theblock101

    Tiền mã hóa là gì? Những hiểu lầm về tiền mã hóa

    ByVitNhoNho31/07/2023
    Nhờ tính phi tập trung và khả năng giao dịch toàn cầu, tiền mã hóa đang dần thu hút sự quan tâm và sử dụng của nhiều người trên toàn thế giới, đồng thời góp phần tạo nên một cuộc cách mạng tài chính mới. Hãy cùng Theblock101 tìm hiểu tiền mã hóa là gì qua bài viết sau.

    1. Tiền mã hóa là gì?

    Tiền mã hóa (hay còn được gọi là tiền điện tử) là một loại tiền tệ kỹ thuật số được xây dựng và hoạt động trên dựa trên công nghệ chuỗi khối (hay còn gọi là blockchain).

    Tiền mã hóa là gì?
    Tiền mã hóa là gì?

    Điểm đặc trưng chính của tiền mã hóa:

    • Phi tập trung: Các giao dịch trong hệ thống tiền mã hóa được thực hiện trực tiếp giữa các bên mà không cần thông qua ngân hàng trung gian.
    • Bảo mật và an toàn: Công nghệ mã hóa đảm bảo tính bảo mật và minh bạch cho các giao dịch.
    • Bất biến: Các giao dịch được ghi chép vào một chuỗi khối (blockchain), và mỗi khối chứa thông tin về các giao dịch trước đó, đồng thời được mã hóa và liên kết với khối trước đó. Do đó, việc thay đổi một giao dịch trong chuỗi sẽ yêu cầu sự thay đổi của tất cả các khối sau đó, làm cho việc xâm nhập và thay đổi thông tin gần như là không thể.

    Ví dụ cụ thể về tiền mã hóa phổ biến nhất là Bitcoin. Được ra đời vào năm 2009 bởi Satoshi Nakamoto, Bitcoin đã tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực tài chính và đầu tư. Sử dụng công nghệ blockchain, Bitcoin cho phép các giao dịch trực tiếp giữa các bên mà không cần thông qua ngân hàng hoặc bất kỳ cơ quan tài chính trung gian nào.

    Đến đây bạn đã hiểu các đồng tiền mã hóa là gì chưa nào?

    2. Lịch sử và xu hướng của tiền mã hóa

    Tiền mã hóa đã trải qua một hành trình đầy chông gai từ khi ra đời. Sự xuất hiện đáng kể đầu tiên của tiền mã hóa là vào năm 2009 với sự ra mắt của Bitcoin - đồng tiền điện tử đầu tiên và phổ biến nhất đến nay.

    Bitcoin được tạo ra bởi một cá nhân hoặc một nhóm người ẩn danh có tên gọi là Satoshi Nakamoto. Thông qua việc công bố một bài báo trên diễn đàn chuyên về mã hóa, Nakamoto đã giới thiệu một hệ thống tiền tệ phi tập trung hoạt động trên nền tảng công nghệ blockchain.

    Sự ra đời của Bitcoin đã mở ra một cuộc cách mạng tài chính mới và tiềm năng thay đổi cách thức giao dịch và lưu trữ giá trị trong thế giới kỹ thuật số, làm tiền đề tạo ra các đồng tiền mã hóa khác.

    Kể từ khi Bitcoin xuất hiện, thị trường tiền mã hóa đã phát triển mạnh mẽ và đa dạng hóa đáng kể. Trong những năm gần đây, việc sử dụng tiền mã hóa đã trải qua mở rộng đáng kể, bao gồm các trường hợp như hợp đồng thông minh, tài chính phi tập trung (DeFi), lưu trữ giá trị, quản trị và các token không thể thay thế (NFT).

    Mỗi loại tiền mã hóa đều có những đặc điểm và mục tiêu riêng, đáp ứng nhu cầu và mong muốn đa dạng của người dùng.

    Ví dụ, Ethereum đã ra đời vào năm 2015 và hỗ trợ các hợp đồng thông minh, cho phép triển khai các ứng dụng phi tập trung trên nền tảng của họ. XRP (hay còn gọi là Ripple) đang nhận được sự quan tâm từ các tổ chức tài chính với mục tiêu cải thiện việc chuyển tiền quốc tế nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.

    Xu hướng mới trong tiền mã hóa tiếp tục xuất hiện và phát triển trong tương lai. Một trong những xu hướng đáng chú ý là tích hợp tiền mã hóa vào cuộc sống hàng ngày của người dùng thông qua các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến. Sự gia tăng về tính bảo mật và hiệu suất của các mạng mã hóa cũng là mục tiêu quan trọng trong ngành.

    Ngoài ra, tiền mã hóa cũng đang thu hút sự quan tâm của các tổ chức tài chính và chính phủ, với nỗ lực tạo ra các quy định và chuẩn mực mới để đảm bảo tính bền vững và an toàn cho người dùng.

    3. Cách hoạt động của tiền mã hóa

    Bản chất của tiền mã hóa dựa vào các nguyên tắc và công nghệ sau:

    3.1. Blockchain

    Blockchain
    Blockchain

    Các loại tiền mã hóa sẽ hoạt động trên blockchain. Những đồng tiền mã hóa được gọi là coin là những đồng tiền mã hóa được phát hành trên nền tảng blockchain riêng biệt cũng như là hoạt động độc lập. Coin được tạo ra với mục đích là đồng tiền thanh toán, trao đổi, nhận thưởng,… cho chính nền tảng Blockchain đó. Mỗi blockchain sẽ có 1 đồng coin duy nhất. Ví dụ:

    • Blockchain của Bitcoin có đồng coin là BTC.
    • Blockchain của Ehereum có đồng coin là ETH.

    Blockchain là cuốn sổ cái phân tán cho phép ghi lại giao dịch và dữ liệu một cách minh bạch và không thể sửa đổi dưới bất kì hình thức nào.

    • Tính minh bạch: người dùng hoàn toàn có thể kiểm tra được thông tin các giao dịch (địa chỉ ví, số tiền, đích đến của giao dịch,…) ngay trên mạng lưới blockchain đó. Mỗi blockchain sẽ có một hệ thống scan/explorer để người dùng có thể kiểm tra các thông tin này ví dụ như Bitcoin Explorer, Etherscan, BscScan,…
    • Tính không thể sửa đổi: các block trong blockchain được liên kết với nhau bởi mã hash (mã hàm băm) hoạt động theo cơ chế liên kết chặt chẽ để dữ liệu giữa các block không thể bị thay đổi. Cụ thể về cơ chế hoạt động của blockchain và vai trò của mã hàm băm sẽ được giải thích chi tiết trong phần Cơ chế hoạt động bên dưới.
    • Tính phân tán: Mỗi node (siêu máy tính) sẽ lưu trữ 1 bản sao sổ cái blockchain, thay vì tập trung ở 1 số máy chủ nhất định. Do đó, nếu như có bất kỳ siêu máy tính nào sập thì mạng lưới cũng không bị ảnh hưởng. Điều này giúp cho blockchain trở thành mạng lưới phân tán, an toàn và không bị kiểm soát bởi bất kỳ tổ chức tập trung nào.

    3.2. Mã hóa (Cryptography)

    Cryptography
    Cryptography

    Công nghệ mã hóa được sử dụng để bảo vệ tính bảo mật của các giao dịch và thông tin trong hệ thống tiền mã hóa. Mỗi giao dịch được mã hóa và xác nhận bằng các khóa mã hóa độc nhất, giúp ngăn chặn sự xâm nhập và gian lận trong quá trình giao dịch.

    3.3. Phi tập trung (Decentralization)

    Phi tập trung (Decentralization)
    Phi tập trung (Decentralization)

    Mạng blockchain của tiền mã hóa không có một cơ quan trung tâm nào kiểm soát và quản lý dữ liệu. Thay vào đó, thông tin và quyết định được phân tán và xác nhận bởi cộng đồng người dùng trên toàn thế giới thông qua các nút mạng đồng thuận.

    Điều này làm cho blockchain trở nên không thể thay đổi và an toàn hơn so với các hệ thống tập trung.

    3.4. Hợp đồng thông minh (Smart Contracts)

    Hợp đồng thông minh
    Hợp đồng thông minh

    Một số tiền mã hóa như Ethereum, hỗ trợ các hợp đồng thông minh (smart contracts). Đây là các chương trình tự động hoạt động dựa trên quy tắc lập trình, giúp thực hiện các giao dịch và thỏa thuận một cách tự động mà không cần can thiệp từ bên thứ ba.

    Những đồng tiền mã hóa được gọi là token những đồng tiền mã hóa được tạo ra trên Blockchain đã có sẵn nhờ tạo ra các hợp đồng thông minh, phổ biến nhất phải kể đến Ethereum. Token được xây dựng trên nền tảng Ethereum thông thường sẽ là ERC-20.

    Bitcoin là blockchain không có hợp đồng thông minh.

    Đọc thêm: Hợp đồng thông minh là gì?

    3.5. Đào tiền mã hóa, đặt cọc tiền mã hóa.

    3.5.1. Đào tiền mã hóa

    Đào tiền mã hóa
    Đào tiền mã hóa

    Quá trình đào (mining) trong tiền mã hóa được dùng cho các blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận POW là một hoạt động quan trọng giúp duy trì tính bảo mật và minh bạch cho các giao dịch trong mạng blockchain.

    Đào là quá trình giải các bài toán phức tạp bằng cách sử dụng sức mạnh tính toán của các máy tính để xác minh giao dịch và thêm mới các khối vào blockchain.

    Khi một giao dịch mới được thực hiện trong mạng blockchain, nó được đưa vào một danh sách chờ giao dịch. Để xác minh và ghi nhận giao dịch này vào một khối mới trong blockchain, các máy tính trong mạng phải cạnh tranh giải một bài toán mã hóa phức tạp. Quá trình giải bài toán này được gọi là "đào".

    Bài toán đào dựa trên hàm băm mã hóa, và mỗi khối chứa một mã băm của khối trước đó. Điều này tạo ra một chuỗi liên kết các khối, làm cho việc thay đổi thông tin trong một khối sẽ ảnh hưởng đến tất cả các khối sau đó. Điều này làm cho blockchain trở nên an toàn và không thể thay đổi.

    Để giải bài toán, các máy tính trong mạng phải tiếp tục thử nghiệm các giá trị ngẫu nhiên cho đến khi một máy tính nào đó tìm ra giá trị chính xác (nonce) sao cho mã băm của khối mới thỏa mãn một yêu cầu cụ thể.

    Máy tính đầu tiên giải bài toán sẽ thông báo cho các nút mạng khác và gửi khối mới được xác minh vào blockchain.

    Máy tính đầu tiên giải bài toán và xác minh khối mới sẽ nhận được phần thưởng, thường là một lượng tiền mã hóa nhất định, cùng với các khoản phí giao dịch. Quá trình này giúp kích thích sự cạnh tranh giữa các máy tính và duy trì tính bảo mật cho mạng blockchain.

    3.5.2. Đặt cọc (Stake) tiền mã hóa

    Quá trình đặt cọc (Stake) tiền mã hóa được dùng trong các blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận POS. POS là từ viết tắt của Proof of Stake - một dạng thuật toán dùng coin để đào coin.

    Nó giống như việc gửi tiết kiệm, thay vì gửi tiền mặt, thì ở đây người dùng gửi bằng coin và hưởng lãi bằng coin theo % mà mỗi coin quy định. Đây là một thuật toán đồng thuận của blockchain. Trong đó, các node phải stake coin để tham gia xác nhận giao dịch trên block. Nói đơn giản thì node phải đặt cọc coin để xác minh danh tính.

    Trong POS, node muốn trở thành validator phải stake (đặt cọc) một lượng coin nhất định để làm điều kiện tham gia.

    4. Những hiểu lầm phổ biến về tiền mã hóa

    4.1. Tiền mã hóa chỉ là một dạng đầu tư

    Một trong những hiểu lầm phổ biến nhất về tiền mã hóa là xem nó chỉ là một cách để đầu tư và kiếm lời. Tuy rằng nhiều người đã kiếm được lợi nhuận từ việc đầu tư vào tiền mã hóa, nhưng thực tế là tiền mã hóa cũng có thể được sử dụng như một phương tiện thanh toán và thực hiện các giao dịch hàng ngày.

    4.2. Tiền mã hóa là bất hợp pháp và chỉ được sử dụng trong hoạt động tội phạm

    Điều này là một hiểu lầm rất phổ biến và không đúng. Mặc dù tiền mã hóa từng bị các tổ chức xã hội đen dùng để rửa tiền, nhưng nó cũng có thể được sử dụng hợp pháp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thanh toán hàng hóa và dịch vụ trực tuyến.

    4.3. Tiền mã hóa chỉ dành cho những người giàu có

    Nhiều người cho rằng tiền mã hóa chỉ dành riêng cho những người giàu có và không phù hợp với những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, thực tế là tiền mã hóa có thể được sử dụng bởi bất kỳ ai với bất kỳ mức thu nhập nào, và nó có thể giúp mở rộng phạm vi tiếp cận tài chính cho những người không có tài khoản ngân hàng.

    4.4. Tiền mã hóa không ổn định và không đáng tin cậy

    Một số người lo ngại về tính không ổn định của giá trị tiền mã hóa và không tin tưởng vào nó như một phương tiện lưu trữ giá trị. Tuy nhiên, thực tế là giá trị tiền mã hóa có thể dao động theo thời gian, nhưng điều này cũng xảy ra với nhiều loại tài sản khác. Nhiều tiền mã hóa có nguồn cung cố định, điều này giúp giữ cho giá trị của chúng tương đối ổn định.

    5. Tiềm năng và thách thức của tiền mã hóa

    5.1. Tiềm năng của tiền mã hóa

    • Phi tập trung và minh bạch: Tiền mã hóa hoạt động trên nền tảng công nghệ blockchain, giúp tạo ra môi trường phi tập trung và minh bạch. Người dùng có quyền kiểm tra và xác minh các giao dịch, không cần phải tin tưởng vào một bên thứ ba.
    • Tiết kiệm chi phí và thời gian: Giao dịch tiền mã hóa có thể được thực hiện trực tiếp giữa các bên mà không cần sự can thiệp của các cơ quan trung gian. Điều này giúp giảm thiểu các khoản phí giao dịch và thời gian xử lý so với các phương tiện truyền thống.
    • Tiềm năng cách mạng tài chính: Tiền mã hóa đang thay đổi cách mà các dịch vụ tài chính và thanh toán được thực hiện. Nó cung cấp khả năng tiếp cận tài chính cho những người không có tài khoản ngân hàng và giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các tổ chức tài chính truyền thống.
    • Gia tăng tính đa dạng: Thị trường tiền mã hóa đang ngày càng đa dạng hóa với sự xuất hiện của nhiều loại tiền mã hóa khác nhau, cung cấp nhiều lựa chọn cho người dùng và nhà đầu tư.

    5.2. Thách thức của tiền mã hóa

    • Tính không ổn định của giá trị: Giá trị tiền mã hóa có thể dao động mạnh theo thời gian, gây ra rủi ro đối với nhà đầu tư và người dùng. Sự biến động này có thể làm cho việc sử dụng tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán hàng ngày trở nên khó khăn.
    • Bảo mật và lừa đảo: Mặc dù tiền mã hóa được mã hóa để đảm bảo tính bảo mật, nhưng vẫn có nguy cơ mất tiền và lừa đảo từ những kẻ không trung thực. Các sự cố về an ninh và sụp đổ hệ thống trong một số dự án tiền mã hóa đã xảy ra trong quá khứ.
    • Quy định và chính sách: Tiền mã hóa đang đối mặt với sự quan ngại về quy định và chính sách từ các chính phủ và tổ chức tài chính. Việc thiếu quy định rõ ràng có thể tạo ra rủi ro cho người dùng và đầu tư.
    • Hiệu suất và mở rộng: Một số loại tiền mã hóa có thể gặp khó khăn trong việc mở rộng để xử lý một lượng giao dịch lớn. Hiệu suất kém và thời gian xử lý kéo dài có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng và giới hạn sự phát triển của mạng.

    Tóm lại, tiền mã hóa có tiềm năng đáng kể và đã thay đổi cách thức giao dịch và lưu trữ giá trị trong thế giới kỹ thuật số. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ và bền vững, nó cần vượt qua các thách thức hiện tại và tìm ra giải pháp cho những vấn đề tồn đọng.

    6. Kết luận

    Tiền mã hóa đã tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực tài chính và thanh toán kỹ thuật số. Với tính phi tập trung và minh bạch cao, tiền mã hóa mang đến sự cạnh tranh và đổi mới cho hệ thống tài chính truyền thống. Điều này cũng mở ra cơ hội tiếp cận tài chính cho hàng triệu người không có tài khoản ngân hàng truyền thống trên toàn thế giới.

    Tuy nhiên, việc tham gia vào thị trường tiền mã hóa cần được thực hiện một cách cân nhắc và thông minh.

    Người mới cần hiểu rõ các khái niệm cơ bản như cơ chế hoạt động của blockchain, quá trình đào và các loại tiền mã hóa phổ biến. Người mới tham gia vào thị trường tiền mã hóa cần nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về ngành này trước khi đầu tư hoặc sử dụng để tránh những rủi ro không đáng có.

    Theo dõi cộng đồng BigcoinVietnam để không bỏ lỡ những cập nhật mới nhất về thị trường tiền mã hoá.

    Đọc thêm:
    Fud là gì? Làm thế nào để vượt qua FUD trong đầu tư trade coin?
    Ví tiền điện tử là gì? Top 4 ví tiền điện tử tốt nhất 2023
    DeFi là gì? 3 điều nhà đầu tư nên biết về DeFi (mới nhất 2023)

    Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính. Tham gia nhóm chat Bigcoinchat để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường.

    Thảo luận thêm tại

    Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

    Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

    Twitter: https://twitter.com/BigcoinVN 

    VitNhoNho

    VitNhoNho

    Một người yêu thích crypto, liên tục học hỏi, tìm hiểu những nội dung mới nhất trên thị trường

    5 / 5 (1Bình chọn)

    Bài viết liên quan