theblock101

    TVL (Total Value Locked) là gì? Vai trò TVL trong DeFi

    ByVitNhoNho05/11/2023
    Khi đánh giá một dự án hay một hệ sinh thái, TVL luôn là chỉ số hàng đầu để mà đa số nhà đầu tư mà sử dụng. Vậy TVL là gì? Hãy cùng Theblock101 tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
    TVL là gì?
    TVL là gì?

    1. TVL là gì?

    1.1. TVL là gì?

    TVL (Total Value Locked) là một thuật ngữ phổ biến trong thị trường tiền điện tử, dùng để đánh giá tổng giá trị của tất cả các tài sản mà người dùng đã stake hoặc lock vào một dự án defi hay một hệ sinh thái cụ thể.

    Nó là một chỉ số quan trọng để đánh giá sức mạnh và mức độ phổ biến của một dự án DeFi. TVL bao gồm tất cả các tài sản mà người dùng đã gửi vào các hợp đồng thông minh trên nền tảng để thực hiện các hoạt động như cung cấp thanh khoản, cho vay hoặc staking.

    TVL cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự tăng trưởng của thị trường DeFi và sự tin tưởng của người dùng đối với một dự án cụ thể. Khi TVL cao, điều đó có nghĩa là nhiều người tin tưởng và đầu tư vào dự án đó, ngược lại, TVL thấp có thể cho thấy sự giảm sút trong niềm tin hoặc sự quan tâm của cộng đồng đối với dự án.

    1.2. Ví dụ cụ thể về TVL

    Để dễ hình dùng hơn bạn hãy xem xét ví dụ sau với dự án Velodrome Finance.

    TVL của Velodrome
    TVL của Velodrome

    Velodrome Finance là một sàn DEX ve(3,3) trên Optimisim cho phép người dùng hoán đổi các token gốc ERC20. Để làm được điều này cần có các hồ thanh khoản trên Velodrome, các hồ thanh khoản này do dự án và những người cung cấp thanh khoản khác thêm vào. Các tài sản này sẽ được khóa vào trong hợp đồng thông minh của Velodrome, TVL của Velodrome chính là tổng các các tài sản được khóa này.

    Khi một người dùng thực hiện một giao dịch trên Velodrome, họ sẽ phải đóng một khoản phí nhỏ, gọi là phí giao dịch. Phí này được chia lại cho các nhà cung cấp thanh khoản trên Velodrome và cũng giúp tăng TVL của dự án.

    1.3. Công thức tính TVL

    TVL = Current Price x Total Token Locked

    Để tính toán giá trị Total Value Locked (TVL), bạn dùng tổng lượng Token bị khoá trong các hợp đồng thông minh của một giao thức nhân với giá trị thị trường của Token đó.

    2. Vai trò TVL trong DeFi

    Vai trò của TVL trong DeFi
    Vai trò của TVL trong DeFi

    Chỉ số Total Value Locked trong thị trường DeFi là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ thanh khoản, mức đột ăng trưởng của 1 dự án hoặc toàn hệ sinh thái. Cụ thể hơn, thì chỉ số này sẽ:

    • Đo lường quy mô: TVL cho biết quy mô hoạt động của một giao thức DeFi hoặc hệ sinh thái cụ thể. Nó giúp đánh giá xem bao nhiêu giá trị tài sản đang tham gia vào nền tảng.
    • Độ tin cậy: TVL là một thước đo về sự tin cậy của một giao thức. Một TVL cao thường cho thấy sự tin tưởng của người dùng và đầu tư vào dự án DeFi.
    • Sự phát triển: Sự gia tăng trong TVL có thể cho thấy sự phát triển của một dự án DeFi hoặc hệ sinh thái. Nó có thể là dấu hiệu của sự quan tâm và sự tham gia của cộng đồng.
    • Đánh giá hiệu suất: TVL có thể giúp đánh giá hiệu suất của một giao thức hoặc nền tảng DeFi. Nó có thể xem xét biến động TVL theo thời gian và thể hiện sự ổn định hoặc không ổn định của hệ thống.
    • Sự cạnh tranh: Các dự án DeFi thường cạnh tranh để thu hút TVL. Việc có TVL cao có thể giúp một dự án cạnh tranh tốt hơn với các dự án khác.
    • Dấu hiệu dòng tiền: Khi một dự án hay hệ sinh thái có chỉ số TVL tăng có thể dự đoán đang có dòng tiền đổ vào dự án hoặc hệ sinh thái đó.

    3. Cách hoạt động của TVL

    TVL phản ánh tổng giá trị tài sản mà người dùng đã gửi vào các giao thức DeFi để thực hiện các hoạt động như staking, lending, hoặc cung cấp thanh khoản. Khi người dùng gửi tài sản vào một giao thức, các tài sản này sẽ bị khóa trong hợp đồng thông minh và không thể sử dụng cho đến khi được rút ra. Các tài sản này có thể bao gồm:

    • Stablecoins: Các loại tiền điện tử ổn định như USDT, USDC.
    • Cryptocurrencies: Các loại tiền điện tử như ETH, BTC.
    • Liquidity Tokens: Các token cung cấp thanh khoản.

    Ví dụ, khi bạn gửi ETH vào một giao thức cho vay như Aave hoặc Compound, số ETH đó sẽ được khóa và tính vào TVL của giao thức đó. Tương tự, khi bạn cung cấp thanh khoản cho một sàn giao dịch phi tập trung (DEX) như Uniswap, giá trị của các token bạn gửi vào sẽ được tính vào TVL của Uniswap.

    4. Sử dụng chỉ số TVL như thế nào cho đúng?

    Đánh giá chỉ số TVL như thế nào?
    Đánh giá chỉ số TVL như thế nào?

    Có một mindset rất phổ biến hiện nay mà các nhà đầu tư crypto hay sử dụng khi đánh giá TVL của một hệ sinh thái như sau: TVL tăng có nghĩa hệ sinh thái đón dòng tiền và tăng trưởng dẫn đến giá token tăng. Liệu mindset đấy có hoàn toàn đúng. Để hiểu rõ hơn, chúng ta sẽ xem xét hai kịch bản sau:

    4.1. Các layer 1, layer 2 đã có token

    Đối với các blockchain đã có token, để đánh giá tăng trưởng về dòng tiền trong hệ sinh thái, mình thường chia tài sản trong TVL thành hai loại chính: "highly-liquid" (có tính thanh khoản cao) và "illiquid" (không có tính thanh khoản). Các token trong nhóm "highly-liquid" thường là stablecoin và các tài sản hàng đầu như ETH, BTC. Còn "illiquid" thường là các token ERC-20 còn lại, như token của các dự án trên hệ sinh thái.

    Nếu tăng trưởng TVL đến từ nhóm "highly-liquid" và có động lực tăng trưởng từ nhóm này, thì việc kết luận có dòng tiền mới vào hệ sinh thái có cơ sở, vì chính những tài sản này sẽ góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho hệ sinh thái. Điều này tạo ra nhiều giá trị sử dụng cho người dùng cuối hơn.

    Tuy nhiên, nếu tăng trưởng đến từ nhóm "illiquid," thì câu chuyện hoàn toàn khác. Tài sản "illiquid" có thể tăng trưởng thông qua các phương thức như "làm giá" hoặc thao túng của các nhóm lợi ích như dự án hoặc các nhà tạo lập thị trường. Hãy tưởng tượng blockchain layer như một sòng bạc, tài sản "highly-liquid" giống như tiền chip, trong khi "illiquid" chính là "tấm vé đổi đời" của bạn tại sòng bạc. Liệu bạn có muốn đánh bạc ở nơi mà ai cũng là người chiến thắng?

    4.2. Các layer 1, layer 2 chưa có token

    Đối với các blockchain chưa ra token, tăng trưởng TVL có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, phổ biến như việc người dùng săn retroactives (các case đã có rất nhiều như zkSync, Starknet v.v.). Ở đây ta sẽ thấy mặc dù với trường hợp ở trên, "highly-liquid" asset có thể tăng, nhưng các tài sản này không được sử dụng cho mục đích thực sự của chúng. Điều này dẫn đến việc tăng trưởng của dòng tiền không phản ánh giá trị thực sự mà các hệ sinh thái có thể mang lại cho người dùng.

    Tóm tắt việc tăng trưởng TVL chỉ là một chỉ số sơ cấp để đánh giá sự tăng trưởng của dự án. Cần kết hợp thêm các yếu tố, chỉ báo khác để đánh giá sự tăng trưởng của hệ sinh thái.

    5. Các công cụ theo dõi TVL

    5.1. DefiLlama

    DefiLlama là một nền tảng tổng hợp dữ liệu DeFi, cung cấp thông tin về hơn 1000 giao thức trên 171 blockchain khác nhau. Nó bao gồm dữ liệu về Total Value Locked (TVL), vốn hóa thị trường và giá token, cùng với dữ liệu quá khứ và các phân tích. DefiLlama là lựa chọn phổ biến cho cả các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, vì nó dễ sử dụng và cung cấp một loạt dữ liệu đa dạng.

    DefiLlama
    DefiLlama

    5.2. DappRadar

    DappRadar là một nền tảng tổng hợp dữ liệu DeFi phổ biến, cung cấp thông tin về hơn 3.000 ứng dụng phi tập trung trên 30 blockchain khác nhau. Nó bao gồm dữ liệu về TVL, hoạt động của người dùng và khối lượng giao dịch, cùng với xếp hạng và đánh giá. DappRadar là lựa chọn tốt cho người dùng muốn theo dõi cụ thể các ứng dụng phi tập trung hoặc muốn có cái nhìn tổng quan về cảnh quan DeFi.

    DappRadar
    DappRadar

    5.3. L2Beat

    L2Beat là nền tảng theo dõi TVL các blockchain Layer 2 của Ehereum. Các dữ liệu L2Beat cung cấp TVL của từng blockchain layer 2, xếp hạng, công nghệ của từng loại blockchain và các thông số khác. Nền tảng này phù hợp với các nhà đầu tư chỉ quan tâm tới hệ sinh thái Ethereum.

    L2Beat
    L2Beat

    6. Một số đồng coin có TVL cao

    Dưới đây là một số đồng coin và giao thức có TVL cao nhất trong thị trường DeFi hiện tại:

    • Ethereum (ETH): Ethereum là nền tảng phổ biến nhất cho các dự án DeFi, với hàng tỷ đô la tài sản bị khóa trong các hợp đồng thông minh.

    • Binance Smart Chain (BSC): BSC là một blockchain có tốc độ giao dịch nhanh và chi phí thấp, đã thu hút nhiều dự án DeFi và đạt được TVL ấn tượng.

    • Solana (SOL): Solana với tốc độ xử lý nhanh và phí giao dịch thấp cũng đã trở thành một nền tảng phổ biến cho các dự án DeFi.

    • Avalanche (AVAX): Avalanche là một nền tảng blockchain hiệu quả cao, cũng có TVL đáng kể nhờ vào các dự án DeFi và cầu nối tài sản.

    • Polygon (MATIC): Là một giải pháp mở rộng cho Ethereum, Polygon cũng có nhiều giao thức DeFi với TVL cao.

    7. Mối quan hệ giữa TVL và Circulating Supply

    Circulating Supply (Cung lưu thông) là tổng số lượng token hiện đang lưu hành trên thị trường và có thể được giao dịch. Mối quan hệ giữa TVL và Circulating Supply rất quan trọng trong việc đánh giá sức khỏe và tiềm năng của một dự án DeFi.

    • TVL cao và Circulating Supply thấp: Điều này có thể cho thấy rằng một phần lớn các token đang bị khóa trong giao thức, làm giảm lượng cung lưu thông trên thị trường. Điều này có thể dẫn đến tăng giá trị của token nếu nhu cầu cao hơn cung.

    • TVL cao và Circulating Supply cao: Điều này cho thấy giao thức có một lượng tài sản lớn bị khóa, nhưng cũng có nhiều token lưu thông trên thị trường. Trong trường hợp này, cần đánh giá thêm về nhu cầu và mức độ sử dụng của token để hiểu rõ hơn về tiềm năng tăng giá.

    • TVL thấp và Circulating Supply cao: Đây có thể là dấu hiệu của một giao thức không được sử dụng nhiều hoặc thiếu niềm tin từ cộng đồng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị của token.

    • TVL thấp và Circulating Supply thấp: Điều này có thể chỉ ra rằng dự án còn mới hoặc chưa được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, nếu có tiềm năng phát triển và thu hút người dùng, TVL có thể tăng lên theo thời gian.

    8. Kết luận

    TVL (Total Value Locked) là chỉ số phổ biến để đánh giá sức mạnh của một dự án hoặc một hệ sinh thái. Hiện nay có rất nhiều công cụ hỗ trợ người dùng theo dõi TVL. Để đánh giá chính xác mức độ tăng trưởng của dự án, hệ sinh thái và quyết định đầu tư, người dùng cần kết hợp thêm các công cụ chỉ báo khác để tránh bị nhận thông tin nhiễu.

    Đọc thêm:

    Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính. Tham gia nhóm chat Bigcoinchat để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường.

    Thảo luận thêm tại

    Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

    Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

    Twitter: https://twitter.com/BigcoinVN 

    VitNhoNho

    VitNhoNho

    Một người yêu thích crypto, liên tục học hỏi, tìm hiểu những nội dung mới nhất trên thị trường

    5 / 5 (2Bình chọn)

    Bài viết liên quan