theblock101

    Trần nợ công Mỹ là gì? Tác động của Trần nợ công Mỹ đến thị trường crypto

    ByTrang Ha04/05/2024
    Trần nợ công Mỹ, một thuật ngữ thường được nhắc đến trong các cuộc thảo luận về nền kinh tế Mỹ. Tác động của nó không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài chính truyền thống mà còn ảnh hưởng đến thị trường tiền điện tử. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn sâu hơn về khái niệm "Trần nợ công Mỹ" cũng như những tác động của nó đối với thị trường tiền mã hóa.

    1. Trần nợ công Mỹ là gì?

    Trần nợ công Mỹ là mức tối đa pháp lý về số tiền mà chính phủ Mỹ được phép vay mượn để chi trả cho các hoạt động của mình. Mỗi khi khối nợ của chính phủ Mỹ tiến đến gần mức trần, Quốc hội sẽ bỏ phiếu về việc tăng mức trần nợ công, và điều này yêu cầu sự ủng hộ từ cả Thượng viện và Hạ viện.

    Theo New York Times, chính phủ Mỹ liên tục đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách, có nghĩa là chi tiêu vượt quá thu nhập, điều này đòi hỏi họ phải vay mượn một số tiền lớn để chi trả các khoản chi phí như bảo hiểm y tế, lương hưu cho người già, lãi vay, và lương của các công nhân và binh sĩ.

    Trong cuộc tranh luận về việc nâng mức trần nợ công, nhiều nghị sĩ đề cập đến việc cần phải cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, quyết định nâng mức trần nợ công không đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ có thêm ngân sách để chi trả cho các hạng mục mới, mà chỉ đơn giản là để đảm bảo họ có đủ tiền để trả các nghĩa vụ tài chính đã phát sinh. Khi chạm trần nợ, Mỹ sẽ không thể vay mới để thanh toán các khoản nợ cũ đến hạn, dẫn đến tình trạng vỡ nợ.

    Trần nợ công Mỹ là gì?
    Trần nợ công Mỹ là gì?

    2. Lịch sử trần nợ công Mỹ

    2.1. Nguồn gốc hình thành trần nợ công Mỹ

    Trần nợ công Mỹ có nguồn gốc từ thế kỷ 18, khi mỗi lần chính phủ muốn vay mượn qua phát hành trái phiếu đều phải xin ý kiến của Quốc hội, quy trình này rất tốn thời gian. Từ năm 1917 trở đi, Quốc hội Mỹ bắt đầu áp dụng trần nợ công. Chính phủ được phép vay mượn một cách linh hoạt tùy theo nhu cầu, miễn là không vượt trần.

    2.2. Lịch sử thay đổi trần nợ công Mỹ

    Theo Bộ Tài chính Mỹ, từ năm 1960 tới nay, Quốc hội Mỹ đã thực hiện 78 lần nâng trần nợ công. Đôi khi, thay đổi này có thể xảy ra hàng ngày như vào tháng 10/1977 hoặc tháng 8/1978. Những đôi khi, một ngày cũng có thể xảy ra hai lần thay đổi như vào ngày 30/09/1981.

    Hầu hết các điều chỉnh này thường là tăng lên, tuy nhiên cũng có một số lần giảm xuống do sự không đồng thuận tạm thời giữa các nhà lập pháp. Trong những trường hợp này, mức trần nợ hiện hành sẽ hết hiệu lực và tự động trở về mức thấp trước đó.

    Lịch sử thay đổi trần nợ công Mỹ
    Lịch sử thay đổi trần nợ công Mỹ

    Hầu hết các lần nâng mức trần nợ đều diễn ra một cách trôi chảy. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cuộc đàm phán về việc nâng mức trần nợ đã trở thành một chu kỳ nguy hiểm, gây tranh cãi tại Washington, khi mà cả hai Đảng đều "vũ khí hóa" vấn đề này.

    Cụ thể, Đảng đang ở tỷ lệ thiểu số hoặc không kiểm soát Nhà Trắng thường đưa ra các yêu cầu về hướng đi của chính sách, trong khi Đảng nắm quyền lực ở Nhà Trắng hoặc chiếm ưu thế trong Quốc hội Mỹ thường sử dụng việc nâng mức trần nợ làm công cụ đàm phán để đạt được các thỏa thuận chính sách hoặc truyền đạt thông điệp chính trị. Do đó, các cuộc đàm phán về việc nâng mức trần nợ thường kéo dài và căng thẳng, và mọi sự tính toán sai lầm từ phía các nhà lập pháp có thể đẩy chính phủ Mỹ vào tình trạng rủi ro về việc vỡ nợ.

    2.3. Sự xuất hiện của đồng hồ nợ công

    Seymour Durst, một nhà phát triển bất động sản New York, đã lắp đặt một chiếc đồng hồ đếm nợ công tại Quảng trường Thời đại, New York vào ngày 20/02/1989. Ông tin rằng việc đặt đồng hồ đếm nợ công là một biện pháp để thúc đẩy những suy nghĩ về sự công bằng giữa các thế hệ. Ông nhấn mạnh rằng thế hệ của ông không muốn thấy thế hệ tiếp theo phải gánh chịu hậu quả của khoản nợ công này. 

    Vào thời điểm mới lắp đặt, nợ công của Mỹ chỉ khoảng 2,700 tỷ USD. Tuy nhiên, vào năm 2008, nợ công vượt qua mốc 10,000 tỷ USD. Sau khi Seymour Durst qua đời, con trai ông, Douglas, trở thành Chủ tịch của Durst Organization, công ty chịu trách nhiệm sở hữu và bảo trì đồng hồ nợ công.

    Ý tưởng về việc đặt đồng hồ đếm nợ công đã trở thành nguồn cảm hứng cho các dự án tương tự ở nhiều nơi trên thế giới, như là biểu tượng cho tình trạng tài chính của quốc gia và nhắc nhở về sự cần thiết của việc kiểm soát chi tiêu và quản lý nợ công.

    Đồng hồ đo nợ công của Mỹ
    Đồng hồ đo nợ công của Mỹ

    3. Nguyên nhân gây ra sự gia tăng của trần nợ công Mỹ

    Lịch sử nợ công Mỹ bắt đầu với cuộc Cách mạng Mỹ, khi mà nợ công lên đến hơn 75 triệu USD vào ngày 01/01/1791. Trong 45 năm tiếp theo, nợ tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, vào năm 1835, nợ đã giảm đáng kể do việc bán đất quốc gia và cắt giảm ngân sách liên bang.

    Trong thời kỳ Nội chiến Mỹ (1860 - 1865), nợ tăng hơn 4,000% từ 65 triệu USD lên đến 2.7 tỷ USD. Tiếp theo, nợ tiếp tục tăng ổn định trong thế kỷ 20, đặc biệt là sau khi nước này tham gia tài trợ cho Thế chiến thứ nhất.

    Nhiều sự kiện đã đóng góp vào việc gia tăng nợ công Mỹ, bao gồm cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và đại dịch COVID-19.

    Nguyên nhân gây ra sự gia tăng của trần nợ công Mỹ
    Nguyên nhân gây ra sự gia tăng của trần nợ công Mỹ

    Ngày nay, thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ chủ yếu xuất phát từ 3 lý do chính:

    • Sự gia tăng của thế hệ baby-boomer (1946-1964)

    Điều này dẫn đến sự gia tăng đáng kể của dân số già. Từ 40.5 triệu người vào năm 2010, con số này đã tăng lên 56.1 triệu người vào năm 2020.

    • Chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên không ngừng

    Mỹ chi trả một số tiền lớn cho việc khám sức khỏe cho mỗi công dân, với mức chi phí đạt 12,318 USD/năm, vượt xa so với các quốc gia khác.

    • Hệ thống thuế không đủ để đáp ứng các cam kết của chính phủ với công dân

    Năm 2022, Mỹ đã chi tiêu hơn 6.3 tỷ USD nhưng chỉ thu về khoảng 4.9 tỷ USD từ việc thu thuế, chủ yếu là nguồn thu chính của chính phủ. Tuy nhiên, từ năm 2001, Mỹ đã thực hiện nhiều chính sách cắt giảm thuế.

    4. Hậu quả của việc nợ công Mỹ đạt "trần"

    Việc nợ công đạt mức trần có thể gây ra nhiều hậu quả đáng lo ngại cho chính phủ Mỹ và cả quốc gia. Các tác động và vấn đề có thể phát sinh từ việc tăng nợ công tại Mỹ bao gồm:

    • Chi phí lãi suất tăng cao

    Với việc nợ công tăng, chính phủ phải chi trả nhiều tiền hơn cho các khoản lãi suất. Điều này gây ra gánh nặng tài chính lớn và hạn chế khả năng chi tiêu của chính phủ trong các lĩnh vực.

    • Giảm khả năng đầu tư

    Việc phải dùng một phần nguồn thu để trả lãi nợ đã giới hạn khả năng đầu tư của chính phủ vào các lĩnh vực quan trọng như hạ tầng, giáo dục và sức khỏe.

    • Tăng nguy cơ tài chính

    Mức nợ công cao có thể làm tăng rủi ro tài chính cho quốc gia, dẫn đến khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.

    • Giới hạn lựa chọn chính sách

    Với mức nợ công lớn, chính phủ có ít sự linh hoạt trong việc thực hiện chính sách kinh tế, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh làm tăng nợ và gây thêm tình hình tài chính không ổn định.

    • Gánh nặng cho thế hệ tương lai

    Tăng nợ công đồng nghĩa với việc các thế hệ tương lai sẽ phải gánh nặng trả nợ và chịu hậu quả của việc quá mức tiêu thụ và vay nợ hiện tại, ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển và chất lượng cuộc sống của những người trẻ trong tương lai.

    Hậu quả của việc nợ công Mỹ đạt
    Hậu quả của việc nợ công Mỹ đạt "trần"

    5. Tác động của trần nợ công Mỹ đến thị trường tiền điện tử

    Trong bối cảnh nợ công đạt trần, thị trường tiền điện tử cũng sẽ phản ứng. Bitcoin, Ethereum và các loại tiền điện tử khác có thể trở thành điểm đến lựa chọn cho các nhà đầu tư tìm kiếm lối thoát khỏi rủi ro và không ổn định trong thị trường tài chính truyền thống.

    Vào ngày 01/05/2023, Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đã cảnh báo rằng chính phủ Mỹ có thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt nếu trần nợ công không được nâng cao hoặc giữ nguyên. Bà nhấn mạnh rằng nếu các nhà lập pháp không thể đạt được thỏa thuận về ngân sách, chính phủ sẽ không thể thanh toán các khoản nợ. Từ khi Yellen đưa ra cảnh báo, Bitcoin đã giảm hơn 7% và Ethereum giảm gần 3% trong cùng thời gian, theo dữ liệu từ CoinGecko.

    Theo James Butterfill, Trưởng phòng nghiên cứu của CoinShares, dự đoán rằng trong trường hợp Mỹ tiến gần đến "giờ G" — ngày mà chính phủ không thể thanh toán các hóa đơn — đồng USD sẽ mạnh lên, nhưng đồng thời sẽ không tốt cho Bitcoin.

    Mặc dù việc vỡ nợ có thể gây ra biến động trên thị trường, nhưng các nhà đầu tư vẫn tỏ ra lạc quan. Theo Gordon Grant, Co-Head giao dịch của Genesis, nếu Mỹ vỡ nợ, Bitcoin có thể phục hồi sau đợt giảm giá ban đầu, đặc biệt khi được xem như một cách để bảo vệ trước các lo ngại về tiền tệ do chính phủ phát hành. Tuy nhiên, Ethereum có thể gặp khó khăn hơn do mối liên kết với các chỉ số theo dõi cổ phiếu công nghệ như NASDAQ. Điều quan trọng cần hiểu rằng thị trường tiền điện tử sẽ phản ứng không đồng đều và khó lường khi đối mặt với các tình huống rủi ro lớn như sự kiện vỡ nợ của Mỹ.

    Tác động của trần nợ công Mỹ đến thị trường tiền điện tử
    Tác động của trần nợ công Mỹ đến thị trường tiền điện tử

    6. Kết luận

    Trần nợ công Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tài chính truyền thống mà còn có ảnh hưởng đáng kể đối với thị trường crypto. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ yếu tố khác, việc đánh giá tác động cụ thể và dự đoán về biến động trong tương lai của thị trường crypto vẫn là một thách thức. Điều quan trọng là nhà đầu tư nên cân nhắc cẩn thận và theo dõi sát sao những diễn biến mới nhất trên thị trường tài chính toàn cầu để có chiến lược đầu tư hợp lý.

    Đọc thêm:

    Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính. Tham gia nhóm chat Bigcoinchat để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường.

    Thảo luận thêm tại

    Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

    Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

    Twitter: https://twitter.com/BigcoinVN 

    Trang Ha

    Trang Ha

    Content Writter of Bigcoin Vietnam

    5 / 5 (1Bình chọn)

    Bài viết liên quan