Có thể nói “suy thoái kinh tế” là một tình trạng khá tiêu cực với đám đông. Tuy nhiên, trái ngược lại, đây có thể là cơ hội đối với số ít trên thị trường truyền thống nói chung và thị trường crypto nói riêng. Vậy suy thoái kinh tế có thực sự đáng sợ? Chúng ta cần chuẩn bị những gì khi kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái?
1. Suy thoái kinh tế là gì?
Suy thoái kinh tế là một tình trạng trong đó nền kinh tế của một quốc gia hoặc khu vực giảm sút về mặt sản xuất và hoạt động kinh doanh.
Suy thoái kinh tế thường dẫn đến việc nhiều công ty không trả được nợ, nợ xấu, phá sản, từ đó dẫn tới tình trạng thất nghiệp hàng loạt; lạm phát tăng cao; ngoài ra, các tài sản như bất động sản, chứng khoán, hay crypto sụt giảm thê thảm…
Số đông thường cho rằng: không một ai có thể hưởng lợi từ tình trạng này. Tuy nhiên, Warren Buffett - nhà đầu tư chứng khoán nổi tiếng thế giới lại có suy nghĩ ngược lại khi ông từng nói rằng: “Tôi chỉ mong có thể thấy nhiều đợt suy thoái kinh tế” bởi ông đã kiếm được rất nhiều tiền từ những đợt suy thoái như vậy.
Vậy đâu là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang bắt đầu suy thoái?
2. Dấu hiệu nhận biết suy thoái kinh tế
Một nền kinh tế khoẻ mạnh được đo lường bằng chỉ số GDP. GDP là từ viết tắt của Gross Domestic Product, là tổng giá trị của tất cả các hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định.
Khi chỉ số này giảm liên tiếp 6 tháng, thì đây chính là dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế chính thức xảy ra.
Ngoài ra, suy thoái kinh tế còn được nhận ra qua 3 dấu hiệu sau:
- Giảm phát/ lạm phát tăng nhanh.
- Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
- Nợ xấu nền kinh tế tăng khi room tín dụng cạn kiệt, lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút mạnh.
3. Nguyên nhân của suy thoái kinh tế
Suy thoái kinh tế xuất phát từ sự kết hợp của rất nhiều yếu tố như:
- Lãi suất tăng cao: Khi lãi suất tăng cao, người vay sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho việc vay mượn, làm giảm khả năng mua sắm và đầu tư. Điều này có thể làm suy giảm tiêu thụ và đầu tư, gây ra suy thoái.
- Tăng giá cả và lạm phát: yếu tố này có thể làm giảm khả năng mua sắm của người tiêu dùng và làm tăng chi phí sản xuất, gây áp lực lên kinh tế.
- Niềm tin người tiêu dùng thấp: khi người tiêu dùng thiếu niềm tin vào tương lai của nền kinh tế hoặc không tự tin vào tình hình tài chính cá nhân, họ thường chi tiêu ít hơn và thắt chặt ngân sách cá nhân. Điều này làm giảm tiêu thụ và quy mô đầu tư, gây ra suy thoái kinh tế.
- Tiền lương thấp và đình trệ trong việc trả lương: Khi tiền lương thấp và không có sự tăng trưởng, người lao động có ít tiền để chi tiêu trong khi vật giá tăng chóng mặt, dẫn đến giảm tiêu thụ và suy giảm sự phục hồi kinh tế.
Ngoài ra, suy thoái kinh tế còn là sự liên quan đến các hoạt động của ngân hàng hay những bong bóng tài sản bị vỡ.
4. Sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế
Theo shark Hưng, dưới đây là 3 sự ảnh hưởng lớn nhất khi suy thoái kinh tế diễn ra:
- Tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán là những ngành sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái kinh tế.
- Các tập đoàn lớn đã và đang cắt giảm nhân sự, khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng cao.
- Chỉ số hàng hoá tiêu dùng như điện, xăng, dầu, các mặt hàng thiết yếu cũng có dấu hiệu tăng cao.
Vậy với sức ảnh hưởng lớn như thế này, chúng ta cần chuẩn bị gì trước khi suy thoái kinh tế diễn ra?
5. Cần chuẩn bị gì trước suy thoái kinh tế?
Trước khi nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, đây thường là giai đoạn nền kinh tế phát triển bùng nổ. Con người lúc này đa số có xu hướng mua sắm, hưởng thụ thái quá.
Tuy nhiên, suy thoái kinh tế là một điều chắc chắn xảy ra. Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần phải có sự chuẩn bị thật tốt để “đón nhận” suy thoái một cách chủ động và lật ngược tình thế, biến khó khăn trở thành cơ hội.
Dưới đây là những việc bạn cần làm trước khi suy thoái kinh tế diễn ra:
- Làm việc siêng năng hơn
- Dừng chi tiêu hoang phí
- Không mắc nợ
- Tiết kiệm để có vốn đầu tư
- Nâng cao điểm tín dụng mượn nợ
- Đầu tư khi có dư, không vay mượn để đầu tư
6. Nên làm gì trong thời kỳ suy thoái kinh tế
Để ứng phó với tình hình khó khăn khi suy thoái kinh tế diễn ra, dưới đây là một số việc cần làm:
- Chuẩn bị tinh thần: Giữ cho tinh thần được an yên, thanh thản bởi thời kỳ suy thoái có thể gây áp lực tinh thần cao cho mỗi người.
- Đa dạng nguồn thu nhập: Xem xét cách tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác nhau. Điều này có thể bao gồm việc tìm kiếm việc làm thêm, kinh doanh, hoặc đầu tư vào các nguồn thu nhập khác ngoài công việc chính.
- Tiết kiệm và quản lý tài chính cẩn thận: Lập kế hoạch tài chính cá nhân hoặc doanh nghiệp thật cẩn thận. Hạn chế tiêu tiền cho những khoản không cần thiết và tìm cách tiết kiệm chi phí.
- Nắm bắt cơ hội đầu tư: Trong thời kỳ suy thoái, thị trường có thể điều chỉnh và có các cơ hội đầu tư mới nảy sinh. Đầu tư vào những thứ người khác bỏ đi (bởi thị trường sẽ luôn tăng trở lại) qua việc mua thấp bán cao. Hãy nghiên cứu và xem xét đầu tư vào các tài sản có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
- Xây dựng một mạng lưới mối quan hệ: Khi kinh tế suy thoái, mối quan hệ có thể trở thành tài sản quý báu. Việc xây dựng mạng lưới mối quan hệ có thể giúp bạn tìm kiếm cơ hội công việc, hợp tác kinh doanh hay được hỗ trợ trong thời kỳ khó khăn.
- Lên kế hoạch tài chính dài hạn: Xem xét việc lập kế hoạch tài chính dài hạn để đảm bảo ổn định tài chính trong tương lai. Điều này bao gồm việc tiết kiệm cho hưu trí hoặc đầu tư vào giáo dục cũng như phát triển cá nhân.
7. Kết luận
Như vậy, suy thoái kinh tế là một điều chắc chắn, bắt buộc xảy ra theo vòng tuần hoàn của nền kinh tế. Điều quan trọng nhất để đối phó với suy thoái kinh tế là sự chuẩn bị cả về mặt tinh thần lẫn tài chính.
Nếu làm được 2 điều này kết hợp với việc trau dồi thêm kiến thức, chắc chắn bạn sẽ có đủ tự tin để “đón nhận” những đợt sóng gió của thị trường. Bởi trên thị trường luôn tồn tại 2 quy luật:
- Không ai có thể dự đoán chính xác về thị trường.
- Thị trường sẽ luôn tăng trở lại.
Đọc thêm: