token hoá tài sản là một trong những “miếng bánh” được hàng loạt các tổ chức lớn trên thế giới chú ý đến, đặc biệt trong đó có thể kể đến như BlackRock, JP Morgan, Franklin Templeton…
Ở thời điểm hiện tại, tổng quan tài sản RWA trên chuỗi (on-chain) đang đạt hơn 11 tỷ USD tuy nhiên đây chỉ là giai đoạn khởi đầu và số lượng tài sản được token hóa vẫn đang tăng hàng ngày.
Xem thêm về những dự án RWAs đáng chú ý tại đây:
https://theblock101.com/real-world-asset-rwa-la-gi
2. Những điểm đáng chú ý
2.1 BlackRock’s BUIDL
BlackRock’s BUIDL là quỹ token hóa tài sản đầu tiên của BlackRock. Nói thêm về BlackRock, đây là một tập đoàn quản lý đầu tư và hiện đang là nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới lên đến hơn 6000 tỷ USD.
Với việc xuất hiện và đẩy mạnh việc token hóa tài sản lên blockchain, Blackrock đóng vai trò là một trong những tổ chức hàng đầu tiên phong trong việc này.
Vào tháng 3/2024, BlackRock kết hợp cùng Securitize ra mắt quỹ BUIDL, đây là một quỹ token hóa hoạt động trên blockchain Ethereum. Được thiết kế cho các nhà đầu tư tổ chức, quỹ này cho phép đầu tư vào USD với mức lợi nhuận ổn định thông qua công nghệ blockchain.
Với mức đầu tư tối thiểu 5 triệu USD, BUIDL kết hợp sự minh bạch và bảo mật của blockchain với các tài sản truyền thống như trái phiếu kho bạc Mỹ.
Điều này giúp đảm bảo sự an toàn và tính thanh khoản, đồng thời mở ra một cách tiếp cận mới trong việc quản lý tài sản kỹ thuật số.
Tới thời điểm hiện tại, BlackRock đang là sản phẩm kho bạc hàng đầu với vị thế của mình, dự án của BlackRock đã thu hút hơn 500 triệu USD sau 4 tháng khởi chạy, theo sau chính là quỹ của Franklin Templeton hiện đang quản lý hơn 1,5 nghìn tỷ USD.
2.2 TVL và Defi
Với việc RWAs trở thành các tài sản được thế chấp trong thế giới Defi, điều này mang lại nguồn lợi nhuận ổn định và bền vững hơn.
Ngoài ra, những người token hóa tài sản đến với thế giới Defi cũng có nhiều cơ hội khai thác được lợi nhuận tốt hơn với APY vượt trội so với thị trường truyền thống.
Tính tới tháng 8/2024, các giao thức Defi đang phát triển về RWAs đang thu hút đến hơn 6 tỷ USD, đây là một con số tương đối ấn tượng dù chỉ mới tăng mạnh từ nửa đầu năm 2023.
Hơn nữa, với sự hỗ trợ và tham gia của hàng loạt tổ chức tài chính lớn từ truyền thống lẫn Web3 truyền thống, con số này hoàn toàn có thể dễ dàng được “thổi lên” mạnh mẽ trong tương lai.
Đến thời điểm hiện tại, một số giao thức đang tận dụng rất tốt cơn sóng RWAs và có những sản phẩm phù hợp với tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai có thể kể đến như Centrifuge, Aave, Maker DAO, Ondo Finance…
Ngoài ra, các giao thức RWAs hiện cũng đang nhận được sự chú ý từ các quỹ đầu tư, trong đó Securitize là một dự án đáng chú ý khi thành công gọi vốn hơn 100 triệu USD từ những quỹ hàng đầu thế giới, trong đó có BlackRock.
2.3 Tokenized Asset Coalition
Tokenized Asset Coalition (TAC) - một tổ chức được thành lập ra với mục tiêu to lớn nhằm đưa hàng ngàn tỷ USD từ thế giới thực đến với Blockchain.
Mục tiêu của tổ chức này là kết hợp giữa tài chính truyền thống và tài chính tiền điện tử để tạo ra một hệ sinh thái tài chính toàn diện hơn.
Đây là một tổ chức hoạt động với ba lĩnh vực chính:
- Giáo Dục (Education): Tạo nội dung giáo dục, tổ chức sự kiện, thực hiện phân tích và chia sẻ thông tin nhằm nâng cao niềm tin và hiểu biết về token hóa tài sản thực tế.
- Ủng Hộ (Advocacy): Chia sẻ các nguyên tắc chung, thực tiễn tốt nhất và khuyến nghị ngành để thúc đẩy sự tuân thủ và phát triển của ngành công nghiệp token hóa.
- Xây Dựng (Build): Phát triển cơ sở hạ tầng onchai) phục vụ các nhà đầu tư tổ chức, phát hành, giao thức, nền tảng và người dùng, nhằm thúc đẩy việc áp dụng tài sản thực tế được token hóa.
Có thể nói, đây là một trong những tổ chức quy tụ hàng loạt cái tên “máu mặt” của thị trường tiền điện tử với một mục tiêu chung và tầm nhìn chung với hàng loạt cái tên như Circle, Base, Solana, Avalance, Coinbase, Securitize, Centrifuge, Goldfinch, Chainlink, Parafi, Ondo….
3. Tầm Quan Trọng Của RWAs Trong Thị Trường Tiền Điện Tử
RWAs đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng khả năng của thị trường tiền điện tử. Bằng cách token hóa các tài sản thế giới thực, RWAs giúp tăng cường tính thanh khoản, tăng cơ hội đầu tư và giảm thiểu rủi ro đối với các nhà đầu tư.
3.1 Mở Rộng Thị Trường
RWAs giúp đưa các tài sản truyền thống vào thị trường tiền điện tử, tạo điều kiện cho một thị trường tài sản mới mẻ và rộng lớn hơn.
Điều này không chỉ tạo ra thêm cơ hội cho các nhà đầu tư tiền điện tử mà còn giúp các nhà đầu tư truyền thống tiếp cận dễ dàng hơn với các cơ hội đầu tư trên blockchain.
3.2 Tăng Tính Thanh Khoản
Với việc token hóa, các tài sản như bất động sản hay trái phiếu có thể được chia nhỏ và giao dịch trên các sàn giao dịch tiền điện tử, từ đó giúp tăng tính thanh khoản cho các tài sản vốn dĩ kém thanh khoản.
Điều này cho phép các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vào các thị trường mà trước đây chỉ dành cho các nhà đầu tư lớn.
3.3 Giảm Thiểu Rủi Ro
Việc đa dạng hóa các loại tài sản trong thị trường tiền điện tử thông qua RWAs cũng giúp giảm thiểu rủi ro tổng thể cho các nhà đầu tư.
Khi thị trường tiền điện tử nổi tiếng với khả năng biến động, RWAs có thể cung cấp một lựa chọn an toàn hơn với tính ổn định của tài sản thế giới thực như vàng, kim cương, trái phiếu chính phủ….
4. Dự phóng về Dư Địa và Tiềm Năng cho Mảnh Ghép Token Hóa Tài Sản
4.1 Tăng Trưởng Đáng Kể về Quy Mô Thị Trường
Trong vài năm tới, thị trường token hóa tài sản dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng vượt bậc, với quy mô hàng nghìn tỷ USD. Hiện tại, dù chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu với giá trị token hóa on-chain đạt hơn 11 tỷ USD, xu hướng này được kỳ vọng sẽ mở rộng mạnh mẽ nhờ sự quan tâm từ các tổ chức lớn như BlackRock, JP Morgan, và Franklin Templeton.
Theo một báo cáo bởi Boston Consulting Group, thị trường tài sản được token hóa dự kiến sẽ đạt 16 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Điều này tương đương khoảng 10% GDP toàn cầu vào cuối thập kỷ này. So với năm 2022, khi giá trị tài sản token hóa chỉ là 310 tỷ USD, đây là một mức tăng trưởng rất lớn.
Dự đoán này bao gồm cả việc token hóa tài sản trên chuỗi (như trên blockchain) và phân mảnh tài sản truyền thống (như quỹ hoán đổi danh mục ETF và quỹ đầu tư bất động sản REITs).
Tuy đây chỉ là một trong những dự đoán mang tính chất tham khảo, nhưng token hóa tài sản đang là một mảnh ghép được đánh giá cực kì tiềm năng trong tương lai bởi nhiều doanh nghiệp trên thế giới.
4.2 Mở Rộng Phạm Vi Ứng Dụng
Dư địa phát triển cho mảnh ghép token hóa tài sản không chỉ giới hạn ở các tài sản truyền thống như bất động sản, trái phiếu, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như nghệ thuật, xe hơi, và các tài sản giá trị cao khác. Việc token hóa sẽ giúp các loại tài sản này dễ dàng được giao dịch, thanh khoản cao hơn, và tiếp cận được nhiều nhà đầu tư hơn.
4.3 Tích Hợp và Hợp Tác Đa Dạng
Sự tích hợp giữa các hệ sinh thái DeFi và CeFi sẽ thúc đẩy sự phát triển của token hóa tài sản. Các dự án token hóa sẽ dần kết hợp với các ứng dụng DeFi để cung cấp các sản phẩm tài chính phức hợp, từ lending/borrowing đến staking và yield farming, tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
4.4 Tăng Trưởng của Cơ Sở Hạ Tầng và Hệ Sinh Thái
Sự phát triển của cơ sở hạ tầng blockchain, đặc biệt là các giải pháp Layer 1 và các blockchain chuyên biệt dành cho RWAs. Hiện nay, các giao thức RWA chủ yếu được triển khai trên các blockchain như Ethereum và các blockchain khác.
Mặc dù có lợi ích như dễ phát triển và có sẵn người dùng crypto-native, nhưng cũng tồn tại những bất lợi về vận hành và kỹ thuật. Đặc biệt là việc yêu cầu KYC đối với các người dùng, thứ mà người dùng trên blockchain không muốn bị xâm phạm chính là quyền riêng tư và tính bảo mật cá nhân. Ngoài ra, các blockchain thường thấy không được thiết kế để tuân thủ các quy định và logic phân quyền, dẫn đến việc các giao thức RWA gặp khó khăn trong việc tuân thủ quy định và bảo mật, như yêu cầu KYC nghiêm ngặt.
Sự tuân thủ quy định sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy niềm tin và sự tham gia của các tổ chức vào mảnh ghép token hóa tài sản.
4.5 Tính Thanh Khoản và Tiếp Cận Cao
Việc token hóa giúp tăng cường tính thanh khoản của các tài sản vốn dĩ khó giao dịch, như bất động sản hay các tài sản xa xỉ. Điều này sẽ làm tăng khả năng tiếp cận của nhà đầu tư cá nhân đến các loại tài sản này, tạo ra thị trường thứ cấp sôi động hơn.
4.6 Khả Năng Tạo Ra Thu Nhập Thụ Động
Với sự phát triển của các nền tảng DeFi, các tài sản token hóa không chỉ là phương tiện đầu tư mà còn có thể trở thành công cụ tạo ra thu nhập thụ động thông qua các cơ chế như staking hoặc tham gia vào các pool thanh khoản.
4.7 Rủi Ro và Thách Thức
Dù có nhiều tiềm năng, việc phát triển mảng token hóa tài sản vẫn đối mặt với thách thức như vấn đề bảo mật, rủi ro pháp lý, và tính phức tạp trong việc định giá tài sản.
Tuy nhiên, với sự cải tiến không ngừng của công nghệ blockchain và sự vào cuộc của các tổ chức lớn, những thách thức này sẽ dần được giải quyết.
5. Hạn chế và rào cản
Tuy tiềm năng tương lai là vậy, hiện RWAs vẫn là mảnh ghép còn mới và tồn đọng nhiều rào cản đối với thị trường chung và đặc biệt là crypto.
Các rào cản có thể liệt kê như sau:
5.1 Pháp Lý và Quy Định
- Tuân Thủ Quy Định: Phải tuân thủ các quy định tài chính nghiêm ngặt, điều này có thể khó khăn trong môi trường blockchain phi tập trung.
- Chấp Nhận Pháp Lý: Khung pháp lý chưa hoàn thiện ở nhiều quốc gia tạo ra sự không chắc chắn.
5.2 Bảo Mật và Quyền Riêng Tư
- Bảo Mật Dữ Liệu: Rủi ro bảo mật nếu thông tin nhạy cảm không được bảo vệ tốt.
- Quyền Riêng Tư: Thông tin trên blockchain có thể công khai, gây ra vấn đề về quyền riêng tư.
- Định Giá và Chứng Nhận
- Định Giá: Các chuẩn token có thể không linh hoạt để xử lý đặc thù của tài sản.
- Chứng Nhận: Cần cơ chế chứng nhận và kiểm tra để đảm bảo tài sản token hóa thực sự đại diện cho tài sản thực tế.
5.3 Tính Thanh Khoản
- Tính Thanh Khoản Thấp: Khó khăn trong việc đảm bảo tính thanh khoản, đặc biệt khi thị trường còn mới.
5.4 Rủi Ro Kỹ Thuật
- Bảo Mật Hợp Đồng Thông Minh: Hợp đồng thông minh có thể có lỗ hổng bảo mật và tạo nên nhiều mất mát lớn, trong quá khứ đã có một số giao thức RWAs bị khai thác như Maple
6. Tổng kết
Nhìn chung, RWAs là một trong những mảnh ghép cực kì quan trọng, đặc biệt là cầu nối giúp đưa Trad-fi đến gần hơn với Defi, đem một lượng tài sản và thanh khoản khổng lồ từ thế giới thực đến với Blockchain.
Ở thời điểm hiện tại, dù vẫn đang ở những bước đầu tiên phát triển tuy vậy ta có thể thấy RWAs đang dần được chú ý hơn, đặc biệt là những đồng coin RWAs có hoạt động tốt trong năm qua dường như tăng trưởng mạnh mẽ so với thị trường chung như Ondo, Centrifuge….
Real World Assets đóng vai trò là miếng bánh khổng lồ không thể bỏ qua của các tổ chức tài chính lớn trên thế giới, với việc khung pháp lý dành cho RWAs có thể hoàn thiện hơn trong tương lai, đây có thể là một trong những mảnh ghép có TVL khủng nhất trên thị trường khi có thể mở “cánh cổng” từ thế giới thực đến với Blockchain gần nhất.
Trên đây là những góc nhìn về mảnh ghép RWAs - một bức tranh không thể bỏ qua trong chu kì tăng trưởng sắp tới.
Đọc thêm: