1. Game NFT là gì?
Game NFT là các dự án game, tương tự với những thể loại trò chơi trong truyền thống, nhưng được phát triển trên blockchain và sử dụng NFT để đại diện cho quyền sở hữu của người chơi với những vật phẩm hay tài sản kỹ thuật số trong game.
Nếu trong những tựa game truyền thống, người chơi có thể mua bán, trao đổi các loại vật phẩm trong trò chơi để thăng cấp, gia tăng trải nghiệm thì trong Game NFT, những vật phẩm đó sẽ được thể hiện dưới dạng NFT.
Những NFT này sẽ đóng vai trò cốt lõi trong game, có thể là nhân vật, những vật phẩm, vũ khí, màu da, kiểu tóc hay trang phục,… hoặc bất kỳ đặc tính nào khác phù hợp với game, do nhà phát hành game đưa ra.
Game NFT là gì?
2. NFT là gì?
NFT (Non-fungible Token) là một loại token kỹ thuật số được phát triển dựa trên công nghệ blockchain, đại diện cho một loại tài sản không thể thay thế được và mang tính độc nhất. Điều này đồng nghĩa với việc NFT là mã token không thể hoán đổi và bao gồm những siêu dữ liệu khác nhau, không thể nhân bản.
NFT được ứng dụng vào rất nhiều ngách trong crypto, có thể là tác phẩm nghệ thuật được mã hoá, một loại tài sản kỹ thuật số trong các dự án trò chơi, thể thao, âm nhạc hay thậm chí là bất động sản, các loại vật phẩm thời trang trong thế giới thực.
Tuy nhiên, tính ứng dụng của NFT trong blockchain vẫn được thể hiện rõ nét nhất trong ngành công nghiệp GameFi do tính khả thi và khả năng dễ tiếp cận của chúng.
Khái niệm NFT là gì?
3. Vai trò của NFT trong các dự án Game là gì?
Khác với mã token bình thường, thay vì người dùng chỉ có thể giữ token trong ví, chờ đợi tăng giá để thu được lợi nhuận hay stake để nhận được lãi suất thì NFT mang nhiều tính ứng dụng hơn trong các dự án Game.
Như đã đề cập bên trên, NFT có thể được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau và mang những tiện ích khác nhau, tuỳ thuộc vào nhà phát hành và tính chất của dự án đó. Các ứng dụng đó có thể là dùng để chơi game để tạo ra thu nhập, dùng để đại diện cho danh tính của người chơi, hay trang bị, trao đổi với những người chơi khác để kiếm lợi nhuận,…
NFT sẽ được những nhà phát triển trò chơi tạo ra dựa trên hợp đồng thông minh (smart contract), bao gồm những luật lệ, cơ chế riêng cho chúng. Và những hợp đồng thông minh này sẽ tự động hoá và tiến hành những ứng dụng đó.
Ví dụ, một NFT sẽ được thiết lập, cho phép những người nắm giữ có thể tham gia vào trò chơi, kiếm được token hoặc 1 loại NFT khi chơi, hoặc đủ điều kiện để nhận được một số lợi ích nào khác nếu sở hữu NFT,…
4. Lợi ích và tầm quan trọng của NFT trong các Game NFT
Tính sở hữu
Trong các trò chơi truyền thống thông thường, bản chất người dùng không hề sở hữu những vật phẩm trong game. Mà những loại vật phẩm này vẫn được kiểm soát và sở hữu bởi những nhà phát hành và người tạo ra game đó. Nếu chẳng may trò chơi đó bị biến mất hoặc đóng lại bởi chủ sở hữu, mọi vật phẩm, thành tựu đạt được trong trò chơi của người dùng cũng sẽ biến mất.
Còn các NFT được tạo ra bởi các smart contract trên blockchain, không thể chỉnh sửa, thay đổi hay xâm phạm, nên kể cả khi trong trường hợp dự án phá sản hoặc chết thì người dùng vẫn được đảm bảo hoàn toàn tính sở hữu với tài sản của họ.
Chỉ khi nào blockchain đó ngưng phát triển hoặc ngừng hoạt động thì NFT đó mới có khả năng biến mất. Hoặc một rủi ro nữa có thể xảy ra là dự án phá sản, không thể tiếp tục hoạt động hoặc scam, thì các NFT này sẽ mất đi tính thanh khoản vì không có nhu cầu mua nữa chứ không thể biến mất, vẫn thuộc quyền sở hữu của người chơi.
Đây là một trong những ưu điểm của NFT trong Game, giúp chơi chơi và tham gia hệ sinh thái trò chơi có thể hoàn toàn yên tâm vào tài sản sở hữu trong game của mình.
Khả năng tương tác và gia tăng ứng dụng
Tất cả các Game NFT được xây dựng trên cùng một blockchain, sẽ đều được kết nối với nhau do sự đồng nhất về mặt cơ sở hạ tầng. Nên NFT đó sẽ không chỉ được sử dụng trong phạm vi game mà có thể được sử dụng ở các nền tảng bên ngoài game với những mục đích khác nhau, miễn là được hỗ trợ bởi các nền tảng đó.
Ví dụ, ngoài việc sử dụng NFT trong hệ sinh thái của dự án để chơi game, để nâng cấp hay stake,… người chơi có thể đem NFT đó sang một số nền tảng thứ ba như marketplace để giao dịch, mua bán hoặc các nền tảng lending để thế chấp NFT và vay một loại tài sản khác như coin, token, stablecoin.
Nguồn: Chainlink
Khả năng kiếm tiền
Với người chơi
Tất cả các NFT trong các Game NFT hầu hết đều được kết nối với một nền kinh tế trong game khác nhau.
Người mua và sở hữu NFT có thể kiếm được tiền và lợi nhuận thông qua những cách phổ biến sau:
- Kiếm NFT qua các sự kiện freemint hoặc mua trên marketplace để tham gia chơi game, nhận lại các phần thưởng như token của dự án, NFT khác,…
- Giao dịch, trao đổi NFT trên các thị trường thứ cấp nhằm gia tăng lợi nhuận
- Hoặc đơn giản, hold NFT để nhận được những quyền lợi khác (NFT của chính dự án hoặc NFT của đối tác, tham gia vào những hoạt động, event độc quyền, được airdrop token,…)
- Ngoài ra, có thể sử dụng NFT vào những dự án NFTFi để mở thêm ứng dụng cho NFT của mình như đề cập bên trên.
Nguồn: Chainlink
Với nhà phát triển
Đối với các nhà phát triển trò chơi NFT, nền kinh tế mở này cũng mở ra những con đường mới để kiếm tiền. Ví dụ: nhà phát triển có thể kiếm tiền bản quyền mỗi khi NFT mà họ tạo được giao dịch trên thị trường — một mô hình kinh tế không còn yêu cầu nhà phát triển trò chơi phải tối ưu hóa cho các giao dịch mua trong trò chơi liên tục và lặp đi lặp lại gây bất lợi cho trải nghiệm của người chơi.
5. Lịch sử ra đời Game NFT
CryptoKitties có thể được coi là một trong những Game NFT đầu tiên, được phát triển trên Ethereum năm 2017, đặt nền móng cho sự phát triển ban đầu của NFT. Đây là một trò chơi sử dụng NFT, với cơ chế chơi khá đơn giản, được phát triển bởi Dapper Labs.
Trò chơi cho phép người chơi mua, bán và tạo ra các NFT trên Ethereum, tượng trưng cho các chú mèo. Ngoài việc sở hữu các NFT này, người dùng còn có thể “phối” các NFT khác nhau lại để nhân giống thành một chú mèo mới (NFT), có những đặc điểm không bao giờ trùng lặp với nhau.
Sức nóng của game đã thu hút hàng chục nghìn người chơi và gây ra sự cố tắc nghẽn trên mạng Ethereum ở thời điểm mới ra mắt.
Sau đó, tới cuối năm 2020 và đầu năm 2021, với sự phát triển vượt trội của Axie Infinity, dẫn đầu làn sóng Game NFT, hàng loạt các tựa game nổi tiếng ra đời với con số người dùng đã lên tới hàng triệu và tạo ra doanh thu tới hàng tỷ USD như Gods Unchained, Thetan Arena, Star Atlas, Cryptoblades,…
6. Những dự án GameFi tiềm năng cần chú ý
Sức nóng của thị trường Game NFT những ngày gần đây đang ngày một gia tăng sau khi Binance bắt đầu đề cập với GameFi như một cái tên tiếp theo cho narrative lần này. Ngoài ra, sự trở lại của những tựa game AAA (như Shrapnel và Cradles) và game onchain như AI Arena (game kết hợp với AI) được ấp ủ trong suốt một thời gian dài downtrend cũng đang thu hút sự chú ý của toàn cộng đồng những nhà đầu tư. Bắt đầu là Big Time - dự án GameFi thuộc thể loại game nhập vai RPG, sau khi ra mắt token và cơ chế kiếm tiền đã tạo nên một sự bùng nổ nhất định trong ngách GameFi.
Để bắt kịp sức nóng của thị trường, cũng có khá nhiều tựa game cũng chọn thời điểm này để tung ra một số cập nhật và tin quan trọng của dự án.
Mọi người có thể đọc thêm 2 bài phân tích dưới đây để cập nhật những dự án GameFi tiềm năng trong thời gian sắp tới và khai thác tiềm năng, cơ hội từ chúng:
7. Kết luận
Trên đây là những thông tin cơ bản về Game NFT và tiềm năng phát triển trong tương lai của ngách này. Có thể thấy, với lần trở lại lần này, hầu hết các dự án GameFi đã có cách tiếp cận mới với người dùng, thông qua việc phát NFT bằng những sự kiện freemint hoặc mở bán NFT với mức giá khá rẻ. Đây là một trong những cơ hội giúp người chơi game thực sự hay các nhà đầu tư có thể tiếp cận với dự án một cách dễ dàng hơn, xoá bớt rào cản và giúp cho GameFi ngày càng trở nên mass adoption hơn.