1. Vấn đề của các mạng xã hội web2 hiện nay
Hầu hết những gã khổng lồ mạng xã hội web2 ngày nay đều tạo ra một sân chơi khép kín vận hành và kiểm soát dữ liệu, danh tính người dùng và thậm chí là cả các mối quan hệ của người dùng được sinh ra trên nền tảng của mình, có thể kể đến:
- Tạo ra sân chơi và luật chơi của riêng mình: Twitter vô cớ khoá hàng loạt các tài khoản của người dùng không rõ nguyên nhân.
- Đánh cắp thông tin cá nhân và dữ liệu người dùng: Rất nhiều người dùng sau khi sử dụng một số các trang mạng xã hội đã gặp phải vấn đề về việc thông tin của mình bị đánh cắp và bán cho một số bên quảng cáo, điều này dễ dẫn đến các rủi ro khác nhau cho người dùng.
- Người dùng và các nhà sáng tạo nội dung không có quyền kiểm soát những nội dung chính mình tạo ra: Những nội dung này thường được sử dụng miễn phí từ các mạng xã hội hoặc các bên thứ 3 khác.
Có thể nói mạng xã hội đã tạo ra một sân chơi vô cùng hữu ích trong việc kết nối cộng đồng và tạo ra những nội dung giá trị, sáng tạo nhưng nhu cầu của con người về tính bảo mật, minh bạch và quyền sở hữu dữ liệu cũng ngày càng cao hơn. Và SocialFi ra đời, được xem như các ứng dụng kết hợp giữa 2 yếu tố “social” và “defi”, tận dụng các cơ sở dữ liệu phi tập trung và hợp đồng thông minh, cho phép người dùng tương tác và trao đổi thông tin trên mạng xã hội, đồng thời sử dụng các social token để thúc đẩy người dùng có động lực tạo ra các nội dung giá trị và thu hút hơn. Bên cạnh đó, những nền tảng này trao cho người dùng quyền sở hữu và kiểm soát hoàn toàn dữ liệu và danh tính của chính mình.
2. Tổng quan về sự phát triển của SocialFi và các trang mạng xã hội phi tập trung
Thị trường dữ liệu cá nhân (và riêng tư) là một thị trường trị giá hàng tỷ đô la, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 11%. Chính vì vậy, lĩnh vực này rất hấp dẫn đối với nhiều nền tảng truyền thông xã hội truyền thống và được xem như là một miếng bánh béo bở nhưng hiện tại gần như được kiểm soát bởi một số gã khổng lồ như Facebook, Twitter, Tik Tok,….
Gần đây chúng ta đang chứng kiến một sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng truyền thông xã hội dựa trên blockchain với sự tăng trưởng đột phá về mặt số lượng của các dự án mới ra đời và sự đón nhận của người dùng với những nền tảng này. Điều này được thể hiện rõ ràng qua xu hướng phát triển của tổng số ví tương tác với các hợp đồng thông minh của các DApps xã hội thời gian gần đây. Đặc biệt là sau khi Binance liên tiếp hỗ trợ launchpad cho 3 dự án liên quan đến socialFi thời gian này (Hooked Protocol, SpaceID và Open Campus).
Nguồn: Crypto.com research
Nhìn vào biểu đồ trên, chúng ta có thể dễ dàng thấy được sự gia tăng đột biến của người dùng với các nền tảng mạng xã hội phi tập trung.
Thành phần chính của các nền tảng SocialFi:
- Social: Khá tương tự với các nền tảng mạng xã hội truyền thống, yếu tố social được thể hiện rõ ràng thông qua việc cho phép người dùng, các nhà sáng tạo nội dung có thể dễ dàng tạo ra các tuyến nội dung dưới dạng hình ảnh, video, content và chia sẻ với cộng đồng người dùng của mình hay tương tác trực tiếp với họ.
- DeFi: người dùng có thể phát hành social token của riêng mình trên một số nền tảng cho phép và kiếm được tiền thông qua những nội dung mà mình tạo ra bằng cách cho phép đấu giá, bán bản quyền hay cho phép cộng đồng quyên góp và trả phí để truy cập được những tuyến nội dung đó. Ngoài ra, người dùng cũng có thể thực hiện các lệnh chuyển tiền qua lại giữa các ví thông qua tin nhắn trực tiếp hay stake token thưởng của dự án và nhận lại phần thưởng. Trên đây mới chỉ là một số hoạt động DeFi đã và đang được triển khai thực tế trên các nền tảng socialfi hiện tại. Trong tương lai, khi SocialFi phát triển hơn các hoạt động liên quan đến DeFi sẽ ngày càng được mở rộng và phát triển thêm.
3. Những mảnh ghép Landscape quan trọng của SocialFi
Web3 Social có thể chia thành 4 thành phần chính:
- Lớp nền tảng và lưu trữ hay còn gọi là lớp database (cung cấp cơ sở hạ tầng và khả năng lưu trữ dữ liệu cho phép các giao thức và ứng dụng xây trên đó)
- Lớp giao thức (cung cấp và xây dựng công nghệ và hệ sinh thái, hỗ trợ các dự án và ứng dụng xây trên đó)
- Lớp định danh (cung cấp tên miền và DID, được xem là hồ sơ và đại diện người dùng trong thế giới web3)
- Lớp ứng dụng (các nền tảng mạng xã hội xây dựng trên công nghệ chuỗi khối, kết hợp social token để làm động lực cho phép người dùng kiếm tiền dựa trên nội dung của mình), có thể chia nhỏ làm 3 phần: many-to-many (tương tự Twitter), one-to-one (tương tự WhatsApp), one-to-many (tương tự Youtube)
Mặc dù SocialFi là một cụm từ đã được nhen nhóm từ cuối năm 2021, tuy nhiên chúng ta chưa thực sự thấy sự bùng nổ rõ rệt của xu hướng này mãi cho đến khi Binance chính thức bước chân vào và thể hiện sự quan tâm rõ rệt với narratives này khi liên tiếp hỗ trợ launchpad 3 dự án liên quan đến SocialFi. SocialFi có thể trở thành một trong những ngách có tiềm năng lead trend mùa tới khi hội tụ đủ các yếu tố: là cánh cửa để dễ dàng chuyển giao những người chơi web2 sang web3 khi vốn dĩ social đã là một ngành công nghệ tỷ đô với sự tham gia của hàng tỉ người trong thị trường truyền thống, dễ sử dụng và thiết yếu. Hơn thế nữa còn được hỗ trợ bởi Binance - một trong những người tạo lập thị trường đứng đầu của web3. Tuy nhiên, có thể nói, do hiện tại SocialFi vẫn còn đang trong giai đoạn sơ khai với những bước phát triển đầu tiên, nên trong bài viết này mình sẽ chỉ liệt kê một số dự án nổi bật nhất để mọi người có thể tham khảo.
3.1. Lớp database (lớp nền tảng và lưu trữ)
Lớp database được xem là lớp đầu tiên và dưới cùng, bao gồm các chuỗi khối cho phép các ứng dụng xã hội được khởi chạy và tận dụng công nghệ cũng như cơ sở hạ tầng có sẵn của chuỗi khối đó. Ngoài ra, lớp này còn bao gồm các giao thức lưu trữ phi tập trung, hỗ trợ các ứng dụng xã hội lưu trữ một số những dữ liệu quan trọng bởi dữ liệu của các nền tảng phi tập trung là một kho dữ liệu vô cùng khổng lồ mà hầu hết các dự án đó chưa thể tự xây dựng kho lưu trữ cho riêng mình được.
DeSo
DeSo là nền tảng blockchain layer 1 đầu tiên được xây dựng để phi tập trung hoá các nền tảng mạng xã hội và mở rộng quy mô cho các ứng dụng phải lưu trữ dữ liệu nặng cho hàng tỷ người dùng. Dự án đã thành công huy động được 200 triệu đô từ các nhà đầu tư nổi bật như a16z, Coinbase Ventures, Sequoia, Winklevoss Capital, Polychain Capital và Pantera Capital. Người sáng lập ra DeSo - AI-Naji, chính là nhà sáng lập của BitClout - một nền tảng mạng xã hội phi tập trung, cho phép người dùng có thể tạo ra các social token đại diện cho họ. Trước đó, Naji cũng đã là nhà sáng lập của Basis - một dự án stablecoin đã bị đóng cửa trước đó và hoàn lại gần hết số tiền gọi vốn cho nhà đầu tư vào năm 2018.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hàng trăm ứng dụng được xây dựng và phát triển trên DeSo.
Ceramic
Ceramic là một mạng lưới dữ liệu phi tập trung với mục đích hỗ trợ các ứng dụng và dự án Web3. Ceramic được thiết kế phù hợp với nhiều các giao dịch dữ liệu và cho phép các nhà phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng phi tập trung, các giao thức và dịch vụ Web3.
Hiện tại, Ceramic đã hỗ trợ một số dự án Social nổi bật như: Disco, Gitcoin, idential, Audius, Creaton, CyberConnect,….
Arweave
Arweave có thể coi là một trong những ông lớn trong mảng storage - lưu trữ dữ liệu. Tương tự như Bitcoin hay một số mạng lưới khác, Arweave cũng xây dựng blockchain nền tảng, nhưng tập trung chính vào lưu trữ dữ liệu. Như đã đề cập bên trên, vấn đề về việc lưu trữ dữ liệu trên web3 là một trong những vấn đề hàng đầu, đặc biệt là đối với các dự án social, cần không gian lưu trữ dữ liệu tương đối lớn để có thể đáp ứng việc lưu trữ kho dữ liệu cho người dùng. Chính vì vậy, Arweave là một trong những lựa chọn được tin tưởng sử dụng bởi một số nền tảng lớn như Lens Protocol.
3.2. Lớp giao thức
Lens Protocol
Lens Protocol là giao thức social graph (mạng lưới xã hội) web3 trên Polygon, được thiết kế để trao quyền cho các nhà sáng tạo nội dung tạo ra cộng đồng riêng mình và có thể dễ dàng di động tệp người dùng của mình giữa các nền tảng khác nhau. Khác với các nền tảng social truyền thống, Lens được ra đời để giải quyết vấn đề phân mảnh người dùng giữa các nền tảng mà người dùng social trong web 2 gặp phải. Với Lens, người dùng có thể liên kết và chia sẻ dữ liệu với bất kỳ ứng dụng nào được xây dựng trên Lens Protocol.
Lens Protocol được phát triển bởi chính nhà sáng lập của AAVE - anh cả của làng DeFi.
Hiện tại, hệ sinh thái của Lensverse đã bao gồm đến gần 300 dự án và có thể được coi là dự án dẫn đầu cho trend socialfi.
CyberConnect
CyberConnect là một nền tảng tương đối giống Lens Protocol nhưng được xây dựng và phát triển trên BNB Chain và Ethereum. Có thể coi CyberConnect là một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Lens khi cũng xây dựng social graph, cho phép người dùng có thể đồng bộ thông tin khi sử dụng các nền tảng khác nhau. Với CyberConnect, người dùng hoàn toàn có thể tạo handle (định danh) và profile cá nhân riêng, chia sẻ các tuyến nội dung và kết nối với những người dùng khác trên hệ sinh thái của CyberConnect.
Dự án đã thành công huy động 25 triệu đô qua 2 vòng gọi vốn đến từ các nhà đầu tư nổi tiếng: Delphi Digital, Polygon Studios, Spartan, Animoca Brands, Amber Group, IOSG Ventures, Binance Labs, Multicoin Capital,…
Farcaster
Farcaster cũng là một giao thức để xây dựng các mạng xã hội phi tập trung, nơi người dùng kiểm soát dữ liệu của họ và nhà phát triển có thể xây dựng ứng dụng không cần xin phép trên mạng. Đây là một giao thức mở được tạo ra bởi cộng đồng người dùng và các nhà phát triển. Hiện tại Farcaster đang phát triển và xây dựng một ứng dụng khách Warpcast - là một loại mạng lưới xã hội mới phi tập trung, cho phép người dùng có quyền kiểm soát tài khoản của chính mình.
Dự án đã hoàn thành gọi vốn 30 triệu đô được dẫn đầu bởi Andreessen Horowitz cùng với sự tham gia của Standard Crypto, 1confirmation, A Capital, Coinbase Ventures, Ribbit Capital, Multicoin Capital, Scalar Capital và nhiều nhà đầu tư khác.
3.3. Lớp định danh
Các nền tảng cung cấp tên miền và định danh được xem như là cửa ngõ kết nối người dùng đến với thế giới socialfi trên web3. Chúng ta có thể coi đây là passport cho phép người dùng được phép truy cập vào những nền tảng social liên kết.
Decentralized Identifiers (DIDs)
Bộ định dạng phi tập trung là một cách để nhận dạng người dùng mà không cần thông qua bất kỳ cơ quan nào như chính phủ hoặc công ty. Bộ định dạng này được lưu trữ trên chuỗi khối và có giá trị trên toàn cầu, đại diện cho danh tính trong Web3 của người dùng. DID có thể được sử dụng trong các ứng dụng Web3 khác nhau như các marketplaces phi tập trung, mạng xã hội và các nền tảng khác nhau yêu cầu xác minh danh tính người dùng. Các ứng dụng Web3 có thể sử dụng DID của người dùng để xác nhận rằng danh tính của họ. Điều này có nghĩa là người dùng sẽ có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với thông tin cá nhân của mình và những người có quyền truy cập thông tin đó. Nói một cách ngắn gọn, DIDs sẽ giúp định danh danh tính của người dùng trên blockchain thông qua ví định danh của họ.
Các dự án nổi bật: ENS (Ethereum Name Service), SpaceID, EtherMail, Dmail, Unstoppable Domains, Freename,…
Verifiable Credentials (VCs)
Thông tin xác thực có thể xác minh là phiên bản kỹ thuật số, được bảo mật bằng mật mã của thông tin xác thực vật lý và kỹ thuật số mà mọi người có thể xuất trình cho các tổ chức cần chúng để xác minh. VCs có thể tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau như passport, profile, certificate, poap, NFT, SBT (Soulbound Token),… Chứng chỉ kĩ thuật số này không quá mới lạ nhưng với các phiên bản trong web2 như là cookie đăng nhập và Facebook Pixel được kiểm soát bởi các công ty công nghệ tập trung và các ứng dụng như Facebook hay Google sẽ lưu trữ các thông tin đăng nhập và lịch sử của người dùng để bán cho các nhà quảng cáo bên thứ ba. Còn cấu trúc của VC cho phép các cá nhân kiểm soát danh tính của mình, được chia sẻ với ai và cho phép họ thu hồi quyền truy cập khi cần thiết.
Các dự án nổi bật: Galxe (trước đó là Project Galaxy), POAP, CyberConnect, Lens Protocol, Degen Score
Web3 Identity Wallet
Ví nhận dạng Web3 là một loại ứng dụng có thể được sử dụng để lưu trữ dữ liệu về danh tính của một cá nhân. Không giống như ví kỹ thuật số truyền thống được kiểm soát bởi chính quyền trung ương, ví định danh Web3 được phân cấp và có thể được kiểm soát bởi cá nhân.
Trước đây, danh tính trực tuyến của người dùng chủ yếu được gắn với các nền tảng tập trung như Facebook hoặc Google. Nhưng với ví nhận dạng phi tập trung, người dùng hoàn toàn có thể kiểm soát dữ liệu của chính mình.
Các dự án nổi bật: Metamask, Coinbase Wallet, Rainbow, Trust Wallet,…
3.4. Lớp ứng dụng
Social media
- Many-to-many: tương tự như Twitter
Các nền tảng mạng xã hội phi tập trung cho phép sự tương tác qua lại giữa nhiều người dùng khác nhau tương tự như Twitter và Facebook, cho phép người dùng có thể dễ dàng tương tác, trao đổi và chia sẻ các thông tin và tuyến nội dung với nhiều người. Ngoài ra, những nền tảng social là sự kết hợp giữa social + defi, cho phép những nhà sáng tạo nội dung có quyền kiểm soát hoàn toàn với nội dung của mình và kiếm được tiền từ những tuyến nội dung đó.
Các dự án nổi bật: Lenster, Phaver, Torum, Kairo Network, Orb, Ton.Place,….
- One-to-one (message app): tương tự như WhatsApp
Các dự án nổi bật: Status, iMe, dm3, Nansen Connect
- One-to-many: tương tự như Youtube
Các dự án nổi bật: Lenstube
Learn-to-earn projects
Một trong những ngách có khả năng kéo dòng tiền mới vào thị trường nhất đó chính là giáo dục người dùng thông qua các hoạt động kích thích sự tham gia của người dùng như trò chơi, quiz,…. Chính vì vậy, learn-to-earn cũng là một trong những ngách mũi nhọn của tài chính xã hội, cho phép người dùng có thể dễ dàng tiếp cận đến web3 thông qua các trò chơi hay hoạt động đơn giản và có thể kiếm được tiền từ những hoạt động đó.
Các dự án nổi bật: Hooked Protocol, Layer3, Open Campus
Content creator economy
Ngoài ra, creator cũng là một trong những thành phần chủ yếu của thị trường socialfi. Chính vì vậy, những nền tảng kinh tế cho những nhà sáng tạo nội dung cũng đóng góp một phần vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái của SocialFi. Đây chính là các nền tảng cho phép các nhà sáng tạo nội dung, thông qua nền tảng của mình để kiếm tiền từ chính những sản phẩm sáng tạo hay nội dung giá trị của họ.
Các dự án nổi bật: Mirror, Rally, BBS Network,….
4. Kết luận
Trong thời đại của Internet lên ngôi, nhu cầu về việc tương tác và chia sẻ thông tin ngày càng lớn hơn. Con người cũng đang dần tiến hoá để hướng tới những giá trị cao hơn, thay vì tiếp nhận nội dung và tin tức thuần như trong thời đại web 1 hay tạo ra những tuyến nội dung giá trị như ở web 2 thì việc sở hữu và toàn quyền kiểm soát những nội dung mà mình tạo ra trong web 3 đang trở thành một trong những giá trị mà chúng ta hướng tới.
SocialFi hiện tại có thể coi là vẫn đang trong giai đoạn hoàn toàn sơ khai, nhưng với những tiềm năng và mảnh ghép ban đầu như chia sẻ bên trên, tiềm năng về sự phát triển của SocialFi lại ngày một trở nên rõ ràng hơn. Với lượng người dùng khủng trong thị trường web 2 và được hỗ trợ bởi một trong những người tạo lập thị trường lớn nhất trong web 3 - Binance, câu chuyện về SocialFi không sớm thì muộn cũng sẽ trở thành trend có tiền năng phát triển lớn nhất trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, trên con đường tới đó, cũng sẽ không tránh khỏi được những dự án start up chết yểu hoặc không chất lượng, người dùng cần tự nghiên cứu kĩ càng và tự đưa ra những quyết định riêng của mình.
Đọc thêm bài viết liên quan tại đây: