theblock101

    Đòn bẩy tài chính là gì? Những lưu ý khi sử dụng đòn bẩy tài chính trong Crypto

    ByVitNhoNho01/10/2023
    Khi một cơ hội đầu tư xuất hiện và bạn đang gặp thiếu vốn, làm thế nào để tận dụng cơ hội đó? Đây chính là lúc đòn bẩy tài chính trở thành một công cụ quan trọng, giúp nhà đầu tư sử dụng số vốn hạn chế của họ để nắm bắt cơ hội đầu tư. Hãy cùng Theblock101 tìm hiểu về đòn bẩy tài chính qua bài viết dưới đây.
    Đòn bẩy tài chính là gì?
    Đòn bẩy tài chính là gì?

    1. Đòn bẩy tài chính là gì?

    Đòn bẩy tài chính là công cụ mạnh mẽ giúp nhà đầu tư tận dụng vốn để nắm bắt cơ hội đầu tư, nhằm tăng tỷ suất lợi nhuận bằng việc kỳ vọng giá trị tài sản tương lai sẽ vượt qua chi phí vay, mang lại lợi ích cao hơn.

    Sử dụng đòn bẩy tài chính cho phép bạn thu được lợi nhuận tiềm năng từ toàn bộ giao dịch chỉ với một phần nhỏ số tiền của chính mình. Số tiền vay có thể đến từ ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính.

    Để hình dung đòn bẩy tài chính là gì, bạn hãy xem ví dụ sau:

    Anh A mua một căn chung cư B đang thi công với tổng số tiền phải trả là 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, anh chỉ có vốn là 500 triệu, anh A đã đi vay ngân hàng 1 tỷ 5 còn lại. Sau 1 năm hoàn thiện, anh A rao bán với giá 2 tỷ 5. Sau đó A đã sớm có người đồng ý mua lại.

    Trừ đi số tiền vay ngân hàng là 1 tỷ 650 triệu (150 triệu tiền lãi/năm) + 500 triệu vốn ban đầu. A thu về 350 triệu tiền lãi sau 1 năm đầu tư.

    Sử dụng đòn bẩy tài chính một cách hiệu quả sẽ mang lại những lợi ích vô cùng lớn. Tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không cẩn thận khi sử dụng, vẫn ví dụ trên trong trường hợp xấu anh A không thể bán được ngôi nhà như vậy anh A sẽ gánh số tiền vay là 1,5 tỉ cùng số tiền lãi hàng tháng.

    2. Vai trò của đòn bẩy tài chính

    Mặc dù tiềm ẩn rất nhiều rủi ro song đòn bẩy tài chính vẫn là công cụ tài chính ưa thích của các doanh nghiệp và những nhà đầu tư.

    Đòn bẩy tài chính cho phép nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp tận dụng số tiền vay để tạo ra lợi nhuận cao hơn từ một khoản đầu tư hoặc hoạt động kinh doanh cụ thể.

    Thông qua đòn bẩy tài chính, người ta có thể đầu tư hoặc mua sắm tài sản bằng một phần nhỏ của vốn của họ và sử dụng tiền vay để bổ sung số tiền đó.

    Khi tài sản tăng giá trị hoặc hoạt động kinh doanh đạt được lợi nhuận, lợi ích của người đầu tư sẽ được tính dựa trên tổng giá trị tài sản hoặc lợi nhuận thay vì chỉ dựa trên số tiền họ đã đầu tư.

    Như vậy đòn bẩy tài chính có những vai trò sau:

    • Tối ưu hóa vốn: Đòn bẩy tài chính cho phép doanh nghiệp bù đắp sự thiếu hụt vốn để duy trì hoạt động kinh doanh. Đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể tận dụng số vốn ít để kiếm được lợi nhuận cao.
    • Tăng Lợi nhuận: Đòn bẩy tài chính là công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy lợi nhuận. Nếu được sử dụng thông minh và kết hợp với việc phân tích kỹ lưỡng, nó có thể đem lại lợi nhuận cao hơn. Nhưng cần lưu ý rằng, việc sử dụng đòn bẩy cũng đi kèm với rủi ro, nên cần phải quản lý nó cẩn thận.
    • Ưu đãi thuế: Các khoản vay cũng như phần tiền lãi sẽ được tính vào chi phí của doanh nghiệp. Khi quyết toán thuế, số tiền này sẽ được khấu trừ vào phần thu nhập phải chịu thuế. Điều này giúp doanh nghiệp giảm thiểu thuế và tăng lợi nhuận ròng.

    3. Công thức tính đòn bẩy tài chính

    Để tính đòn bẩy tài chính, ta có thể sử dụng một số công thức khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu phân tích. Sau đây là ba công thức phổ biến nhất:

    3.1. Tỷ suất đòn bẩy tài chính (Financial leverage ratio)

    Tỷ suất đòn bẩy tài chính = Tổng nợ / Vốn chủ sở hữu

    Trong đó:

    • Tổng nợ bao gồm tất cả các khoản vay và nợ phải trả của doanh nghiệp.
    • Vốn chủ sở hữu là phần vốn mà các cổ đông đã đầu tư vào doanh nghiệp.

    Công thức này cho thấy mức độ phụ thuộc của doanh nghiệp vào nguồn vốn vay mượn. Tỷ lệ càng cao, nghĩa là doanh nghiệp càng sử dụng nhiều nợ vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh, tăng khả năng sinh lợi nhưng cũng tăng rủi ro tài chính.

    3.2. Hệ số đòn bẩy (Leverage ratio)

    Hệ số đòn bẩy = Tổng tài sản / Vốn chủ sở hữu

    Trong đó:

    • Tổng tài sản bao gồm tất cả các tài sản của doanh nghiệp, cả tài sản ngắn hạn và dài hạn.
    • Vốn chủ sở hữu là phần vốn mà các cổ đông đã đầu tư vào doanh nghiệp.

    Đây là một cách tính khác, đo lường khả năng tài chính của doanh nghiệp trong việc sử dụng nợ vay để tài trợ cho tài sản. Hệ số càng cao cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng nhiều nợ vay, có thể tăng lợi nhuận nhưng cũng gia tăng rủi ro.

    3.3. Đòn bẩy tài chính (Financial leverage effect)

    Đòn bẩy tài chính = Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) / Lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA)

    Trong đó:

    • ROE (Return on Equity) là lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.
    • ROA (Return on Assets) là lợi nhuận trên tổng tài sản.

    Công thức này cho biết mức độ mà doanh nghiệp sử dụng nợ vay để tăng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Nếu đòn bẩy tài chính lớn hơn 1, điều này có nghĩa là doanh nghiệp đang tạo ra lợi nhuận tốt hơn khi sử dụng nợ vay so với vốn chủ sở hữu.

    4. Lợi ích và rủi ro của đòn bẩy tài chính

    Việc sử dụng đòn bẩy tài chính mang lại cả lợi ích và rủi ro. Hiểu rõ về hai mặt này sẽ giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư đưa ra quyết định tài chính thông minh hơn.

    4.1. Lợi ích

    • Tăng lợi nhuận: Sử dụng đòn bẩy tài chính giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). Khi doanh nghiệp sử dụng nợ vay với chi phí thấp hơn lợi nhuận sinh ra từ việc sử dụng vốn vay, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu sẽ được nâng cao.
    • Tăng khả năng tài trợ: Đòn bẩy tài chính giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động mà không cần phải tăng vốn chủ sở hữu. Điều này đặc biệt hữu ích trong các giai đoạn tăng trưởng nhanh hoặc khi cơ hội đầu tư hấp dẫn xuất hiện.
    • Lợi ích thuế: Lãi vay có thể được trừ vào thuế, giảm tổng số thuế phải trả của doanh nghiệp. Điều này giúp tối ưu hóa cấu trúc vốn và giảm chi phí tài chính.
    • Tăng cường quản lý tài chính: Việc sử dụng đòn bẩy tài chính yêu cầu doanh nghiệp phải quản lý tài chính chặt chẽ hơn, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động kinh doanh.

    4.2. Rủi ro

    • Tăng rủi ro tài chính: Khi doanh nghiệp sử dụng nhiều nợ vay, chi phí lãi vay tăng lên. Nếu doanh nghiệp không tạo ra đủ lợi nhuận để trang trải chi phí này, nguy cơ vỡ nợ sẽ tăng cao.
    • Áp lực trả nợ: Doanh nghiệp phải tuân thủ các cam kết trả nợ đúng hạn. Nếu dòng tiền không ổn định, việc này có thể gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
    • Giảm khả năng huy động vốn: Một tỷ lệ nợ cao có thể làm giảm khả năng huy động vốn mới trong tương lai. Các nhà đầu tư và ngân hàng có thể coi doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao hơn, dẫn đến việc khó tiếp cận các nguồn vốn tiếp theo.
    • Ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu Sử dụng đòn bẩy tài chính có thể làm biến động lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Trong trường hợp lợi nhuận không đạt kỳ vọng, giá cổ phiếu có thể giảm, ảnh hưởng đến giá trị thị trường của doanh nghiệp.
    • Tác động từ thị trường: Các biến động kinh tế và thị trường có thể ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Ví dụ, khi lãi suất tăng, chi phí vay mượn cũng tăng lên, làm tăng áp lực tài chính lên doanh nghiệp.

    5. Khi nào nên sử dụng đòn bẩy tài chính?

    Trước khi nghĩ đến việc sử dụng đòn bẩy tài chính bạn cần nắm chắc công thức quản lý tài chính cá nhân như sau: Giảm chi, tăng thu, đầu tư, đòn bẩy.

    Bạn cần làm theo trình tự trên để tránh dính vào bẫy tài chính, hầu hết các thầy bà bên ngoài thị trường, đều khuyên bạn làm ngược lại trình tự trên, thậm chí bạn phải trả rất nhiều tiền cho khóa học của họ, để rồi bạn mang nợ vì nghe theo lời tư vấn tài chính của họ.

    Năm 2021, 2022 cơn sốt bất động sản ở Việt Nam tăng cao, từ thành thị đến nông thôn đâu đâu cũng có biển bán đất. Những khóa làm giàu, đầu tư bất động sản cũng mọc lên nhan nhản, những thầy bà này luôn dạy đám đông rằng “Phải biết tận dụng đòn bẩy ngân hàng” và bạn xem 2023 vừa qua, lãi suất ngân hàng tăng, bất động sản thì đóng băng, hậu quả là bao nhiêu người đã bị siết tài sản, vỡ nợ.

    Bất động sản năm 2023
    Bất động sản năm 2023

    Một khi bạn đã làm chủ dòng tiền của mình, kiểm soát nguồn tiền vào nguồn tiền ra và nắm chắc kỹ năng đầu tư khi ấy bạn hãy sử dụng đòn bẩy tài chính để gia tăng tài sản một cách thông minh, không bị áp lực từ lãi suất.

    6. Sử dụng đòn bẩy tài chính trong Crypto

    6.1. Margin là gì?

    Trong thị trường Crypto, Margin hay giao dịch kỹ quỹ chính là một hình thức sử dụng đòn bẩy tài chính.

    Margin có một vào thuật ngữ liên quan đến nhau như sau:

    • Margin (ký quỹ): Số tiền bạn dùng để mua khoản đầu tư
    • Leverage (đòn bẩy): Sử dụng đòn bẩy chính là lúc nâng số tiền đầu tư của bạn lên. Ví dụ đầu tư 1000$ với đòn bẩy x100, tức là bạn đang đầu tư 100000$ đó.
    • Volume: là tích của (Margin) x (Leverage).
    • Position: Tức là vị thế gồm Long (mua vào) và Short (bán ra).
    • Liquidation: Đây là giá thanh lý. Ví dụ bạn đánh margin Bitcoin. Khi giá đồng BTC vượt qua giá thanh lý, thì toàn bộ vốn đầu tư của bạn sẽ biến mất.

    Ví dụ: Bạn đang có là $10,000. Giá ETH hiện đang ở mức $1,000 và mình dự đoán ETH sẽ tăng lên $1,100.

    Nếu giao dịch Spot Trading, khi giá tăng lên $1,100 bạn có được lợi nhuận là $1,000. Nhưng bạn muốn tối ưu lợi nhuận nên mở một lệnh Long với mức đòn bẩy là 10x.

    => Điều đó có nghĩa là bạn đã tạo một lệnh buy ETH ở mức giá $1,000 với khối lượng $100,000. Về bản chất bạn đã vay thêm của sàn $90,000. Lúc này số ETH bạn có là 100 ETH. Nếu ETH tăng lên $1,100 và bạn đóng lệnh chốt lời, bạn sẽ kiếm được lợi nhuận $10,000 so với $1,000 nếu giao dịch bình thường sau khi đã trả lại khoản vay cho sàn (chưa trừ lãi).

    Trong trường hợp ngược lại, giá ETH giảm xuống $900 và chạm mức giá thanh lý. Lúc này sàn sẽ bán hết 100 ETH của bạn ở giá $900 và bạn phải trả lại toàn bộ $90,000 đã vay cho sàn. Tài khoản của bạn khi này chẳng còn đồng nào cả, như vậy bạn đã bị cháy tài khoản.

    6.2. Ưu nhược điểm của Margin

    Ưu điểm

    • Tối ưu nguồn vốn: Những trader với số vốn thấp có thể sử dùng đòn bẩy để gia tăng lợi nhuận. Nếu vị thế đóng thành công, trader sẽ có cơ hội kiếm được mức lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với bình thường.  Ví dụ: Một trader với số vốn $1,000 có thể mở vị thế $100,000 với đòn bẩy 50x. Nếu thị trường biến động tích cực chỉ 3% thì tài khoản đó sẽ lãi $1500. Nếu tài khoản giao dịch $1,000 không sử dụng đòn bẩy thì lợi nhuận là $15.
    • Kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường downtrend: Một điểm hay của thị trường crypto là bạn vẫn có thể kiếm được lợi nhuận trong thị trường giảm giá bằng cách sử dụng vị thế short trong Margin. Ví dụ khi giá BTC là 69k, bạn xác định đây đã là đỉnh của BTC trong chu kì này và bạn mở 1 vị thế short tại giá 69k, với giá BTC đang 26k như hiện tại bạn đã thành công trong việc kiếm lợi nhuận trong downtrend.

    Nhược điểm:

    • Rủi ro từ biến động giá: Thị trường crypto có biên độ dao động rất lớn và rất nhạy cảm với tin tức, do đó vị thế của bạn rất dễ bị thanh lý trong thị trường biến động lớn.
    • Rủi ro từ chính các nhà đầu tư: Nếu nhà đầu tư xác định sai xu hướng thị trường và sử dụng đòn bẩy lớn thì tài khoản của bạn rất dễ bị thanh lý.

    6.3. Những lưu ý khi sử dụng đòn bẩy trong thị trường Crypto

    Sử dụng Margin có thể mở ra cơ hội kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Khi được áp dụng một cách thông minh, bạn có thể thậm chí kiếm được lợi nhuận lên đến 100 lần so với giao dịch truyền thống, bất kể thị trường đang trong xu hướng tăng hay giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận lớn cũng đi kèm với rủi ro cao. Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng Margin khi bạn đáp ứng được các yêu cầu sau:

    • Kinh nghiệm: Bạn cần là một trader có kinh nghiệm, nắm vững nguyên tắc phân tích kỹ thuật, có khả năng đọc biểu đồ và hiểu rõ về cơ chế và xu hướng tác động của thị trường. Dành cho những trader mới, đặc biệt là người chưa hiểu rõ về cách Margin hoạt động và thị trường tiền điện tử, việc sử dụng Margin có thể đầy nguy hiểm và không nên ham lợi lớn.
    • Thị trường ổn định: Margin thường nên được sử dụng khi thị trường thể hiện các dấu hiệu tăng hoặc giảm rõ ràng và ổn định. Tránh sử dụng Margin trong thời điểm thị trường đi ngang hoặc có các tín hiệu không rõ ràng.
    • Giao dịch ngắn hạn: Margin thường hiệu quả trong các giao dịch ngắn hạn. Sử dụng Margin trong giao dịch dài hạn có thể không mang lại hiệu suất tốt và có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro thua lỗ.

    7. Kết luận

    Lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro cao. Nhớ rằng, việc sử dụng đòn bẩy tài chính đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về thị trường và kỹ năng giao dịch tốt. Nếu bạn không tự tin hoặc không có đủ kinh nghiệm, nên tránh sử dụng đòn bẩy để tránh rủi ro không cần thiết.

    Đọc thêm:

    Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính. Tham gia nhóm chat Bigcoinchat để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường.

    Thảo luận thêm tại

    Facebook:https://www.facebook.com/groups/bigcoincommunity

    Telegram: https://t.me/Bigcoinnews

    Twitter: https://twitter.com/BigcoinVN 

    VitNhoNho

    VitNhoNho

    Một người yêu thích crypto, liên tục học hỏi, tìm hiểu những nội dung mới nhất trên thị trường

    0 / 5 (0Bình chọn)

    Bài viết liên quan